Bà Bando Mariko đã có nhiều năm công tác quản lý cấp cao các viện nghiên cứu, trường đại học. Bà đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, phần lớn trong số đó là các kết quả nghiên cứu về phụ nữ. Tiêu biểu là quyển sách “Phẩm cách của phụ nữ” (The Dignity of a Woman) - một trong nhưng cuốn sách best seller năm năm 2006 và số tiền nhuận bút đã được sử dụng để thành lập Quỹ Bando Mariko
Trường Đại học nữ Showa là đối tác truyền thống và hợp tác hiệu quả với Trường ĐHKHXH&NV. Trong nhiều năm qua, hai trường đã trao đổi và đào tạo hơn 70 sinh viên thực tập và học các các bậc đại học và sau đại học. Hoạt động tham gia các nhóm nghiên cứu, dự án về công tác khảo cổ học, bảo tồn di sản – văn hoá… (như Hội An – Cù lao chàm, Hoàng thành Thăng Long, Làng cổ Đường Lâm…) còn là những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ hợp tác của hai trường.
GS. TS. Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trường Nhà trường) đã gửi lời cảm ơn tới đại diện trường Đại học nữ Showa khi được biết Nhà trường là địa điểm đầu tiên trong chuyến công tác đối ngoại của trường Đại học nữ Showa kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao sự hợp tác của hai trường trong công tác trao đổi và đào tạo sinh viên, cũng như hoạt động nghiên cứu chung về lịch sử, khảo cổ học, bảo tồn di sản – văn hoá…
PGS. TS. Phan Hải Linh (Khoa Đông phương học) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế rất quý báu khi tham gia các dự án bảo tồn di sản – văn hoá với các nhà khoa học của trường Đại học nữ Showa, cũng như đánh giá cao thành tựu đạt được trong việc hợp tác đào tạo sinh viên ngành Nhật Bản học, khoa Đông phương học.
PGS. TS. Phạm Văn Thuỷ (Khoa Lịch sử) đã khái quát các hoạt động hợp tác về nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khảo cổ học nổi bật, trong đó nhiều dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu nổi tiếng của hai trường như GS. TS. Nguyễn Văn Kim, GS. Kikuchi Seiichi…
Bà Bando Mariko bày tỏ sự cảm kích khi Nhà trường hàng năm tiếp nhận các giáo sinh đến thực tập giảng dạy tiếng Nhật. Đồng thời, bà cũng chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm hợp tác hiệu quốc tế của của trường Đại học nữ Showa với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong buổi làm việc, hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác, tập trung vào một số hoạt động sau:
- Trao đổi ngắn hạn sinh viên trường Đại học nữ Showa học tiếng Việt và sinh viên ngành Nhật Bản học, Lịch sử, Quốc tế học của trường ĐHKHXH&NV. Đối với sinh viên của các ngành học khác của Nhà trường cũng có thể đăng kí trao đổi ngắn hạn nếu có chứng chỉ Năng lực tiếng Nhật N3, các chương trình dài hạn thì cần có chứng chỉ N2.
- Hai bên sẽ tổ chức các khoá học online với sự tham gia của các giảng viên, chuyên gia của hai trường.
- Xây dựng các chương trình đào tạo công nhận tín chỉ của nhau (trước hết là ngành Nhật Bản học hệ cử nhân) với trường Đại học nữ Showa.
- Tài trợ quỹ học bổng cho học viên và nghiên cứu sinh: Trường Đại học nữ Showa đang vận hành Quỹ Bando Mariko với mục đích hỗ trợ cho học viên sau đại học, nhà nghiên cứu trẻ sang Nhật Bản 1 năm nghiên cứu (đã tài trợ Đại học Queensland, Úc) và dự định sẽ hỗ trợ chương trình sau đại học ngành Nhật Bản học.
- Duy trì và mở rộng hoạt động hợp tác trong hai lĩnh vực chính là lịch sử - khảo cổ và bảo tồn văn hoá. Trong đó, sẽ lập kế hoạch nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo và in sách tại trường Đại học nữ Showa.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Ban Lãnh đạo Nhà trường, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn một lần nữa cảm ơn sự quan tâm và mối thân tình của bà Bando Mariko và trường Đại học nữ Showa, đồng thời tin tưởng rằng trong thời gian tới hai bên sẽ có những hợp tác hiệu quả, thành công trên cơ sở những định hướng cũng như nội dung cụ thể hai bên đã trao đổi và thống nhất trong buổi làm việc hôm nay.
Lãnh đạo hai trường trao những món quà thân tình và chụp ảnh kỉ niệm nhân buổi làm việc