bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đảng cầm quyền

Thứ hai - 17/05/2021 21:46
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên là cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”1.
Hoài bão lớn nhất của Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được tự do hạnh phúc. Tháng 1-1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Người nói:
“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2.
 
a
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Vĩnh Phúc năm 1963
 
Hoài bão lớn nhất đó là động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh dấn thân đến các nẻo đường của nhiều quốc gia trên thế giới để khảo sát, tìm hiểu các học thuyết và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng một hệ quan điểm toàn diện về cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc và phù hợp với xu thế tiến hoá của nhân loại trong thời đại mới. Hệ thống quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới giá trị tinh thần truyền thống tư tưởng và văn hoá của dân tộc, kết hợp với sự chọn lọc, tổng hoà và phát triển biện chứng giá trị tư tưởng văn hoá phương Đông, văn hoá tư tưởng các cuộc cách mạng Âu - Mỹ ở thế kỷ XVII, XVIII và đặc biệt là học thuyết cách mạng của Mác và Lênin. Hệ thống quan điểm tư tưởng cách mạng đó mang tầm vóc lịch sử một học thuyết về giải phóng và phát triển vì độc lập, tự do.
 
Thực hiện học thuyết độc lập tự do của Hồ Chí Minh ở một nước vốn là thuộc địa, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp kém cỏi, dân số chủ yếu là nông dân tất phải diễn ra lâu dài, về đại thể phải thực hiện bằng ba chiến lược cách mạng nối tiếp nhau, trước hết là cách mạng giải phóng dân tộc, qua cách mạng dân chủ nhân dân, tạo tiền đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Muốn được sự nghiệp cách mạng đó đến thắng lợi, trước hết phải có đảng cách mạng được vũ trang bằng một học thuyết cách mạng sáng tạo làm cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, có cương lĩnh đường lối cách mạng khoa học được xây dựng cho phù hợp với lịch sử, đất nước, con người Việt Nam và đảng phải được tổ chức khoa học, chặt chẽ, đặc biệt phải có đội ngũ Đảng viên có lý tưởng và đạo đức cách mạng, kiên trung chiến đấu vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
 
Vấn đề đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự thành bại của cách mạng. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Chính vì vậy ngay từ khi chuẩn bị và thành lập Đảng và suốt trong các chặng đường đấu tranh, Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng về chiến lược cách mạng và giáo dục đào tạo rèn luyện đội ngũ đảng viên của Đảng thực sự là những chiến sĩ cách mạng mẫu mực. Bài Tư cách một người cách mệnh, bài giảng đầu tiên trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” tại lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu gồm 13 điều và bài “Người cách mạng mẫu mực” gồm 12 điều chỉ công bố tháng 9-1926, thể hiện những nội dung cơ bản về đạo đức cách mạng của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Người chiến sĩ cách mạng phải giữ vững ý chí chiến đấu, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc trên hết, kiên trì và nhẫn nại, dám xả thân hy sinh thân mình vì nghĩa lớn của dân tộc, xem thường danh vị ngôi thứ, tiền bạc bất chính. Chính nhờ xây dựng được một đội ngũ những chiến sĩ cách mạng mẫu mực, Đảng đã vượt qua mọi thử thách gian nguy, đã lãnh đạo toàn dân tộc ta tiến lên, dẫn đến thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nhà nước chung của cả dân tộc.
 
 
a
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ chiến sĩ trên đường đi công tác, Tuyên Quang (1951)
 
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra một kỷ nguyên của dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự do, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng Hồ Chí Minh - từ một đảng hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền trong cả nước. Bước vào một thời kỳ lịch sử mới, dưới ngọn cờ cách mạng của Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cả dân tộc ta tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, với khẩu hiệu: “Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết”. Trở thành một đảng cầm quyền, Đảng có một bộ máy nhà nước, một công cụ quyền lực để tổ chức, huy động lực lượng của toàn xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Cùng với việc lãnh đạo tổ chức cuộc kháng chiến của toàn dân chống lại cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, Đảng và Nhà nước phải ra sức xây dựng một chế độ mới một cách toàn diện trong điều kiện đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn,làm sao “đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn và để cho tất cả mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời”3.
 
Từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời tiếp tục đưa cách mạng ở miền Bắc tiến lên một thời kỳ mới. Cuộc chiến đấu trong 30 năm chiến tranh cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc đòi hỏi Đảng phải phát huy trí tuệ sáng tạo trong việc hoạch định đường lối đồng thời tiếp tục giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước, giữ vững lý tưởng cách mạng vì độc lập tự do, phải giữ vững ý chí chiến đấu, nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân sẽ làm suy thoái phẩm chất, đạo đức đội ngũ cán bộ nắm giữ bộ máy quyền lực nhà nước. Những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn luôn nghĩ đến lợi ích riêng của mình, ngại gian khổ khó khăn, tham ô, lãng phí, tham danh, trục lợi, độc đoán, chuyên quyền, coi thường pháp luật, coi thường dân chúng,v.v... Vì vậy, vừa kiên trì đẩy mạng kháng chiếnđể đánh bại quân xâm lược, đồng thời phải loại trừ chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, trước hết là đội ngũ cán bộ đảng viên hoạt động trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, làm cho tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những chiến sĩ cách mạng mẫu mực. Việc rèn luyện giáo dục cán bộ đảng viên được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức phong phú, qua thực tiễn công tác và chiến đấu, qua sinh hoạt của tổ chức Đảng và đoàn thể, qua học tập chính trị đặc biệt có những đợt sinh hoạt học tập có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo chặt chẽ, cần nâng cao nhận thức, vừa tự phê bình và phê bình, vừa có kế hoạch sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, sửa đổi lối làm việc như đợt học tập tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được tổ chức năm 1947, khi cuộc kháng chiến diễn ra gay go và ác liệt để chống lại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của giặc Pháp. Tác phẩm đã nêu 12 điều về Tư cách của đảng chân chính cách mạng, Người nêu rõ đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết. Hăng hái rèn luyện, tình nguyện làm người chiến sĩ xung phong nên đã tự nguyện vào Đảng, cho nên mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc, “nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả Đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”4.
 
bac ho voi thanh nien 1
 
Từ giữa năm 1965 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã diễn ra ngày càng quyết liệt trên cả hai miền đất nước ta, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải nêu cao hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu đưa sự nghiệp xây dựng miền Bắc và chống Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chính trong bối cảnh đó, từ 10-9-1965, Hồ Chí Minh đã viết bản Di chúc lịch sử vô cùng quý báu. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Người, những tình cảm và niềm tin của Người đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang chiến đấu trên các mặt trận và cho cả các thế hệ mai sau của Việt Nam, phải giương cao mãi ngọn cờ thiêng liêng là quyền độc lập dân tộc, quyền tự do hạnh phúc cho toàn dân... Để thực hiện và giữ vững mục tiêu lý tưởng độc lập, tự do, trước hết phải có Đảng cách mạng lãnh đạo. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện. Di chúc của Người viết:
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”5.
 
Nắm vững mục tiêu lý tưởng độc lập tự do, nội bộ Đảng phải đoàn kết nhất trí từ Trung ương đến chi bộ, đội ngũ đảng viên của Đảng một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc nên đã lãnh đạo và tổ chức toàn dân đoàn kết đấu tranh tiến lên giành những thắng lợi cho dân tộc.
 
Trên con đường phát triển của cuộc đấu tranh chống lại các đế quốc to, khó tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Chính lúc đó, Đảng càng phải giữ gìn đoàn kết nhất trí, phải thực hành dân chủ rộng rãi, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để đoàn kết, cùng nhau ngẫm suy tìm tòi chủ trương và phương pháp, cách thức thực hiện để vượt qua khó khăn, tiếp tục chiến đấu đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong bối cảnh lịch sử cuộc khángc hiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền đất nước từ 1965 trở đi diễn ra vô cùng khó khăn và đầy hy sinh, Hồ Chí Minh đã trăn trở, ngẫm suy viết những lời căn dặn có lý, có tình với một niềm tin Đảng sẽ đoàn kết, thống nhất, sức chiến đấu của Đảng tiếp tục được tăng cường làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, đảm bảo được sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đến toàn thắng.
Bản Di chúc của Hồ Chí Minh viết từ tháng 65-1965, là tài liệu tuyệt mật, đến tháng 9-1969 mới được công bố công khai. Song trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người đã thường xuyên quan tâm nhiệm vụ xây dựng Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên về ý chí chiến đấu, về tư cách đạo đức cách mạng, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
 
Tháng 6-1968, trong một buổi làm việc với một số cán bộ Tuyên giáo Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái có thể xảy ra đối với một dân tộc, một đảng, một con người.
 
Tiếp đến, ngày 3-2-1969, Hồ Chí Minh cho công bố bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người biểu dương những cán bộ, đảng viên anh dũng và gương mẫu trong chiến đấu và sản xuất, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau. Song bên cạnh những đồng chí ấy, còn có một số đảng viên thấp kém về đạo đức, phẩm chất mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tham ô, hủ hoá, lãng phí, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng. Chính vì vậy, phải ra sức tăng cường giáo dục về lý tưởng, về đạo đức cách mạng, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.... Đây là một việc làm cần thiết để làm cho tất cả cán bộ đảng viên phải xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong cách mạng, được góp sức nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc, và đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vượt qua mọi khó khăn, còn có thể kéo dài mấy năm nữa, đồng bào ta còn phải hy sinh nhiều người, nhiều của. Dù sao, chúngta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, non sông thu về một mối.
 
Khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền, mỗi cán bộ đảng viên và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cao cấp phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và như Di chúc Người đã căn dặn.
 
Hãy giữ vững lời thề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước anh linh của Người, trước hết là những cán bộ đảng viên của Đảng và Nhà nước phải “suốt đời học tập đạo đức tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng với dân…, nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”6.
 
Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, đã hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất, đưa lịch sử dân tộc Việt Nam tiến vào một kỷ nguyên mới.
Giữ gìn và nâng cao đạo đức cách mạng, loại trừ chủ nghĩa cá nhân là một yêu cầu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là cán bộ đảng viên, nhất là khi Đảng đã trở thành một đảng cầm quyền.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng…”7.
 
Lời cảnh báo của Hồ Chí Minh năm 1968 đang có giá trị thực tiễn nóng hổi, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở hãy tiếp tục học tập, thực hiện Di chúc của Người, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng và Nhà nước sự tha hoá, biến chất về tư tưởng, đạo đức… để đẩy lùi nguy cơ lớn đang đe doạ sự sống còn của Đảng, của chế độ.
 
Phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng về tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Đây thực sự là nhiệm vụ then chốt và cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay.
 
 

1 Hồ Chí Minh: Di chúc

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.161

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.45

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.253

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.497, 498

6Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.519

7Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.557, 558

Tác giả: PGS. Lê Mậu Hãn

Nguồn tin: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây