bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Khoa Báo chí trong cuộc đời dạy học của tôi

Thứ sáu - 06/11/2015 01:52
Con đường của tôi đến với Khoa Báo chí trong chặng đường cuối cùng của cuộc đời đi dạy học là một sự tất yếu đầy may mắn.
Khoa Báo chí trong cuộc đời dạy học của tôi
Khoa Báo chí trong cuộc đời dạy học của tôi

Tôi trở thành cán bộ giảng dạy Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi cuộc đời đã xế bóng. Anh Hà Minh Đức, chủ nhiệm khoa kể lại cuộc nói chuyện giữa anh và một cán bộ tổ chức của Trường về việc xin tôi về như sau:

  • Anh xin làm gì một cán bộ sắp đến tuổi về hưu?
  • Ô, anh Hà còn phục vụ trường ta ít nhất là mười năm nữa! Anh ấy là một tiến sỹ giỏi, một năm của anh ấy bằng nhiều năm.

Thế là đồng chí cán bộ tổ chức của trường đành phải đồng ý. Từ ngày tôi chuyển về trường (1992) đến khi tôi về hưu chắc sẽ tròn mười năm. Khi tôi về khoa Báo chí thì lớp K36 sắp kết thúc năm học đầu tiên. Tôi nhanh chóng làm quen với các em vì trong số 68 sinh viên của lớp thì khá đông là cựu học sinh trường Hà Nội – Amsterdam, cùng lứa với con trai tôi. Nhiều em trong số đó đã từng lui tới nhà tôi chơi khi còn là học sinh phổ thông. Năm học tiếp sau, tôi được khoa cử làm chủ nhiệm của lớp này cho tới khi các em tốt nghiệp ra trường (1995).

Tôi trở thành nhà giáo hết sức tình cờ, vì từ thuở ấu thơ chưa bao giờ nghĩ rằng trong tương lai mình sẽ chọn nghề “gõ đầu trẻ” hoặc “chở đò qua sông”, mặc dầu ông nội tôi, một ông đồ thất thế, từ năm Giáp Ngọ (1894) đến năm Kỷ Dậu (1909) đã liên tục sáu lần đi thi và vẫn không đỗ, là người thầy đầu tiên và rất quý mến của tôi. Tôi được ông nội dậy chữ Nho từ rất sớm, gần như đồng thời với việc dạy chữ quốc ngữ ở các trường tiểu học Công Ích, Chu Văn An, Trân Trọng Huề… Khi ở trường tôi phải học bằng tiếng Pháp, phải nói như vẹt rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gooloa”, và trong buổi chào cờ mỗi sáng thứ hai phải nhắc đi nhắc lại lời huấn thị của thống chế Pê-tanh (tên Tổng thống đã bán nước Pháp cho Phái xít Đức). Còn khi về nhà thì tôi được học bằng tiếng mẹ đẻ, cuốn sách giáo khoa đầu tiên mà ông nội dùng để dạy tôi là cuốn “tam tự kinh”, trong đó có những lời răn tuyệt vời của người xưa cách xa hàng ngàn năm: “Ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý” (Ngọc không mài, không thành vật hữu dụng, người không học, không biết lý lẽ). “Âu bất học, lão hà vi” (Bé không học, lớn lên biết làm gì). “tàm thổ thi, phong nhưỡng mật, nhân bất học, bất như vật” (Tằm nhà tơ, ong làm mật, Người không học, không bằng con vật). Ông nội tôi học rất giỏi, được Pháp mời sang chính quốc dạy tiếng An Nam cho dân của họ như một ngoại ngữ, nhưng ông tôi đã từ chối. Điều trớ trêu nhất là ở kỳ thi cuối cùng, một tên học trò người Pháp làm chủ khảo kỳ thi quốc ngữ đã đánh trượt thầy của mình vì ông nội tôi đã dứt khoát từ chối nhờ vả hắn khi hắn gợi ý. Có lẽ vì thế mà các con của ông nội tôi (cả thảy 9 người) không ai đi theo cái nghề “bạc như vôi” này, duy chỉ có một ông chú của tôi sau khi đã là bác sỹ công tác ở một vùng núi rồi do có các công trình khoa học xuất sắc, đã được mời về làm giáo sư Đại học Y khoa Hà Nội năm 26 tuổi (1932).

Trong những ngày thơ ấu, tôi đã được tận mắt nhìn thấy những sự kiện không thể nào quên: cảnh anh Hoàng Văn Thụ bị xử bắn ở cánh đồng làng Hoàng Mai ngay gần trường học tôi lúc đó (năm 1944); cuộc đảo chính của Nhật – Pháp ở Hà Nội (9/3/1945) và nạn đói khủng khiếp; khí thế của ngày Cách mạng tháng Tám và ngày Độc lập 2/9/1945 ở Thủ đô; niềm vui bất tận của quân, dân ta trong những ngày hào hùng chiến thắng sông Lô ở Bến Then, Vĩnh Yên (1947); không khí chuẩn bị tổng phản công và phong trào xung phong tòng quân của học sinh trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh (1949)… Tôi trở thành một chiến sỹ quân y bé nhỏ tham gia hai chiến dịch Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám ở Bắc Ninh – Bắc Giang (1950), rồi được cục Quân y cử đi học ở Trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Cao Bằng (1951). Mục tiêu đào tạo của trường này là chuẩn bị một lớp kề cận cho đội ngũ sỹ quan quân đội bằng cách đưa đi học một khóa ngắn hạn ở Trường Lục Quân sau khi đã tốt nghiệp Thiếu sinh quân. Nhiều bạn bè của tôi đã học lục quân rồi gia nhập hàng ngũ các chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Do ít tuổi hơn các bạn đó, tôi được đi học ở Trung Quốc 3 năm, rồi ở Liên Xô 7 năm và mãi năm 1961 mới tốt nghiệp đại học về nước, được phân công về dạy Trường Bổ túc Ngoại ngữ Gia Thượng, Gia Lâm (tiền thân của Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, nay là Đại học Hà Nội) (nguyên gốc: “tiền thân của Trường Đại học Ngoại ngữ ở Mễ Trì ngày nay”).

PGS. TS Đỗ Xuân Hà

Thế là tôi trở thành một giáo viên ngoại ngữ. Nhờ sự tích cực giúp đỡ của Nhà giáo Nhân dân, cố giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được chuyển sang làm thầy giáo dạy văn trong 20 năm tiếp sau (1962-1982). Tôi rất phấn khởi và tự hào được đứng trong hàng ngũ của các cán bộ giảng dạy Khoa Văn Sư phạm với những tên tuổi lẫy lừng mà tôi đã được nghe thấy từ lâu: Nguyễn Lương Ngọc, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Vũ Đình Liên… Tôi được ở tổ Văn học nước ngoài do anh Nguyễn Đức Nam làm tổ trưởng. Đây là một trong những tổ mạnh nhất của Khoa và có sức hấp dẫn rất lớn đối với các sinh viên.

Lớp sinh viên sư phạm những năm ấy rất giỏi, có nhiều anh, chị cán bộ đi học còn nhiều tuổi hơn số anh em trẻ cùng lứa với tôi như các anh Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đức Đông (tức Từ Sơn, con trai nhà phê bình Hoài Thanh), Bùi Văn Ba (tức Phương Lựu), Thành Thế Thái Bình… Từ lớp sinh viên sư phạm năm ấy, nhiều anh sau này đã trở thành các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Tiến Duật, Lâm Quang Ngọc, Vương Trí Nhàn, Tô Hoàng, Nghiêm Văn Đa, Hoàng Hưng…

Cách đây mấy năm, anh Tô Hoàng – nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch bản và phê bình điện ảnh – từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội có ghé qua thăm tôi và nói rằng bản luận văn tốt nghiệp sư phạm hồi ấy của anh do tôi hướng dẫn nay anh vẫn còn giữ làm kỷ niệm dù hơn 30 năm đã qua và anh đã học thêm mấy “trường đại học”: ở chiến trường B, ở Liên Xô, ở xí nghiệp phim, ở tòa báo… Cách đây ít hôm, anh Trịnh Bình An – nhà quản lý khoa học – từ Hải Phòng tới nhà tôi chơi, mặc dù tuổi đã 60 nhưng vẫn đọc cho tôi nghe bài thơ do anh sáng tác, giọng vẫn trẻ như hơn 35 năm về trước, khi anh còn là sinh viên làm luận văn do tôi hướng dẫn.

Tôi đến Khoa Báo của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không phải từ Khoa Văn, Đại học Sư phạm mà từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nơi tôi công tác sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ lý luận văn học ở Trường Đại học Tổng hợp Mát-cơ-va và được Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc ấy bổ nhiệm làm Tổng thư ký khoa học của viện lớn kiêm phó Viện trưởng Viện Giáo dục học. Anh Hà Minh Đức tỏ ra ngạc nhiên khi tôi có ý định rời bỏ các chức tước đó xin về Khoa Báo chí để làm một cán bộ giảng dạy thường. Thậm chí do trục trặc ở Vụ Tổ chức – Cán bộ của Bộ mà tôi phải chờ đến 5 tháng trời vẫn chưa thấy có quyết định của Bộ trưởng chuyển công tác cho tôi, khi ấy, anh Đức phải trèo lên tầng 5 nhà tôi ở Thanh Xuân Bắc và hỏi vợ tôi rằng: “Anh Hà có thay đổi ý định xin về Trường Tổng hợp hay không?”

Con đường của tôi đến với Khoa Báo chí trong chặng đường cuối cùng của cuộc đời đi dạy học là một sự tất yếu đầy may mắn. Tôi sinh năm Đinh Sửu, một năm đẹp. Có những người đồng tuế với tôi là nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên Trung ương hoặc được hưởng “lộc trời cho” khác. Tôi không may lại chào đời vào lúc 8 giờ sáng, lúc “con trâu” đang đổ mồ hôi trên luống cày! Nhưng từ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã bảo tôi được “quý nhân phù trợ”. Trong những chuyện khác thì không biết thế nào, còn trong chuyện đang nói thì đúng thật: Đầu đời đi dạy học tôi được giáo sư Nguyễn Lương Ngọc tận tình giúp đỡ, cuối đời đi dạy tôi lại được giáo sư Hà Minh Đức hết lòng vận động các cấp có thẩm quyền cho tôi về nơi công tác theo nguyện vọng. Nhân đây, tôi xin phép được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh Hà Minh Đức.

Tôi được đào tạo hơn 12 năm ở trung tâm của nước Nga để trở thành một chuyên gia về Văn học Nga với 3 tấm bằng cử nhân, phó tiến sỹ và tiến sỹ, đã được đưa tên vào cuốn sách “Who is who?” của tổ chức MAPRIAL (Nga học toàn thế giới), được Đại hội đồng của tổ chức này bầu làm ủy viên Ủy ban Kiểm tra – năm 1990, được đại hội lần thứ VII của tổ chức này cử vào chủ tịch đoàn điều khiển hội thảo về văn học và đất nước học cùng với 3 nhà khoa học tên tuổi của Mỹ, Hungary và Nga, đã có nhiều cuốn sách giáo khoa, sách chuyên khảo, bài báo, báo cáo khoa học, đã đi dạy ở nhiều trường đại học trong và cả ở Campuchia, đi dự nhiều hội thảo quốc tế và năm 1981 đã được Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội bầu là Phó Giáo sư (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ - năm 1984). Thế nhưng, éo le thay, năm 1985, tôi lại trở thành một nhà nghiên cứu giáo dục, một chuyên gia về giáo dục thẩm mỹ trong 7 năm, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đi tham quan, nghiên cứu ở một nước Bắc Âu, tham dự và đọc các báo cáo ở hội thảo quốc tế về lĩnh vực này – một lĩnh vực rất xa với văn học và văn hóa Nga mà tôi đã được học tập và nghiên cứu tương đối kỹ.

Chính vì vậy mà khi được anh Hà Minh Đức xin về làm cán bộ giảng dạy Khoa Báo chí, tôi rất mừng. Ngoài phần chuyên môn văn học nước ngoài của tôi, anh đề nghị tôi phụ trách luôn Bộ môn Lịch sử báo chí và trực tiếp giảng dạy phần Lịch sử báo chí thế giới. Tôi viết văn khá từ thủa nhỏ, tôi còn nhớ khi học cấp II, có lần thầy Phạm Tuyên đã cho tôi điểm 19, 1/4 (thang điểm 20), đã từng làm chủ tờ báo tường ở đại học suốt 5 năm, năm 1957 đã có bài đăng ở tập san “Đại học Tổng hợp”, sau đó còn viết khá nhiều bài ở các báo và tạp chí về văn học và giáo dục. Riêng các bài về giáo dục của tôi đã tập hợp thành sách và in hai lần. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ làm báo thực sự. Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng tôi chỉ là một nhà giáo chứ không phải một nhà báo, tuy có viết báo, thậm chí có lần đã được giải thưởng của một tờ báo lớn.

Trong quá trình công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được trường cho khá nhiều (Nguyên gốc: “Tuy mới công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 8 năm, nhưng tôi đã được trường cho khá nhiều”): Năm 1996, tôi được Hội đồng học hàm ngành Văn học và Hán Nôm bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng và trúng cử Giáo sư với 93,3% số phiếu tán thành; 2 lần được Hội đồng Trường bầu là Nhà giáo Ưu tú với số phiếu cao trên 80%. Nhưng cái được nhiều nhất là do Khoa Báo chí cho tôi: Tôi đã trở thành một nhà giáo dạy báo chí thực thụ và đã có hơn 1000 sinh viên, học trò cũ, nay là các nhà báo đang hoạt động có hiệu quả ở mọi loại hình báo chí trên khắp các miền của Tổ quốc, trong số đó, nhiều người vẫn còn rất nhớ tới tôi và thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi. 

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC ĐỖ XUÂN HÀ

  • Năm sinh: 1937.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Lê-nin Mát-cơ-va (Liên bang Nga) năm 1961.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Xô viết tại Đại học Sư phạm Lê-nin Mát-cơ-va (Liên bang Nga) năm 1978.
  • Nhận bằng Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Lý luận văn học ở Trường Đại học Tổng hợp Mát-cơ-va (Liên bang Nga) năm 1985.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002.
  • Thời gian công tác tại trường: 1992-2002.
    • Đơn vị công tác: Khoa Báo chí và Truyền thông.
  • Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông (1992-2002).

  • Các công trình khoa học tiêu biểu:
    1. Báo chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (viết chung), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1994.
    2. Giáo dục thẩm mỹ - món nợ lớn đối với thế hệ trẻ, NXB Giáo dục, 1997; tái bản 1998.
    3. Báo chí với thông tin quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997; in lần thứ hai có bổ sung, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

Tác giả: GS.NGND Hà Minh Đức

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây