bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Đào tạo bằng kép - xu hướng tiên tiến

Thứ hai - 25/03/2019 21:14
Đào tạo bằng kép là xu thế của các đại học tiên tiến, bắt đầu tại châu Âu và nhanh chóng lan rộng toàn cầu. Đón đầu xu hướng nhân lực thời đại 4.0, các trường đại học ở Việt Nam đã đào tạo cùng lúc hai chương trình (bằng kép). Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai mô hình này.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Cơ hội tiếp cận nhiều ngành nghề

* Thầy có thể cho biết khi tham gia học cùng lúc hai chương trình đào tạo, sinh viên sẽ có những thuận lợi gì?

- Sinh viên học bằng kép có nhiều lợi thế: Được học thêm ngành thứ hai, nhất là với sinh viên không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành mình yêu thích thì nay có cơ hội để hiện thực hóa; tư duy liên ngành hơn nhờ có thêm kiến thức và các hệ lý thuyết; tiếp cận nhiều ngành nghề đào tạo; được nhận hai bằng cử nhân chính quy gần như cùng một thời điểm tốt nghiệp…

Trong bối cảnh nghề nghiệp ngày càng theo xu hướng đa/xuyên lĩnh vực, việc học nhiều ngành thực sự tạo ra vị thế lớn cho các cử nhân lập nghiệp và khởi nghiệp. Ví dụ: Cử nhân báo chí sẽ có lợi thế nếu thêm kiến thức từ các chương trình đào tạo chính trị học, quốc tế học…; cử nhân ngành quản trị lữ hành sẽ có cơ hội thành đạt hơn nếu có thêm phông kiến thức từ ngành sử học, văn hóa học…

* Vài năm trở lại đây, ranh giới “ngành - nghề” ngày càng mờ nhạt; xu hướng học ngành này, làm nghề khác ngày càng phổ biến. Đây có phải là cơ hội để sinh viên ra trường lập nghiệp - khởi nghiệp?

- Trước đây, “ngành” và “nghề” tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau. Theo quan niệm truyền thống, sinh viên tốt nghiệp “ngành” nào thì thường ra trường sẽ làm “nghề” đó, nhất là trong những năm tháng bao cấp và hậu bao cấp, bởi nó liên quan đến mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã được Nhà nước ban hành. Ngày nay, đúng là ranh giới “ngành - nghề” dần mờ nhạt; xu hướng “học ngành này” - “làm nghề khác” ngày càng phổ biến.

Đây là điều bình thường trong xã hội phát triển - nơi tính di động và cạnh tranh trên thị trường nhân lực rất cao, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư liên tục tạo ra những ngành mới, chưa từng tồn tại trong quá khứ.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 ước tính rằng: “Với thế hệ học sinh bắt đầu vào tiểu học hôm nay, 65% khi đi làm sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu”. Như vậy, trong tương lai gần, nhiều nhân lực được đào tạo ra sẽ làm những “nghề” chưa có trong danh mục “ngành” đang được đào tạo và cũng chưa hiện hữu cho đến hôm nay.

Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần nhận thức nhanh xu hướng “ngành” - “nghề” để điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo cho phù hợp, xây dựng các ngành đào tạo mới có tính liên ngành/xuyên khối ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội 4.0. Trong bối cảnh đó, việc triển khai rộng rãi hơn chương trình bằng kép cũng được coi là một xu thế phù hợp với yêu cầu mới về nhân lực lao động.

Linh hoạt trong đào tạo bằng kép

* Xu hướng đào tạo “kép” đang được các trường đại học, cao đẳng lựa chọn. Vậy nhưng việc triển khai gặp không ít thách thức, thậm chí nguy cơ, đòi hỏi không chỉ sinh viên mà cả giảng viên và cơ sở giáo dục phải đổi mới hoạt động đào tạo?

- Đúng vậy! Đào tạo bằng kép mang đến nhiều cơ hội, song cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu không được triển khai tốt. Với sinh viên, được học thêm một ngành yêu thích đồng nghĩa với việc phải đầu tư gần như gấp đôi tâm lực, thể lực, thời gian, kinh phí…, nên đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm và ý chí mà còn ở năng lực tổ chức học tập, quản trị thời gian...

Về cơ bản, sinh viên học tốt chương trình bằng kép là những em lập nghiệp thành công bởi quá trình 4 - 5 năm học song bằng không chỉ đem lại cơ hội trau dồi tri thức, thâu nạp phương pháp mà trên hết là trải nghiệm sống và học tập trong một môi trường đầy sức ép.

Đối với cán bộ giảng dạy và quản lý chương trình, việc tổ chức đào tạo bằng kép cũng gặp nhiều khó khăn. Việc giảng dạy và đánh giá sinh viên học bằng kép vừa yêu cầu sự nghiêm túc trong chuyên môn, vừa cần sự tinh tế trong dạy học bởi đối tượng sinh viên theo học rất đa dạng, từ nhiều ngành “gốc” khác nhau và từ nhiều niên khóa khác nhau…nên tư duy, phương pháp, tâm lý thường không đồng nhất.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp kế hoạch học tập cũng cần sự linh hoạt cao để hỗ trợ cho các em học tốt cả hai chương trình, tránh nguy cơ trùng lịch, quá tải... có thể đưa đến hiệu ứng thiếu tích cực cho việc học.

* Sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV có thuận lợi gì nếu tham gia chương trình đào tạo bằng “kép”, thưa thầy?

- Sinh viên theo học bằng kép của nhà trường có 3 thuận lợi:

Thứ nhất, nhà trường có đội ngũ giảng viên trình độ khoa học cao, dày kinh nghiệm, gắn với thực tiễn xã hội và mạnh hội nhập quốc tế nên đảm bảo tốt nhất cho hoạt động đào tạo nói chung, đào tạo bằng kép nói riêng. Nhà trường cũng là đơn vị sớm tổ chức đào tạo bằng kép: Trong 10 năm qua đã triển khai 8 chương trình đạo tạo bằng kép ở các ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, báo chí, quốc tế học, tâm lý học, khoa học quản lý, văn học, lịch sử, đông phương học; hiện đang chuẩn bị đào tạo thêm ngành kép quản trị văn phòng.

Thứ hai, kể từ năm 2012, toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường đã được xây dựng theo cấu trúc mô-đun gồm 5 khối kiến thức (kiến thức chung, theo lĩnh vực, theo khối ngành, theo nhóm ngành, theo ngành), tăng cường tính liên thông nội dung giữa các ngành. Theo đó, các ngành trong cùng khối ngành có tỉ lệ kiến thức chung vào khoảng 50%, các ngành cùng nhóm ngành có tỉ lệ kiến thức thức chung chiếm gần 70%. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sinh viên học bằng kép vì số lượng học phần/tín chỉ phải tích lũy cho bằng thứ hai sẽ giảm đi rất nhiều (chỉ còn 30 - 50%); vừa đảm bảo chất lượng chương trình, lại tiết kiệm cho sinh viên sức lực, thời gian, kinh phí…

Thứ ba, Trường ĐHKHXH&NV là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nên sinh viên của nhà trường có cơ hội học bằng kép ở các trường đại học thành viên khác như Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Giáo dục, hoặc Khoa Luật… Ngược lại, sinh viên các trường đó cũng có thể sang học các ngành kép ở Trường ĐHKHXH&NV. Có thể nói, bên cạnh vị thế của trung tâm đào tạo chất lượng cao ở Việt Nam, đặc tính đa ngành, đa lĩnh vực của nhà trường nói riêng, của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung, đang là một lợi thế lớn cho việc phát triển đào tạo bằng kép cũng như hình thành các ngành đào tạo mới theo hướng liên ngành/xuyên khối ngành, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực thích ứng với thị trường lao động của xã hội 4.0.

* Xin trân trọng cảm ơn!

Theo GD&TĐ

Tác giả: Lê Đăng (Thực hiện)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây