bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

(Hànộimới) Những kỷ niệm đẹp với lớp sinh viên khóa VIII (K8) và Anh Nguyễn Phú Trọng

Thứ hai - 22/07/2024 23:34
Bây giờ, Anh đã đi xa, qua những dòng tâm huyết này, tôi muốn chia sẻ những kỷ niệm đẹp với lớp Văn K8, với Anh. Lòng tôi rưng rưng đầy niềm tiếc thương. Kính tiễn Anh, một nhân cách lớn - đồng chí Tổng Bí thư.
tbt2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đứng thứ hai từ trái sang) là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chụp tháng 2-1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội. (Ảnh: Phòng truyền thống Đại học Quốc gia Hà Nội).

Những kỷ niệm đẹp với lớp Ngữ văn K8

Tôi thuộc lớp sinh viên Ngữ văn khóa I, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959). Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn.

Năm 1965, Đảng và Nhà nước chủ trương sơ tán tất cả trường đại học về vùng nông thôn để tránh giặc lái Mỹ đánh phá vào các cơ sở đào tạo cán bộ của ta.

Mùa hè năm 1965, tôi và thầy Trần Hữu Nghĩa được Ban Chủ nhiệm khoa Văn giao nhiệm vụ đi cùng lớp sinh viên K8 (1963-1967) lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên).

Lớp sinh viên K8 rất đông, hơn 120 người, tập hợp từ ba nguồn: Học sinh phổ thông; cán bộ đương chức được cử đi học nâng cao trình độ; số còn lại từng học ở Liên Xô, Đông Âu trở về tiếp tục học ở trong nước.

Thầy trò chúng tôi “đóng quân” ở xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ. Hằng ngày, chúng tôi phải leo dốc, các bạn sinh viên thường vui gọi là “dốc tắt thở”, vì lên đến nơi là hụt hơi, phải ngồi nghỉ khá lâu. Chúng tôi vào rừng khai thác gỗ, nứa, các loại vật liệu về xây dựng thư viện, lớp học, văn phòng khoa, nhà bếp nấu ăn của lớp K8...

Công việc xây dựng cơ sở lán trại của lớp sinh viên K8, K9, K10, K11 diễn ra rất khẩn trương và sớm kết thúc để bước vào khai giảng năm học mới (1965-1966).

Ngoài công việc giảng dạy, tôi còn được bổ nhiệm làm Bí thư Khoa (chức danh thường dùng lúc ấy - chính xác là Chánh Văn phòng Khoa).

Lớp sinh viên K8 đông về số lượng, mạnh về chất lượng vì nhiều cán bộ về đi học. Họ từng trải, nhiều kinh nghiệm, giỏi về công tác dân vận, giỏi tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể… Các bạn trẻ từ phổ thông lên thì sinh hoạt trong Chi đoàn Thanh niên do anh Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư. Khối này rất nhiệt tình, năng động tham gia các hoạt động học tập, ngoại khóa. Mỗi khi có việc cần điều động sinh viên tham gia với địa phương, tôi thường chủ yếu dựa vào lớp này.
 

tbt1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời kỳ đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội thăm cán bộ, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngày 16-11-2010. (Ảnh: Bùi Tuấn - VNU)

Tôi nhớ năm 1967, Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc lần thứ II diễn ra tại Hà Nội. Để hưởng ứng hội diễn, khoa Văn đã phát động hội diễn văn nghệ (ca hát, diễn kịch), chọn tác phẩm đạt giải nhất đưa về Hà Nội tham gia hội diễn ở Trung ương.

Lớp sinh viên K8 lập đội kịch nghiệp dư, do anh Hoàng Chương phụ trách. Các anh chọn vở kịch “Những người chiến thắng” của nhà viết kịch Học Phi. Tác phẩm ngợi ca tấm gương kiên cường, bất khuất của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong công cuộc chống Mỹ cứu nước của đồng bào miền Nam ruột thịt. Vở này đoạt giải Nhất trong hội diễn của khoa. Sau đó, tôi và thầy Bùi Ngọc Trác được khoa cử đi cùng đội kịch Văn K8 về Hà Nội tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc.

Chúng tôi “kéo quân” về Hà Nội. Các anh phụ trách đội kịch liên hệ mượn được hội trường của Trường lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa ở phố Đường Thành, có sân khấu rộng để tập luyện. Các anh phụ trách đội kịch cũng mời được tác giả Học Phi và đạo diễn Lộng Chương hằng tối đến xem và góp ý uốn nắn cho từng diễn viên, nâng dần chất lượng từng vai diễn và sự hấp dẫn của toàn vở. Ban phụ trách đội kịch còn liên hệ với Bộ Văn hóa xin phép được diễn ở Nhà hát Lớn, thuê một tối để tập diễn và làm quen với sân khấu.

Các đội văn nghệ địa phương về tham gia Hội diễn được đăng ký diễn ở một trong hai nơi: Rạp Hồng Hà ở phố Đường Thành; Nhà hát Lớn ở phố Ngô Quyền. Phần nhiều đội địa phương đăng ký diễn ở rạp Hồng Hà, rất ít đội "dám" diễn tại Nhà hát Lớn.

Ban phụ trách đội kịch Văn K8 báo cáo và mời Ban Giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp dự buổi diễn của đội. Nhà trường đề nghị tổng duyệt trước khi trình diễn ở Nhà hát Lớn. Chúng tôi được Tổng cục Đường sắt cho mượn hội trường gần ga Hà Nội. Giáo sư Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum cùng Ban Giám hiệu và nhiều cán bộ giảng viên của trường đến dự. Xem xong, mọi người đều khen vở diễn hấp dẫn.

Rồi thì đêm diễn chính thức cũng đến. Hội trường Nhà hát Lớn kín chỗ ngồi. Sau quá trình tập luyện công phu của từng diễn viên với sự nhiệt tâm chỉ dẫn của tác giả Học Phi và đạo diễn Lộng Chương, màn trình diễn của đội kịch Văn K8 đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khích lệ của khán giả.

Kết thúc vở diễn, sau tràng vỗ tay dài, ông Hà Huy Giáp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng lên sân khấu tặng hoa và ân cần: “Các anh chị sinh viên Văn khoa có khác. Nghiệp dư mà diễn như vậy là quá tốt, rất đáng khen”.

Những kỷ niệm với Anh Nguyễn Phú Trọng

Tôi và lớp Văn K8 thân thiết như trong một gia đình. Sau này, hằng năm lớp tổ chức họp mặt, tôi và một số thầy thường được mời đến chung vui cùng các bạn. Anh Nguyễn Phú Trọng vì bận nhiều công việc nên thỉnh thoảng mới về họp mặt với lớp. Tôi xin kể một số kỷ niệm đẹp với lớp K8, có Anh Trọng cùng dự.

hop lop tbt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các thầy và bạn học nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày lớp K8 ra trường.

Trong buổi họp mặt năm 2016, Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nguyên chủ nhiệm Khoa, tặng anh Trọng đôi câu đối:

Trọng chính, Trọng liêm, hưng Đảng tiết
(trọng sự chính trực, trọng sự liêm khiết, chấn hưng khí tiết Đảng)

Dương tài, Dương trí, kết dân tâm
(đề cao người tài, đề cao trí thức, kết chặt lòng dân)

Anh Trọng đáp lời thầy: “Em cảm ơn thầy. Đây là một nhiệm vụ cao cả và cực kỳ khó khăn. Nhưng em xin cố gắng hết mình để đáp lại niềm tin yêu của thầy dành riêng cho em”.

Năm 2018, lớp Văn K8 họp mặt tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ, Anh Trọng phát biểu tâm tình: "Nhiều thập kỷ đã qua nhưng tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí và tình thầy trò vẫn đầm ấm, trong sáng. Đây là điều quý nhất, mỗi chúng ta đã và sẽ mang theo suốt đời”.

Đến lúc dự bữa cơm trưa, tôi nói với Anh Trọng: "Nhân anh nói đến chữ Tình, tôi tặng Anh câu thơ chữ Hán - Việt tôi mới sưu tầm được:

Thế gian vạn sự giai bào ảnh (trên đời này mọi (sự) việc đều là bèo bọt, ảo ảnh)

Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình (nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người)”

Anh Trọng bình luận: “Câu thơ hay quá thầy ạ, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em”.

Buổi gặp mặt lớp K8 năm 2022, Giáo sư Nguyễn Kim Đính vắng mặt, nhờ tôi chuyển đến anh Trọng đôi câu đối:

Thượng tôn pháp luật, trừng đố quốc (Trên - thượng tôn pháp luật, trừng trị bọn sâu mọt đục khoét quốc gia)

Hạ kết nhân tâm, diệt tặc dân (Dưới - kết nối nhân tâm, diệt bọn giặc hại dân)

Tôi giải thích ý nghĩa câu đối và chuyển lời của Giáo sư Kim Đính khen Anh Trọng đang làm rất tốt việc này và mong Anh phát huy hơn nữa. Cả hội trường vỗ tay hưởng ứng khích lệ Anh Trọng.

Hồi Anh Trọng đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi có in cuốn sách “Liên kết tri thức” do nhà bác học Edgar Morin (Pháp) chủ biên. Cuốn sách tập hợp các tham luận khoa học của một số nhà trí thức nổi tiếng của nước Pháp, khai mở các định hướng mới cho giáo dục phổ thông của nước này. Tôi nghĩ cuốn sách rất có ích, nên đã đích thân đến Văn phòng Thành ủy Hà Nội số 4 Lê Lai để biếu Anh Trọng.

Tôi nhớ có lần gặp Anh Trọng ở nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng (cùng khóa K8 với anh Trọng) khi anh mang quà chúc mừng đám cưới con gái anh Hùng. Gặp tôi, Anh Trọng cười và nói “Em đến nhà bạn Hùng mừng hạnh phúc hai cháu vì hôm tới em bận việc không đi dự lễ cưới được”. Tôi thực sự cảm kích trước sự chân tình và giản dị, hồn nhiên như khí trời của vị lãnh đạo cấp cao Thành ủy.

Bây giờ Anh đã đi xa, qua những dòng tâm huyết này, tôi muốn chia sẻ những kỷ niệm đẹp với lớp Văn K8, với Anh. Lòng tôi rưng rưng đầy niềm tiếc thương. Kính tiễn Anh, một nhân cách lớn - Đồng chí Tổng Bí Thư - “Người đốt lò vĩ đại”.

Nguyện cầu hương linh Anh nhẹ cánh hạc bay siêu thăng miền mây trắng…

>>>> Tin liên quan: 
Phim tài liệu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực
GS. Nguyễn Phú Trọng, từ sinh viên Đại học Tổng hợp đến Bí thư Thành uỷ Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những kỷ niệm với bet365 football
Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mọi người
(VTC1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Từ sinh viên Ngữ Văn đến người đứng đầu Đảng và Nhà nước

Tác giả: Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐHTH Hà Nội (9/1959 - 4/1970)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây