bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

GS.TS.NGƯT Lê Chí Quế - nhà folklore đích thực

Thứ năm - 15/10/2015 07:31
Giáo sư Lê Chí Quế sinh năm 1945 tại Quảng Trị. Từ khi còn nhỏ, ông đã theo cha tập kết ra Bắc, học tại trường cấp ba Lam Sơn (Thanh Hóa). Tại ngôi trường này, ông đã được tiếp xúc với thầy Vũ Ngọc Khánh - người thầy tài năng, giàu tâm huyết với văn học, văn hóa dân gian. Cũng chính nhờ có sự động viên, khích lệ từ thầy Khánh mà sau này ông đã chọn thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Ngữ văn, nơi đã giúp ông phát huy tốt nhất năng lực học tập, nghiên cứu văn học dân gian và cũng là nơi ông bền bỉ, tận tụy lao động, cống hiến trong suốt một chặng đường dài.
GS.TS.NGƯT Lê Chí Quế - nhà folklore đích thực
GS.TS.NGƯT Lê Chí Quế - nhà folklore đích thực

Ở lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1966 – thời điểm khốc liệt của cuộc Chiến tranh chống Mỹ, nhưng nhớ về những ngày đầu trong sự nghiệp của mình, ông không hề nhắc đến những kỉ niệm khó khăn gian khổ mà vẫn luôn cho rằng mình là người may mắn, vì ở thời điểm đó ông đã được tiếp xúc và học hỏi từ những người thầy mà ông gọi là những “cây đại thụ” trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian, như: các thầy Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên và Võ Quang Nhơn, các nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh, Bùi Văn Nguyên, v.v… Từ sự ngưỡng mộ các thầy và các nhà nghiên cứu lớp trước, ông đã không ngừng hoàn thiện và phát triển bản thân, để rồi đến lượt mình, ông cũng góp sức xây dựng nên những nền tảng cho ngành khoa học về văn học dân gian lúc bấy giờ vốn rất non trẻ ở Việt Nam. Những hành trình điền dã khắp các vùng miền của tổ quốc, miền xuôi, miền ngược, Tây Bắc, Tây Nguyên, v.v… cùng với các thầy và đồng nghiệp đã giúp ông viết nên những công trình, những tác phẩm khảo cứu văn hóa, văn học dân gian giá trị, như: “Việc phân loại dân ca các dân tộc ở miền Bắc nước ta” (Tạp chí Văn học, số 6, 1975); “Bước đầu tìm hiểu những yếu tố hiện thực sinh hoạt và tín ngưỡng – nghi lễ trong quá trình hình thành “Then” (Tạp chí Văn học, số 4/1976); “Tục ngữ, ca dao, dân ca Hà Tây” (đồng tác giả) (Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây xuất bản 1975, tái bản 1993); “Vùng ven sông Nhị” (đồng tác giả) (Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, 1979).

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Chí Quế

Với bề dày kiến thức lý thuyết và thực tiễn, với sự chú trọng đồng thời văn học dân gian người Việt và văn học dân gian các dân tộc ít người trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, ông đã tiếp thu những kết quả nghiên cứu của các thầy đi trước và đã đột phá khi xây dựng nên một khung thể loại chung cho văn học dân gian của một nước Việt Nam thống nhất đa dân tộc. Nếu như trước đó, nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng khu biệt văn học dân gian người Việt với văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, cho rằng văn học dân gian người Việt có một khung phân loại riêng, khác với khung phân loại văn học dân gian của các dân tộc thiểu số thì Lê Chí Quế đã thoát khỏi xu hướng “trung tâm luận” và đưa toàn bộ các tác phẩm, các di sản văn học dân gian của các tộc người đa số cũng như thiểu số vào một khung phân loại chung. Sự ghi nhận của ông về những đóng góp của các tộc người thiểu số trong việc tạo nên diện mạo văn học dân gian của quốc gia thống nhất đa dân tộc thể hiện rõ nhất trong giáo trình mà ông chủ biên: “Văn học dân gian Việt Nam” (Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2004). Trong giáo trình này, hệ thống thể loại văn học dân gian Việt Nam đã được ông xác lập vừa tuân theo một tiến trình lịch sử lại vừa mang tính loại hình (bằng phương pháp loại hình học lịch sử), với các thể loại được sắp xếp theo tiến trình lịch sử, như: Thần thoại, Sử thi, Truyền thuyết, Truyện cổ tích, v.v…

   Nếu như các thầy của ông, tiêu biểu là thầy Đinh Gia Khánh, chịu ảnh hưởng học thuật của Pháp một cách sâu sắc thông qua quá trình đào tạo tại các trường Pháp ở Đông Dương thì Lê Chí Quế lại thuộc thế hệ chịu ảnh hưởng của học thuật Nga một cách rõ nét. Tuy nhiên đối với ông Nga chỉ như một cửa ngõ đưa ông ra thế giới. Trong thời gian nghiên cứu văn học dân gian ở Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, Matxcơva, ngoài việc chú trọng việc tổng kết lý thuyết, phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của các học giả Nga, ông cũng  rất tích cực tìm hiểu những lý thuyết đang thịnh hành trên thế giới, mà bấy giờ nổi bật là lý thuyết loại hình học của các nhà nghiên cứu văn học dân gian Phần Lan, Mỹ và ông trăn trở tìm cách áp dụng vào nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam. Sau này, khi về nước ông đã viết một loạt bài về loại hình học trong khoa văn học dân gian in trên   Tạp chí Văn hóa dân gian ( những năm 1985-1990) Những vấn đề mang tính ứng dụng của phương pháp nàyl được ông triển khai thành các chương trong giáo trình Văn học dan gian Việt nam do ông chủ biên và viết phần lớn các chương mục như là sự mong muốn chia sẻ những kiến thức mà ông đã học được ở nước ngoài. Năm 1994, ông đã viết bài Trường phái văn học dân gian Phần Lan - những nguyên tắc lí luận và khả năng ứng dụng (Tạp chí Văn học, số 5/1994) để giới thiệu lý thuyết loại hình học của các nhà folklore Phần Lan và đưa ra những triển vọng về khả năng ứng dụng của nó ở Việt Nam. Ông cũng chính là người đầu tiên đưa lý thuyết loại hình của trường phái Phần Lan vào nghiên cứu truyện cổ tích, truyền thuyết ở Việt Nam, đồng thời dựa vào lý thuyết loại hình học và thực tiễn ở Việt Nam để xác lập truyền thuyết như một thể loại độc lập của văn học dân gian Việt Nam.

Lê Chí Quế làm công việc nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, một đối tượng nghiên cứu nghe có vẻ chuyên biệt về Việt Nam, nghe có vẻ cũ kỹ, cổ xưa, nhưng ông lại không ngừng học hỏi và luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để trao đổi với thế giới học thuật ở bên ngoài.  Ông trở thành hội viên Hiệp hội tự sự học dân gian quốc tế (International Association of Folklore Narrative Research) từ rất sớm (năm 1995), đó là điều kiện để ông không ngừng cập nhật những xu hướng nghiên cứu văn học dân gian mới trên thế giới. Năm 2001 ông đã dự Đại hội Folklore quốc tế tại Melbourne do Hiệp hội Folklife Úc tài trợ, ở đó ông đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các nhà folklore nổi tiếng. Năm 2004, ông đã sang Hàn Quốc nghiên cứu 6 tháng theo chương trình trao đổi học giả của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và đã trình bày nghiên cứu về “Huyền thoại lập quốc ở Hàn Quốc và Việt Nam” trong hội thảo Việt Nam học tại Seoul tháng 8/2004. Hướng ra bên ngoài để học hỏi và nâng cao năng lực bản thân cũng chính là điều kiện giúp ông nâng cao khả năng nghiên cứu, tăng cường khả năng đóng góp của mình cho ngành folklore nước nhà, đồng thời giúp folklore Việt Nam từng bước góp mặt trên bản đồ folklore quốc tế. Có lẽ chính sự cởi mở và xu hướng hội nhập quốc tế lại tạo nên cái duyên khiến cho rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh người nước ngoài tìm đến ông để “tầm sư học đạo”. Ông là người đã hướng dẫn nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh người Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v… bảo vệ luận văn, luận án thành công.

Trong quá trình giảng dạy, công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), GS. Lê Chí Quế dành trọn thời gian công tác của mình làm việc tại Bộ môn Văn học dân gian (Khoa Văn học). Luôn trăn trở với việc khẳng định chỗ đứng của ngành nghiên cứu Văn học dân gian, nghiên cứu folklore, ông là người đã hiện thực hóa việc tách Bộ môn Văn học dân gian thành một bộ môn độc lập trong Khoa Văn học (vào năm 1985), sau đó lại góp phần xây dựng, chỉnh lý khung chương trình đào tạo Tiến sĩ Văn học dân gian để chương trình này đi vào hoạt động từ năm 1987, và xây dựng thành công chương trình Thạc sĩ Văn học dân gian (năm 2008).

Hiện nay, khi đã bước vào tuổi “thập cổ lai hy”, GS. Lê Chí Quế vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Giáo sư vẫn không ngừng trăn trở với vận mệnh và sự vận động của văn học dân gian trong xã hội đương đại. Mới đây ông đã cùng một học trò cũ của mình (PGS.TS. Ngô Thị Thanh Quý) cho công bố công trình nghiên cứu trên Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật số 4 năm 2014 có tên Văn học dân gian cổ truyền trong xã hội Việt nam hiên đại. GS. Lê Chí Quế chia sẻ rằng mình vẫn đau đáu ước mong ngành nghiên cứu folklore Việt Nam sẽ phát triển và vững vàng như một chiếc kiềng với ba chân: folklore lý thuyết, folklore thế giới và folklore Việt Nam. GS. tâm niệm rằng, để đóng góp cho nền học thuật của nước nhà, một nhà nghiên cứu folklore mẫu mực phải là người vừa am hiểu những vấn đề lý luận về folklore, vừa am hiểu folklore thế giới, vừa là một chuyên gia về folklore Việt Nam. Với những tiêu chuẩn mà Giáo sư đưa ra, phải chăng chính Giáo sư cũng là một nhà folklore đích thực?

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ CHÍ QUẾ

  • Năm sinh: 1945
  • Quê quán: Quảng Trị.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1966.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học dân gian tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Lomonosov - Moscow (Liên bang Nga) năm 1983.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002.
  • Thời gian công tác tại trường: 1966 đến nay.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Văn học (1966 – 1996)

Khoa Du lịch (1996 – 2000)

Khoa Văn học (2000 – nay)

+ Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học (1985-1989).

Chủ nhiệm Khoa Du lịch (1996-2000).

Chủ nhiệm Bộ môn Văn học dân gian, Khoa Văn học (2006 đến nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: những vấn đề lý luận và thể loại văn học dân gian; những vấn đề lý luận và thực tiễn về các thành tố văn hóa; văn hóa so sánh; quan hệ giữa văn hóa và văn học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Văn hóa dân gian: khảo sát và nghiên cứu, Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2001.

Văn học dân gian Việt Nam (chủ biên), Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2004.

Giáo sư Đinh Gia Khánh, nhà giáo – nhà khoa học tiên phong (tổ chức bản thảo, biên tập, đồng tác giả), Nxb Thanh niên, 2014.

 

Tác giả: Lư Thị Thanh Lê

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây