Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV), ông Michael Siegner (Trưởng Đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam), các chuyên gia nghiên cứu, các nhà quản lí đến từ Bộ Quốc phòng, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng rất nhiều chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam, Nhật Bản, CHLB Đức; các giảng viên, sinh viên các khoa trong trường tham dự trực tiếp và trực tuyến qua zoom.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường nhấn mạnh: Các cuộc chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỉ, tuy nhiên hậu quả do nó để lại còn rất dai dẳng nặng nề. Trong những năm qua, Chính phủ, các cấp các ngành đã có rất nhiều chính sách, chương trình, hoạt động để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Chính vì vậy, có thể nói chủ đề mà trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kết hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation và Trường Đại học Justus-Liebig Univesitat GieBen lựa chọn trình bày trong Báo cáo lần này thực sự có ý nghĩa khoa học, thực tiễn, nhân văn sâu sắc. Những kết quả công bố trong Báo cáo lần này là những số liệu rất đáng tin cậy, có giá trị to lớn trong việc nhấn mạnh về vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam, cảnh tỉnh về hậu quả khủng khiếp của chiến tranh, vì vậy thế giới cần chung tay để ngăn chặn để chiến tranh không thể xảy ra; bên cạnh đó Báo cáo còn đưa ra nhiều đề xuất mang tính tổng thể trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, y tế, tâm lí,… nhằm khắc phục tối đa hậu quả của chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của Quỹ Hanns Seidel Foundation trong việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao.
PGS.TS Đào Thanh Trường đánh giá rất cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của chủ đề cũng như kết quả nghiên cứu nhóm tác giả đã công bố trong Báo cáo
Ông Michael (Trưởng Đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam) chia sẻ: Tổ chức Hanns Seidel Foundation là một tổ chức độc lập với sứ mệnh hỗ trợ các đối tác ở các quốc gia trong việc nghiên cứu các vấn đề phù hợp với từng quốc gia, hỗ trợ triển khai các dự án về an sinh xã hội, việc làm, xây dựng khuôn khổ pháp lí về vấn đề môi trường,… Việc tổ chức Tọa đàm này cũng như những kết quả được trình bày trong Báo cáo, chúng tôi hi vọng mở ra một không gian để các nhà khoa học có thể đối thoại, trao đổi thật cởi mở về vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh: hồi phục kinh tế, xử lí chất độc hóa học, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần của các nạn nhân chiến tranh giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Hi vọng ấn phẩm này đóng vai trò giúp cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới có một cái nhìn tổng thể về chủ đề này.
Ông Michael (Trưởng Đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam) tham dự qua zoom
Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam là ấn phẩm thứ 4 trong chuỗi Báo cáo Quốc gia về Việt Nam hợp tác giữa Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Justus Liebig, Giessen (CHLB Đức) và Quỹ Hanns Seidel (Đức) thực hiện. Trong Báo cáo lần này, nhóm nghiên cứu có thêm sự hợp tác của một đối tác mới - Viện Nghiên cứu Hòa bình Hà Nội (HANPRI).
TS Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Univesitat GieBen, Đồng chủ biên Báo cáo) đã thay mặt nhóm nghiên cứu chia sẻ: Báo cáo gồm 9 nghiên cứu tập trung làm nổi bật một số vấn đề:
- Thế kỉ XX Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh. Dù ở hình thức nào thì tất cả các cuộc chiến tranh đều để lại những hậu quả hết sức khủng khiếp trên mọi lĩnh vực, tác động kéo rất dài sau khi xung đột vũ trang đã kết thúc, có những hậu quả về con người, môi trường sống là không thể đo đếm được, không phải là một thế hệ mà còn ảnh hưởng nhiều thế hệ sau nữa.
- Việt Nam đã tái thiết như thế nào sau chiến tranh bởi có rất nhiều hậu quả không thể xóa bỏ hoàn toàn vì có những mất mát không thể lấy lại được mà chúng ta chỉ có thể giảm thiếu tác động mà thôi.
- Mặc dù hậu quả chiến tranh rất khủng khiếp nhưng vẫn còn những khoảng trống nghiên cứu, nhất là những vấn đề hậu chiến, giảm thiểu khắc phục hậu quả như thế nào chưa được chú trọng đúng mức. Các nghiên cứu hiện nay thường chủ yếu tập trung vào sự khốc liệt của chiến tranh khi nó xảy ra. Vì vậy, với Báo cáo này chúng tôi rất mong muốn thu hút được sự quan tâm đông đảo hơn nữa của các nhà nghiên cứu để đưa ra những kiến giải tổng thể, có tính khả thi về chủ đề góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
TS Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Univesitat GieBen) thay mặt nhóm tác giả nhấn mạnh kết quả chính của báo cáo
Các nhà khoa học tham gia trao đổi, bình luận đều đánh giá rất cao kết quả trình bày trong báo cáo, cho thấy một cái nhìn tổng thể về chủ đề: khắc phục hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam, đặc biệt trong các nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp trên nhiều lĩnh vực góp phần hỗ trợ các nạn nhân của chiến tranh vượt qua những nỗi đau về thể xác và tinh thần. Các đại biểu tham gia bình luận cũng nhấn mạnh: mặc dù trong những năm gần đây rất nhiều dự án liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã được triển khai: rà phá bom mìn, cải thiện môi trường, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; thành lập trung tâm chăm sóc: phục hồi chức năng, trị liệu tâm lí cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh được được thực hiện bởi chính phủ Việt Nam, các tổ chức trong và ngoài nước.
Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, tham gia thảo luận sôi nổi, cởi mở của các nhà nghiên cứu, quản lí đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước
Tuy nhiên, đối tượng gánh chịu hậu quả chiến tranh là rất rộng lớn, không chỉ là những người trực tiếp tham chiến trên chiến trường, hay người dân ở những vùng chiến sự, mà còn cả những người ở hậu phương (gia đình mất con, người vợ mất chồng, những người phụ nữ góa bụa, cô độc cả cuộc đời), không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ vẫn mang trong mình di chứng. Đời sống của những cựu binh, thân nhân gia đình liệt sĩ hay nạn nhân ảnh hưởng chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng để hủy diệt nhiều vùng đất của Việt Nam trong những năm 1960,1970 vẫn còn quá khó khăn, hàng ngày họ phải đối mặt với những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Chính vì vậy, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là một vấn đề rất lớn, cần được quan tâm đúng mức của chính phủ Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế; cần có những giải pháp mang tính tổng thể về cả kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục,... để có thể giúp những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh có thể vơi bớt đi phần nào nỗi đau, có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỉ niệm
Toàn văn của Báo cáo Quốc gia Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, Quý bạn đọc có thể tham khảo
tại đây
Sự kiện đã nhận được sự theo dõi và đưa tin của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí: Báo Điện tử Dân trí, Báo Quốc tế, Báo Lao động xã hội,...