Ngôn ngữ
Công nghệ 4.0 và những tác động đến người làm báo
Bốn trăm năm trước, nhà triết học người Anh F. Bacon đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh”, “Ai làm chủ được thông tin, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Trong cuốn “The Coming of Post Industrial Society”, Daniel Bell khẳng định: “Xã hội công nghiệp dựa trên nền công nghệ cơ khí, xã hội hậu công nghiệp dựa vào công nghệ trí tuệ. Nếu như tư bản và lao động là hai đặc trưng của xã hội công nghiệp, thì thông tin và tri thức là hai đặc trưng thay thế chúng trong xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp còn được gọi là xã hội thông tin”.
Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực của kinh tế thế giới, nó tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức chúng ta giao lưu, trao đổi thông tin, ứng xử trong xã hội cũng như cách thức chúng ta tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu. Thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của nền kinh tế, số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Mạng lưới thông tin dần vượt qua quyền lực của từng nhà nước riêng lẻ để tạo ra những sức mạnh mang tính khu vực và siêu quốc gia.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển và đang được sử dụng để thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí, giúp ích rất nhiều cho các nhà báo và mang lại cho các độc giả những trải nghiệm mới mẻ hơn.
Tờ The New York Times sử dụng trí tuệ nhân tạo quản lý bình luận của độc giả. Hãng BBC sử dụng trí tuệ nhân tạo khai thác thông tin từ hơn 850 nguồn tin tức trên toàn cầu, sau đó, tổng hợp và gán các thẻ tag cho bài viết theo 4 chuyên mục: tổ chức, địa điểm, sự vật và con người,... Bloomberg sử dụng AI để sản xuất và quản lý nội dung thông tin. Hãng tin The Canadian Press sử dụng AI để tăng tốc độ dịch. Nhiều tòa soạn sử dụng AI để viết các văn bản pháp lý, thông cáo báo chí, báo cáo tổng hợp và tin tức.
Ngày 8/11/2018, Tân Hoa Xã khiến cộng đồng khán giả xôn xao khi giới thiệu bản tin thời sự với ‘người dẫn chương trình ảo’, có giọng nói, cử chỉ khuôn mặt phát triển trên nền trí tuệ nhân tạo. Nhiều tờ báo ở Việt Nam như VOVLive, VnExpress, Thông tấn xã Việt Nam, ZingNews, Dân trí hay Lao Động là các cơ quan báo chí tiên phong tích hợp thêm phiên bản báo nói, cho phép các độc giả có thể nghe nội dung của các bài viết thay vì phải đọc chữ như trước đây. Để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc, giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo.
Xét về tổng thể, sự phát triển của báo chí luôn gắn kết với sự phát triển của công nghệ. Công nghệ là yếu tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tin tức, giúp đưa tin tức gần như ngay tức thì khi sự kiện xảy ra. Trí tuệ nhân tạo có thể làm nhiều việc, thay thế một phần nào đó trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, liệu AI có thể thay thế nhà báo, và hoạt động đào tạo báo chí trong tương lai sẽ ra sao?
Đào tạo báo chí gắn với công nghệ số
Không giống như đào tạo cử nhân của ngành khoa học xã hội khác, rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo báo chí truyền thông.
Lịch sử đào tạo báo chí truyền thông cho thấy, việc đào tạo phóng viên ban đầu chỉ được thực hiện ở các tòa soạn. Nhiều người còn cho rằng báo chí là một nghề chỉ có thể trau dồi qua cách học trên đầu việc và ‘một nhà báo xuất chúng có thể chẳng cần qua trường lớp nào cả’. Bởi vậy, ngay ở Anh, một trong những chiếc nôi của báo chí thế giới, nơi tờ báo đầu tiên bằng tiếng Anh xuất hiện ở London từ năm 1665, và đài phát thanh đầu tiên ra đời từ năm 1922, thì đào tạo báo chí với tư cách là một ngành học ở bậc đại học chỉ xuất hiện từ năm 1971.
Phương pháp cơ bản nhất tại các trường đào tạo báo chí Anh, Mỹ và các nước tiên tiến là yêu cầu sinh viên phải làm những công việc y như họ sẽ làm thật tại tòa soạn. Tại trường ĐH KHXH và NV Hà Nội, với Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông được đầu tư 2 giai đoạn với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng, trong 5 năm qua, sinh viên báo chí đã có nhiều điều kiện được học tập, tác nghiệp, rèn nghề trong môi trường rất năng động. Đây là cơ hội thuận lợi, tạo đà cho ngành báo chí truyền thông của trường ĐH KHXH và NV có bước phát triển mới. Lần đầu tiên, việc áp dụng mô hình ‘tòa soạn thu nhỏ’, ‘đài PT-TH thu nhỏ’ trong cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở VN có điều kiện cần để triển khai thực hiện.
Một giờ thực hành tại trường quay của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giảng dạy về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội, về sự phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường truyền thông mới,… đang là nội dung quan trọng được giảng dạy tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông với nhiều học phần mới như Báo chí trên điện thoại di động, Báo chí Dữ liệu, Tổ chức nội dung và sáng tạo siêu tác phẩm báo chí, Đưa tin trong tình huống khẩn cấp,… và các lĩnh vực báo chí chuyên biệt khác.
Báo chí kết nối giá trị nhân văn
Báo chí có sức mạnh đặc biệt, bởi lẽ, thông tin nhà báo đưa ra có ảnh hưởng lớn đến đông đảo công chúng và góp phần quan trọng tạo nên dư luận xã hội. Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ đích thực. Trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Những khối lượng thông tin lớn được chuyển tải tức thời từng giây phút qua mạng Internet khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát thông tin.
Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu xuất hiện khắp nơi, đặc biệt trên mạng xã hội, nơi thông tin được phát tán nhanh chóng và thiếu kiểm soát. Nhiều tệ nạn mới nảy sinh và việc phát tán những hình ảnh khiêu dâm, các trò chơi kích thích bạo lực, thông tin khích bác, thù ghét, bôi nhọ uy tín của người khác... đang là nỗi lo của nhiều người có trách nhiệm trong xã hội.
Nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí truyền thông là phải trang bị kiến thức nền tảng vững chắc để người làm báo có bản lĩnh nhận diện thấu đáo vấn đề và truyền tải thông tin đến công chúng một cách nhân văn nhất. Chính vì vậy, trên cơ sở bệ đỡ của bet365 football , ngôi trường nổi danh với nhiều thế hệ giáo sư uyên thâm về lịch sử, văn học, triết học, ngôn ngữ, tâm lý, chính trị học… sinh viên báo chí truyền thông của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được cung cấp những phông nền kiến thức nền tảng và sâu sắc về văn hóa, triết học, lịch sử, chính trị học, xã hội học, tâm lý học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.
Gắn kết đào tạo và nghiên cứu báo chí
Một trong những vấn đề quan trọng để có thể định hướng sự phát triển của báo chí Việt Nam, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của báo chí Việt Nam là phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí.
Sự phát triển của ngành công nghiệp báo chí truyền thông chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi người làm việc trong lĩnh vực này nắm vững kiến thức lý luận về truyền thông và truyền thông đại chúng, hiểu rõ quy luật phát triển của truyền thông đại chúng trong xã hội, nắm vững được nguyên tắc hình thành, cơ chế tác động của truyền thông đại chúng đối với xã hội, cũng như mô hình hoạt động kinh tế của ngành công nghiệp này.
Do sự khác biệt với các nước phương Tây về thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh địa phương, yếu tố lịch sử và các giá trị văn hóa-xã hội - những yếu tố được coi là cơ bản để tạo nên những mô hình và chế định chức năng, nhiệm vụ của các nền báo chí truyền thông khác nhau trên toàn thế giới, báo chí Việt Nam có mô hình phát triển và những chức năng, nhiệm vụ khác hẳn với báo chí ở các nước phương Tây. Nghiên cứu báo chí chuyên nghiệp là phải chỉ ra những giá trị cốt lõi, định hướng mô hình phát triển và mô hình quản lý báo chí Việt Nam trong tương lai.
Sau Đổi mới, báo chí Việt Nam là mô hình truyền thông kết hợp giữa nguyên tắc bất di bất dịch - ‘báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước’ - với những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Từ nền báo chí ‘đơn chức năng’ một chiều, báo chí Việt Nam đã trở thành nền báo chí ‘đa chức năng’, không chỉ tập trung tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, mà còn là cầu nối, là kênh phản biện xã hội, tạo ra dòng chảy liền mạch trong xã hội, tạo nên mối kết dính chặt chẽ gắn bó về thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế truyền thông, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng.
Nghiên cứu báo chí truyền thông phải thực sự đóng góp giải pháp giúp cho ngành công nghiệp báo chí truyền thông phát triển, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa, đổi mới, phát triển theo mô hình kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa; khi mô hình phát triển ngành công nghiệp báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay chưa từng có tiền lệ trên thế giới.
Đẩy mạnh nghiên cứu báo chí truyền thông, với tư cách là một ngành khoa học, có nền tảng lý luận, có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đặc thù là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng đào tạo về báo chí truyền thông một cách bài bản và chuyên nghiệp; đồng thời, quan trọng hơn là tạo lập nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn