Tại buổi làm việc, GS. Gong Qihuang - Giám đốc ĐH Bắc Kinh bày tỏ niềm vui mừng và hân hạnh đón tiếp GS. Lê Quân cùng đoàn công tác của ĐHQGHN. GS. chia sẻ, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm tới Trung Quốc từ ngày 18 - 20/8/2024, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, đào tạo nhân tài giữa hai quốc gia ngày càng được chú trọng. Chia sẻ nhiều nét tương đồng khi đều là những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, đa ngành, đa lĩnh vực và có tầm quan trọng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, GS. Gong Qihuang tin rằng hợp tác giữa ĐH Bắc Kinh và ĐHQGHN sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước.
GS. Gong Qihuang cho rằng, thời gian qua, do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid, các hoạt động trao đổi trực tiếp gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nó cũng mở ra cơ hội trao đổi trực tuyến, tạo ra xu thế mới về phát triển giáo dục trên nền tảng số. GS. Gong Qihuang gửi lời mời ĐHQGHN tham gia vào liên minh quốc tế các đại học về phát triển giáo dục trí tuệ kỹ thuật số để cùng thảo luận hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học trong kỷ nguyên số.
GS. Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội và GS. Gong Qihuang - Giám đốc ĐH Bắc Kinh trao đổi về các lĩnh vực hợp tác giữa hai đơn vị
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Lê Quân cảm ơn sự tiếp đón của lãnh đạo ĐH Bắc Kinh và biểu thị sự rất coi trọng mối quan hệ đặc biệt giữa hai đơn vị. Giám đốc Lê Quân cho biết, ĐHQGHN được lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục quốc dân thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và nghiên cứu chất lượng cao; phát triển trở thành đại học trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030. Ông tin rằng, mở rộng hợp tác với các đối tác Trung Quốc, đặc biệt là cở sở giáo dục danh tiếng như ĐH Bắc Kinh sẽ góp phần quan trọng để ĐHQGHN đạt được các mục tiêu phát triển. Đồng thời, lãnh đạo ĐHQGHN cũng coi hợp tác với ĐH Bắc Kinh là hoạt động quan trọng góp phần đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Bày tỏ nhất trí với những đề xuất hợp tác của Giám đốc ĐH Bắc Kinh, Giám đốc Lê Quân bày tỏ mong muốn ĐHQGHN sẽ sớm trở thành thành viên liên minh quốc tế các đại học về phát triển giáo dục trí tuệ kỹ thuật số. Đồng thời, người đứng đầu ĐHQGHN đề nghị hai bên sẽ triển khai các chương trình hợp tác đào tạo các nhà khoa học trẻ; chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, khoa học xã hội và nhân văn…
ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh có truyền thống hợp tác nhiều năm, đều từng là thành viên chủ chốt của Diễn đàn bốn Đại học chủ chốt Đông Á (BESETOHA) gồm có ĐHQGHN, ĐHQG Seoul, ĐH Tokyo và ĐH Bắc Kinh, được thành lập từ năm 1999. Trong khuôn khổ Diễn đàn BESETOHA, các đại học đã triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi kinh nghiệm, để đưa ra những sáng kiến chung, thúc đẩy sự phát triển đại học. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ mong muốn ĐH Bắc Kinh cùng các đại học sẽ tái khởi động lại Diễn đàn BESETOHA để tiếp tục thực hiện các hoạt động học thuật và nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như năng lực, vị thế của các đại học hàng đầu trong khu vực.
Giám đốc Lê Quân mong rằng ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh sẽ sớm ký kết thỏa thuận hợp tác để làm căn cứ triển khai các hoạt động cụ thể.
Tiếp đó, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã có cuộc trao đổi với GS. Hao Ping – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Bắc Kinh.
GS. Hao Ping bày tỏ sự trọng thị trước chuyến thăm và làm việc của Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tại ĐH Bắc Kinh. Ông tin rằng, với quyết tâm từ lãnh đạo hai bên, các hoạt động hợp tác sẽ sớm được xây dựng và triển khai, góp phần quan trọng đưa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc lên một tầm cao mới. Ông đánh giá, việc hợp tác giữa hai đại học thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo và mong muốn của lãnh đạo hai quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin tới GS. Hao Ping về những đề xuất hợp tác trong cuộc trao đổi với GS. Gong Qihuang trước đó, GS. Lê Quân một lần nữa khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc như ĐH Bắc Kinh không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như khoa học xã hội và nhân văn, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc mà còn trong các lĩnh vực công nghệ mới, quản trị đại học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
GS Lê Quân cho hay, ĐHQGHN đã chuyển trụ sở tới Hòa Lạc, bắt đầu một hành trình khát vọng về đô thị đại học thông minh của Việt Nam. Lãnh đạo ĐHQGHN coi đây là cơ hội cấu trúc lại, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng đưa nhiều giải pháp công nghệ, thông minh, xanh và hiện đại. Ông tin rằng những chia sẻ kinh nghiệm, bài học phát triển và sự hợp tác, hỗ trợ của ĐH Bắc Kinh thì ĐHQGHN sớm đạt được mục tiêu, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước.
GS. Lê Quân cũng có lời mời GS. Hao Ping, GS. Gong Qihuang và các nhà khoa học của ĐH Bắc Kinh tới thăm ĐHQGHN cũng như tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VII năm 2025 do ĐHQGHN đăng cai tổ chức.
Giám đốc Lê Quân và đoàn công tác ĐHQGHN thăm Trung tâm giảng dạy xuất sắc, ĐH Bắc Kinh
Giám đốc Lê Quân và đoàn công tác ĐHQGHN thăm Viện Toán học quốc tế, ĐH Bắc Kinh
Phát biểu tại các cuộc làm việc, PGS.TS Lại Quốc Khánh nhấn mạnh lịch sử lâu đời, tiềm lực học thuật và khẳng định vị thế hàng đầu đất nước của bet365 football
thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trân trọng và sẵn sàng triển khai các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, coi đây là trách nhiệm của giới khoa học hai bên trong việc góp phần củng cố và phát triển quan hệ hai nước đang ngày càng tốt đẹp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, Giám đốc Lê Quân cùng đoàn công tác của ĐHQGHN đã trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học uy tín, như: ĐH Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến; ĐH Thanh Hoa - một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn và uy tín thuộc nhóm 20 thế giới.
Các lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa ĐHQGHN và các trường đại học lớn của Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính… và sẽ được hiện thực hóa bằng việc ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
ĐH Bắc Kinh là một trong những đại học lâu đời nhất, là đại học quốc lập có tính tổng hợp đầu tiên tại Trung Quốc, được thành lập vào năm 1898 có tên ban đầu là: Kinh Sư Đại học đường (nhằm thay thế Quốc Tử Giám cổ). Với sự phát triển và bề dày văn hoá, ĐH Bắc Kinh nổi tiếng với nhiều nhân tài xuất sắc như Mao Trạch Đông, Mão Thuẫn, Lỗ Tấn, Lý Khắc Cường, Lâm Nghị Phu, Lý Ngạn Hoành,và nhà thơ Từ Chí Ma…
Trải qua nhiều lần thay đổi tên và trụ sở, vào ngày 3/4/2000, ĐH Bắc Kinh sáp nhập với ĐH Y Bắc Kinh cũ để tạo thành ĐH Bắc Kinh mới. Kể từ khi cải cách và mở cửa, ĐH Bắc Kinh đã bước vào một kỷ nguyên xây dựng và phát triển mới chưa từng có. Trở thành một trong hai đại học lớn trong “Dự án 211”, "Dự án 985" và "Dự án song nhất" cấp quốc gia, ĐH Bắc Kinh cũng là một thành viên của Liên minh C9 – Liên minh các trường đại học nằm trong top đầu được Chính phủ Trung Quốc bình chọn.
Trong bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2025, ĐH Bắc Kinh đứng thứ 14 trên toàn cầu, thứ 2 ở châu Á và thứ 1 tại Trung Quốc.
Tin bài liên quan: