Hội thảo là hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ, học viên sau đại học; vận dụng kiến thức đã học, nghiên cứu những vấn đề cụ thể mà chuyên môn đặt ra; tạo nền tảng chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu cho quá trình học tập và nghiên cứu (luận văn, luận án); nâng cao chất lượng đào tạo và tự đào tạo, nhằm hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học tiềm năng. Hội thảo cũng hướng tới tạo không khí học thuật trong đội ngũ cán bộ trẻ, học viên sau đại học, góp phần xây dựng Đại học nghiên cứu.
PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng) chia sẻ, Hội thảo lần này là một dịp đặc biệt để các thầy cô giáo trẻ, các học viên cao học nuôi dưỡng, phát triển niềm cảm hứng và đam mê nghiên cứu cũng như kế thừa, phát huy những thành tựu, truyền thống về tri thức mà các thế hệ trước đây của Đại học Tổng hợp đã xây dựng và phát triển.
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng và PGS.TS Đào Thanh Trường chủ trì trực tiếp Hội thảo
Phó Hiệu trưởng bày tỏ kỳ vọng rằng, các hội thảo tiếp theo sẽ hội tụ nhiều những nghiên cứu thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời mong muốn đội ngũ cán bộ trẻ sẽ đồng hành với Nhà trường để phát triển nhiều hơn nữa những nghiên cứu mang tính liên ngành, ứng dụng để gắn tinh thần Nhân văn với lộ trình phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học nhanh, xa và bền vững hơn.
TS. Lê Thị Vinh (Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) trình bày báo cáo
Hội thảo nhận được 16 bài viết là các nghiên cứu có tính mới về lĩnh vực KHXH&NV, được chắt lọc từ các kết quả nghiên cứu trong luận văn, luận án kể từ khi gửi lời mời viết bài vào tháng 4/2021. Hội đồng đánh giá và xét tuyển đã chọn ra 06 bài đạt chất lượng nhất để trình bày tại hội nghị:
1. Bình đẳng trong giáo dục nhìn từ quan điểm của John Dewey - Lê Thị Vinh.
2. Vận dụng quan điểm về sức mạnh nội sinh của Hồ Chí Minh trong việc giáo dục tư duy khởi nghiệp cho sinh viên hiện nay - Trần Trương Gia Bảo.
3. Vấn đề tôn giáo của một số tộc người ở Việt Nam hiện nay - Phạm Thu Trang.
4. Đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng chùa Long Tiên ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - Phạm Hồng Gấm.
5. Hoạt động cứu nạn người nước ngoài trên biển thời kỳ Chúa Nguyễn: những lợi ích kinh tế và sự xác lập chủ quyền biển - Phạm Thị Thơm.
6. Khái niệm đức tin trong triết học hiện sinh của Soren Kierkegaard - Nguyễn Duy Tuân.