bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Niệm - cuộc đời hoạt động cách mạng và dạy học

Thứ năm - 17/09/2015 23:10
NGƯT Lê Đức Niệm là một người thầy uyên bác. Ông không chỉ uyên bác về văn học Trung Quốc, mà còn am tường về văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cuốn sách của ông viết về thơ Đường nói riêng, văn học Trung Quốc nói chung bao giờ cũng có phần liên hệ với văn học Việt Nam; chẳng hạn: Thơ Đường (Nxb KHXH, H.1994), Diện mạo thơ Đường (Nxb VHTT, H.1995), Thi tiên Lý Bạch (Nxb Văn học, H.1995). Ông chính là người đã đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Trung Quốc trong mối quan hệ mật thiết với văn học Việt Nam ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Niệm - cuộc đời hoạt động cách mạng và dạy học
Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Niệm - cuộc đời hoạt động cách mạng và dạy học

PGS. NGƯT Lê Đức Niệm sinh ngày 05/02/1932 (trong lý lịch kê khai là ngày 05/02/1934), trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, do được giác ngộ từ sớm, nên ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Lúc đầu, ông tham gia các phong trào tuyên truyền cách mạng tại địa phương, được giới thiệu vào Đội Thiếu niên Tiền phong và được cử làm Phó bí thư Đội Thiếu niên của xã. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông tiếp tục vừa đi học vừa tham gia kháng chiến ở quê nhà. Hòa bình lập lại, từ quê hương Nghệ An, ông ra Hà Nội, được giới thiệu đi học Lớp thuyết minh điện ảnh. Tháng 4/1956, ông trở thành cán bộ của Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa. Tháng 10/1956, ông được cử đi học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ tháng 11/1959, ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, đảm nhiệm việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Trung Quốc. Ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Cộng sản Việt Nam) ngày 09/01/1963.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Niệm (1932-2015)

Do yêu cầu phát triển chuyên môn, từ tháng 10/1963, ông được cử đi tiến tu về văn học cổ điển Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh. Tại đây, ông có dịp tiếp xúc và làm quen với các học giả nổi tiếng Trung Quốc như Vương Lực, Viên Hành Bái (các nhà nghiên cứu nổi tiếng về thi luật học và thơ ca cổ điển Trung Quốc)… Đó là những tháng ngày ông dùi mài nghiên cứu, nuôi hoài bão trở thành một chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy thơ Đường nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung. Tháng 7/1966, học xong chương trình tiến tu, ông về nước tiếp tục làm việc tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Hà Nội. Ngay từ những ngày mới trở về, ông đã dốc sức cùng các cán bộ trong tổ bộ môn Văn học Nước ngoài xây dựng chương trình, biên soạn các bài giảng để nhanh chóng giới thiệu cho sinh viên Việt Nam những tác phẩm đồ sộ của các nền văn học vĩ đại trên thế giới. Sinh viên các thế hệ vẫn truyền tụng nhau về tinh thần nhiệt huyết, lòng đam mê văn chương của thầy Lê Đức Niệm qua các bài giảng về Kinh Thi, Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ… Hàng ngàn sinh viên ra trường hiện đang công tác khắp mọi miền của Tổ quốc chắc vẫn còn nhớ giọng đọc thơ hào sảng trầm hùng của ông trong các buổi lên lớp say sưa ở vùng núi sơ tán thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên cũng như trong các lớp học tại giảng đường Hà Nội. Hầu như không có khó khăn nào, thậm chí cả tiếng gầm gào của bom đạn cũng không thể át đi được những âm thanh trầm bổng, nồng ấm tình người của ông. Sự nhiệt huyết của ông, tấm lòng vô tư, thương mến học trò của ông đã đi vào trái tim của biết bao thế hệ học trò Khoa Ngữ văn.

NGƯT Lê Đức Niệm là một người thầy uyên bác. Ông không chỉ uyên bác về văn học Trung Quốc, mà còn am tường về văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cuốn sách của ông viết về thơ Đường nói riêng, văn học Trung Quốc nói chung bao giờ cũng có phần liên hệ với văn học Việt Nam; chẳng hạn: Thơ Đường (Nxb KHXH, H.1994), Diện mạo thơ Đường (Nxb VHTT, H.1995), Thi tiên Lý Bạch (Nxb Văn học, H.1995). Ông chính là người đã đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Trung Quốc trong mối quan hệ mật thiết với văn học Việt Nam ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến nay, các học trò của ông vẫn tiếp nối con đường thầy đã đi, bên cạnh môn học cơ sở - bắt buộc là Văn học Trung Quốc (bao gồm Văn học Trung Quốc từ Cổ đại đến đời Đường Văn học Minh Thanh – Cận Hiện đại), còn có thêm môn học chuyên đề - tự chọn là Tiếp nhận thơ Đường ở Việt Nam (điều chỉnh từ chuyên đề thầy đã dạy: Ảnh hưởng thơ Đường ở Việt Nam) và tới đây chuyên đề này sẽ mở rộng ra thành: Tiếp nhận văn học Trung Quốc ở Việt Nam. NGƯT Lê Đức Niệm còn là dịch giả và từ điển gia. Trong thời gian công tác, ngoài viết sách chuyên luận đáp ứng kịp thời cho công tác đào tạo của Trường, ông còn miệt mài biên soạn từ điển; chẳng hạn: Từ điển Nhật - Việt (soạn chung, Nxb Giáo dục, H.1993), Từ điển Hán - Việt (Nxb VHTT, H.1999), Từ điển Trung - Việt (soạn chung, Nxb KHXH, H.1993), Từ điển văn học (soạn chung, tập 1, H.1983 và tập 2, H.1984)... Ông cũng là dịch giả của bộ Lịch sử văn học Trung Quốc (2 tập, dịch chung, Nxb Đại học &THCN, H.1990; in lại, Nxb Giáo dục, H.1997), là người giới thiệu tác phẩm của các tác gia lớn trong nền văn học Trung Quốc, như Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Kim Bình Mai v.v; đồng thời là người có công đưa dịch phẩm Thơ Đỗ Phủ của Nhượng Tống đến với công chúng.

Với những cống hiến đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục, PGS. NGƯT Lê Đức Niệm đã được Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT và Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội trao tặng các phần thưởng cao quí như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Nhà giáo Ưu tú, Kỷ niệm chương của ĐHQG Hà Nội, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng v.v…

NGƯT Lê Đức Niệm là người sống giản dị, nhiệt thành. Ông là người tiêu biểu cho tình đoàn kết, tinh thần nhân văn, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Suốt mấy chục năm công tác tại Khoa, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Nước ngoài, Chủ nhiệm bộ môn Văn học Phương Đông, Thư ký Công đoàn Khoa Ngữ văn, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn - Quyền Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng bộ Khoa Ngữ văn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Trường Đại học tổng hợp Hà Nội… Ở cương vị nào, ông cũng dốc lòng, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ với tất cả tâm hồn trong sáng, với tinh thần chí công vô tư. Ông là người tiêu biểu cho thế hệ các nhà giáo lão thành, vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học – một người thầy giàu tinh thần thực tiễn. Với nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, ông luôn được bạn bè đồng nghiệp yêu quí và các thế hệ học trò yêu mến kính trọng.

PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ LÊ ĐỨC NIỆM

  • Năm sinh: 1932.
  • Năm mất: 2015.
  • Quê quán: Nghệ An.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, Khóa I, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1992.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997.
  • Thời gian công tác tại trường: 1959-2000.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tến tu văn học cổ điển Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc (1963-1966).

+ Chức vụ quản lý:

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Nước ngoài.

Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học Phương Đông.

Nguyên Phó Chủ nhiệm và Quyền Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

  • Các hướng nghiên cứu chính: Văn học cổ điển Trung Quốc, chuyên sâu về thơ Đường; giao lưu tiếp biến văn học Việt Nam - Trung Quốc, chuyên sâu nghiên cứu về ảnh hưởng thơ Đường trong văn học Việt Nam.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Thơ Đường (1993). Nxb KHXH, H.

Diện mạo thơ Đường (1995). Nxb VHTT, H.

Thi tiên Lý Bạch (1995). Nxb Văn học, H.

Từ điển Nhật-Việt (1993). Soạn chung. Nxb Giáo dục, H.

Từ điển Hán-Việt (1999). Nxb VHTT, H.

Từ điển Trung-Việt (1993). Soạn chung, Nxb KHXH, H.

Từ điển văn học (1983, 1984). Soạn chung, 2 tập, Nxb Văn học, H.

Lịch sử văn học Trung Quốc (1990, 1997). Dịch chung, 2 tập. Nxb Đại học và THCN và Nxb Giáo dục, H.

Tác giả: ThS. Phạm Ánh Sao

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây