bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

{Dự thi Ấn tượng Nhân văn - Khoa Quốc tế học} Bốn người thầy trân quý của chúng tôi

Thứ năm - 12/11/2020 03:44
Trong những tháng ngày làm việc tại khoa Quốc tế học, có lẽ bức ảnh có độ lan toả trên Facebook nhanh chóng nhất về khoa mà tôi từng chứng kiến chính là bức hình của bốn người thầy, bốn chủ nhiệm khoa được chụp trong Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Khoa.

GS. Vũ Dương Ninh, TS. Lê Thế Quế, GS. Phạm Quang Minh, và GS. Hoàng Khắc Nam cùng xuất hiện trong một khuôn hình với nụ cười bình dị, rạng rỡ. Bốn con người tạo nên hình hài, dáng vóc cho Khoa Quốc tế học ngày hôm nay khiến bức hình ấy chan chứa tình cảm, và có những những suy niệm về sự hiện hữu của tháng năm. Chợt bật cười khi đọc được một nhận xét (comment) về bức hình: “Bộ Tứ siêu đẳng”. Nhưng có lẽ nhận xét ấy phản ánh đúng những gì các thế hệ học trò và cán bộ trẻ chúng tôi đầy mến thương và trân trọng nghĩ về các thầy - “Bốn người thầy trân quý của Khoa Quốc tế học”.

Người viết có may mắn được học tập và giảng dạy tại khoa Quốc tế học trong suốt 18 năm vừa qua. 18 năm ấy không đủ dài để chứng kiến hết chặng đường một phần tư thế kỷ của Quốc tế học nhưng vừa vặn để được là học trò và là sau này là đồng nghiệp của cả bốn người thầy. Những gì tôi và bạn bè cùng trang lứa được học từ các thầy không chỉ trong phạm vi của giảng đường, hay chỉ thể hiện trên giấy mực.

Anh 03 20201112155302496

Với thầy Vũ Dương Ninh, chúng tôi học được sự uyên bác, chỉn chu, và ân cần của thầy. Chúng tôi cũng trưởng thành trong chính tinh thần tự học mà thầy luôn động viên từ những ngày đầu chúng tôi nhập học. Tôi vẫn nhớ thầy Ninh từng nhắc sinh viên khoá K47 rằng “sinh viên” trong tiếng Anh là “student”. Và từ ấy có gốc là “study”, có nghĩa tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Triết lý giáo dục khai phóng có lẽ đến với chúng tôi từ 18 năm trước, một cách nhẹ nhàng và đơn giản, ấm áp như vậy. Chúng tôi được học, đọc, nghiên cứu và được thảo luận có sự hướng dẫn từ thầy. Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt nam trở nên sống động, đầy màu sắc và lôi cuốn như những cuốn phim dài kỳ nhưng đầy kịch tính. Giọng thầy ấm, ánh mắt thầy trìu mến, nhưng sắc thái biểu cảm và cách thầy nhấn cùng sử dụng từ khiến thầy trở thành người kể chuyện tài ba nhất, tuyệt vời nhất, sâu sắc nhất và cũng lắng đọng nhất. Thầy Ninh – người kiến trúc sư trưởng của Khoa Quốc tế cho tới giờ vẫn vậy, luôn trìu mến, bao bọc chúng tôi ngay cả khi chúng tôi đã công tác hơn mười năm ở khoa.

Thầy Quế là người trưởng khoa thứ hai của khoa Quốc tế học. Dù không tốt nghiệp chuyên ban Châu Mỹ học nơi thầy là chủ nhiệm bộ môn, nhưng tôi may mắn được học Tiếng Anh chuyên ngành do thầy đứng lớp. Sự cẩn trọng trong dùng từ ngữ dịch thuật quan hệ quốc tế, sự linh hoạt trong việc chọn lựa cấu trúc câu, cho tới những câu chuyện hóm hỉnh hay các giai thoại phía sau một câu chuyện dịch thuật nào đó khiến lớp học dịch dù khó nhưng luôn kín chỗ. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy nhẫn nại giúp chúng tôi học phân tích từng câu, chỉnh cách dịch từng ý. Dù người học ở trình độ nào, bước vào lớp học dịch của thầy Quế, những câu động viên và khen thưởng của thầy sẽ khiến người học thêm tự tin vào bản thân. Thầy biết cách để chúng tôi mỗi ngày đều học được một chút…trưởng thành một chút.. Cứ thế, chúng tôi nhẫn nại như cách thầy làm. Cho tới nay, tôi vẫn mang theo bao tích cực, quan tâm ấy vào những lớp học mình giảng dạy với mong muốn truyền cho các bạn sinh viên cảm giác ấm áp, tự tin mà tôi đã nhận được từ thầy.

Trưởng khoa thứ ba của Khoa Quốc tế học là thầy Minh. Thầy như một luồng gió mới hân hoan đầy nhiệt huyết, năng động, xông xáo và hướng ra quốc tế. Điểm nhấn của những tháng ngày được làm việc với thầy luôn là sự nỗ lực và không ngại khó khăn tìm thêm cơ hội làm việc với đối tác nước ngoài. Nhìn thầy say mê giảng dạy, tất bật với balo sau lưng đi lấy tư liệu nghiên cứu. Lúc biết thầy thức đêm hôm viết bài nhưng vẫn liên tục các kế hoạch hội thảo, gặp gỡ các đoàn khách quốc tế, không một ai trong cán bộ trẻ chúng tôi cho phép mình nghỉ ngơi. Với thầy Minh, chúng tôi được truyền cảm hứng mỗi ngày. Chúng tôi tham gia thêm nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, giao lưu và học tập với bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau. Các bạn sinh viên cũng có thêm nhiều chương trình trao đổi học tập. Câu lạc bộ tiếng Anh được đón thêm nhiều diễn giả nước ngoài. Và thầy Minh cũng không quản bận rộn đến tham dự, truyền cảm hứng, chia sẻ với các bạn sinh viên của câu lạc bộ. Thầy Minh góp phần là cầu nối đưa chúng tôi gần gũi hơn với bạn bè và các học giả quốc tế. Thầy chính là người làm đậm chất quốc tế của quốc tế học hôm nay.

Thầy Khắc Nam là vị trưởng khoa thứ tư mà tôi muốn viết ở đây. Thầy Nam là người sắc sảo, cá tính. Bỏ qua sự cá tính thể hiện trong chính cách ăn vận, người thầy ấy của chúng tôi cá tính trong cách viết, cách dạy, cách nghiên cứu và cách khiến chúng tôi yêu môn học cũng như cống hiến cho công việc. Những ngày tôi là sinh viên, thầy là người dạy “Nhập môn Quan hệ quốc tế”. Với môn học ấy, thầy cũng chính là người giới thiệu những kiến thức đầu tiên về Lý thuyết quan hệ quốc tế tới lớp sinh viên chúng tôi. Tôi lần đầu tiên biết tới Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự do, Chủ nghĩa Kiến tạo…là nhờ thầy. Và cũng nhờ những bài giảng cực dễ hiểu của thầy, tôi đã có thể hoàn thành những nội dung học của môn Lý thuyết Quan hệ quốc tế, một trong số những môn khó học nhất của ngành ngày tôi đi học xa. Sau này rồi, tôi may mắn được cùng làm việc và nghiên cứu với thầy, tôi nhận ra đằng sau những cá tính và góc cạnh ấy là sự chỉn chu trong nghiên cứu, sự trân trọng tuyệt đối với sáng tạo trong tri thực, sự tử tế và thân ái với đồng nghiệp.Thầy luôn bên cạnh cán bộ trẻ chúng tôi trong mỗi bước đường nghiên cứu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ, động viên khi anh, chị em gặp khó khăn, và quan trọng hơn cả thầy nâng niu từng ý tưởng, bài viết của chúng tôi.

Nhìn bức ảnh bốn người kiến tạo nên Quốc tế học của quá khứ, hiện tại và tương lai tôi nhận ra chúng tôi quá may mắn! 25 năm qua Khoa quốc tế học đã có những con người xây dựng nên những giá trị cốt lõi của khoa: nhân ái – chỉn chu – nhẫn nại– thấu cảm – cá tính – năng động– và hướng ngoại. Hơn tất cả, từ tấm gương của các thầy, những công trình các thầy viết, cách yêu thương thầy dành cho chúng tôi, chúng tôi hiểu được nhiệm vụ trong giảng dạy và nghiên cứu của mình hơn. Chúng tôi học quốc tế, để thêm yêu, hiểu Việt Nam. Chúng tôi có thể suy nghĩ của mình thật rộng về thế giới nhưng chúng tôi luôn tâm niệm hãy làm tất cả để góp phần xây dựng nước nhà.

Một lần nữa xin được thể hiện tấm lòng tri ân của mình tới bốn người thầy huyền thoại! Mong những lời này có dịp để tỏ cùng các thầy.

Nguồn tin: Công đoàn Khoa Quốc tế học

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây