Ngôn ngữ
Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược này, nữ nhà báo cùng hai nhà nghiên cứu về báo chí sẽ mở ra hướng đi mới trong việc đào tạo nhân lực báo chí – giáo dục nguồn lực báo chí thông qua việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo báo chí với bảo tàng chuyên về báo chí. Điều này thể hiện ở việc các đơn vị này sẽ hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác (tổ chức trưng bày, triển lãm…).
Được biết, sau gần 6 năm triển khai Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (từ tháng 8/2014) và sau gần 3 năm Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, ngày 19/6 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, bảo tàng sẽ chính thức khai trương, mở cửa đón khách tham quan.
Phát biểu tại lễ ký kết, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, "Từ khi được thành lập cho đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên. Dự án Sưu tầm tài liệu hiện vật hiện, đã và đang tiếp tục triển khai; đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại Kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày".
Theo đó, Dự án Trưng bày triển khai đồng thời với Dự án Sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: 1. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; 2. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; 3. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; 4. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; 5. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Không gian trưng bày những hiện vật trên được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng khi đến với bảo tàng.
Với những đặc điểm đó, ngoài ưu thế phục vụ nhu cầu thăm quan của công chúng báo chí, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn chiếm lợi thế trong việc đào tạo nhân lực về báo chí. "Chính vì vậy, việc ký kết giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một cơ hội để đưa những di sản và niềm tự hào của báo chí Việt Nam đến với công chúng trẻ, sinh viên báo chí và những người sau này sẽ thay chúng ta lưu giữ những di sản đó", PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Viện Đào tạo Báo chí - Truyền thông (Đại học KHXH&NV Hà Nội) là đơn vị đã chia sẻ, đồng hành cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngay từ những buổi đầu tiên khi mà bảo tàng nhận quyết định thành lập trong việc thu thập các kỷ vật, thiết kế không gian trưng bày… "Cùng với đó, chúng tôi đã chủ động đề xuất với bảo tàng kết hợp tổ chức trải nghiệm thực tế cho các cử nhân, nghiên cứu sinh trong khung chương trình đào tạo của Viện. Bằng việc học thông qua những minh chứng, di sản báo chí sống động từ khởi thủy cho đến hiện tại, chúng tôi hy vọng rằng bằng những bài học các em đã được tiếp nhận tại đây, sẽ góp một phần nào đó trong việc tiếp thêm cho các em cảm hứng, tình yêu với nghề. Và quan trọng hơn hết là xác định rõ cho các em về sứ mệnh, về vai trò của báo chí Việt Nam trong đời sống xã hội hiện đại, về trách nhiệm của người cầm bút ngày hôm nay", PGS.TS Đặng Thị Thu Hương bộc bạch.
Cũng thông qua việc ký kết này, 2 cơ sở đào tạo báo chí và Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn có thể phần nào thôi thúc các nhà báo tương lai trong việc tìm kiếm, thu thập các kỷ vật, để góp phần xây dựng bảo tàng ngày càng phát triển, đa dạng.
Các link liên quan:
Tác giả: Báo Phụ nữ Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn