bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

"Giáo trình Ngôn ngữ học" (Nguyễn Thiện Giáp)

Thứ hai - 18/08/2008 00:51

GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là một trong những chuyên gia đầu ngành về Lí luận ngôn ngữ và Việt ngữ học. Ông hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội). Là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy của tác giả, Giáo trình Ngôn ngữ học (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 8/2008) "không những có thể phục vụ cho việc giảng dạy môn Dẫn luận ngôn ngữ học, mà còn là tài liệu tham khảo cho những bài giảng về Ngôn ngữ học đại cương và các chuyên đề ngôn ngữ học khác".

GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là một trong những chuyên gia đầu ngành về Lí luận ngôn ngữ và Việt ngữ học. Ông hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội). Là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy của tác giả, Giáo trình Ngôn ngữ học (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 8/2008) "không những có thể phục vụ cho việc giảng dạy môn Dẫn luận ngôn ngữ học, mà còn là tài liệu tham khảo cho những bài giảng về Ngôn ngữ học đại cương và các chuyên đề ngôn ngữ học khác".

Lời giới thiệu của GS.TS Nguyễn Văn Khang

Cũng như mọi ngành khoa học cơ bản, Ngôn ngữ học gồm hai nội dung tri thức lớn: tri thức ngôn ngữ học cơ sở đã được định hình làm nền tảng cho sự tồn tại của ngành khoa học này và tri thức ngôn ngữ học hiện đại nhờ khám phá, tìm tòi làm cho ngôn ngữ học phát triển theo hướng vừa tập trung mang tính đơn ngành lại vừa mở rộng mang tính liên ngành, vừa chuyên sâu với tư cách của một ngành khoa học thực thụ lại vừa có tính ứng dụng cao, phục vụ cho đời sống của con người. Cuốn Giáo trình ngôn ngữ học của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Giáp đã được viết theo tinh thần đó.

Là chuyên gia đầu ngành về Lí luận ngôn ngữ và Việt ngữ học với kiến thức và kinh nghiệm của hơn 40 năm giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học tại một cơ sở đào tạo ngôn ngữ học lâu đời nhất, đứng đầu cả nước và cùng với hàng loạt các công trình nghiên cứu gồm bài viết, sách giáo trình, chuyên khảo, tác giả đã xây dựng cuốn giáo trình này chuẩn theo mục tiêu chung về đào tạo đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Có thể thấy trong một rừng kiến thức ngôn ngữ học rộng lớn với không ít vấn đề chưa có sự thống nhất về quan điểm, với nhiều nội dung còn bỏ ngỏ đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, tác giả của Giáo trình ngôn ngữ học đã biết chọn lựa để đưa vào cuốn sách này những kiến thức phù hợp, giúp cho người sử dụng trước hết là hiểu và nắm được những khái niệm, nội dung cơ bản, từ đó hướng suy nghĩ của họ vào những nội dung cần trao đổi. Vì thế, không khó khăn để nhận ra rằng, nội dung khoa học trong cuốn sách này rất nhiều nhưng không rối, nhờ cách trình bày sáng rõ; Kiến thức trong cuốn sách này khái quát, trừu tượng và khó, nhưng không gây cảm giác choáng ngợp, làm nản lòng người đọc mà trái lại được xâu chuỗi liền mạch, gây hứng thú cho người học; Những ví dụ dẫn ra trong sách đều xuất phát từ thực tế đời sống ngôn ngữ ở Việt Nam đã minh chứng, bổ sung cho lí luận, làm sinh động kiến thức và làm cho lí luận không xa rời thực tế; Câu hỏi thảo luận ở sau mỗi phần luôn gồm một số câu hỏi củng cố lại kiến thức đã học và một số câu hỏi vận dụng vào thực tế Việt ngữ học nói riêng, các vấn đề của ngôn ngữ học Việt Nam nói chung. Tất cả đã làm nên một thành công không thể phủ nhận cả về nội dung khoa học lẫn phương pháp sư phạm của cuốn sách này.

Cuốn sách gồm 12 chương, mỗi chương là một nội dung lớn của khoa học ngôn ngữ, đó là: 1/ Bản chất và chức năng của ngôn ngữ; 2/ Nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ; 3/ Ngôn ngữ với tư duy và văn hoá; 4/ Các ngôn ngữ trên thế giới; 5. Chữ viết; 6/ Ngôn ngữ học; 7/ Ngữ âm học; 8/ Từ vựng học; 9/ Ngữ pháp học; 10/ Ngữ nghĩa học; 11/ Ngữ dụng học; 12/ Ứng dụng ngôn ngữ học. Nhìn tổng thể, cuốn sách đã bao quát toàn bộ các nội dung cơ bản của ngôn ngữ học. Trong mỗi phần lại gồm các nội dung cụ thể và trong từng nội dung cụ thể lại được chẻ nhỏ thành từng vấn đề. Nhờ đó, có thể nhận ra những kiến thức cơ bản và những kiến thức hiện đại, những kiến thức đại cương và những kiến thức thực tế.

[img class="caption" src="images/stories/2008/8/18/img_3460.jpg" border="0" align="right" width="160"/>

Chương 1: Bản chất và chức năng của ngôn ngữ, cuốn sách đã đi từ khái niệm ban đầu nhận diện đối tượng, đó là “nhận diện và định nghĩa ngôn ngữ”, từ đó làm rõ bản chất xã hội và bản chất tín hiệu cũng như chức năng giao tiếp và chức năng làm phương tiện tư duy (cùng các chức năng khác) của ngôn ngữ.

Chương 2: Nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ học, trình bày một cách hệ thống nguồn gốc của ngôn ngữ loài người và sự phát triển của ngôn ngữ. Nhằm làm rõ điều kiện nảy sinh ngôn ngữ và tiền thân của ngôn ngữ, cuốn sách đã giới thiệu các quan điểm khác nhau về nguồn gốc của ngôn ngữ để từ đó phân tích chỉ rõ nguồn gốc của ngôn ngữ. Đồng thời, chỉ rõ quá trình phát triển của ngôn ngữ với hàng loạt các khái niệm như ngôn ngữ bộ lạc, ngôn ngữ khu vực, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn hoá... cùng các biến thể liên quan đến từng khái niệm này; phân tích các nhân tố khách quan cũng như chủ quan làm cho ngôn ngữ biến đổi và phát triển. Đáng chú sí là sự hình thành và phát triển của tiếng Việt được dẫn ra làm minh hoạ cho các nội dung lí thuyết.

Chương 3: Ngôn ngữ với tư duy và văn hoá, trình bày mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá. Chỉ ra hai quan niệm trước đây hoặc đồng nhất ngôn ngữ với tư duy hoặc tách rời ngôn ngữ và tư duy, tác giả đã phân tích, chứng minh và khẳng định rằng, ngôn ngữ và tư duy thống nhất nhưng không đồng nhất. Đối với mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa chúng và chỉ ra các quan niệm khác nhau về ngôn ngữ và văn hoá như giả thuyết của Sapir-Whorf, lí lẽ về ngôn ngữ quy định văn hoá, văn hoá quy định ngôn ngữ.

Chương 4: Các ngôn ngữ trên thế giới, không phải là sự liệt kê danh sách các ngôn ngữ hiện có trên thế giới và giới thiệu chúng theo hai lí thuyết phân loại của ngôn ngữ học là phân loại theo nguồn gốc với phương pháp so sánh lịch sử để phân chia thành các ngữ hệ và phân loại ngôn ngữ theo loại hình để phân chia ngôn ngữ thuộc các loại hình ngôn ngữ khác nhau. Dựa vào cách phân loại này với những đặc điểm của từng tiểu loại, có thể nhậ diện được đặc điểm của tiếng Việt cũng như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Chương 5: Chữ viết, trình bày các kiểu chữ viết trên thế giới, mối quan hệ giữa lời nói và chữ viết, chính tả. Ở từng loại chữ đều chỉ ra những đặc điểm và có minh hoạ cụ thể. Đáng chú ý là chữ Hán - loại chữ có liên quan đến tiếng Việt (đã từng được sử dụng là một loại chữ viết của tiếng Việt) cũng như các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Việt, tiếng Hàn ở châu Á đã được dẫn ra làm minh hoạ và phân tích kĩ lưỡng.

Chương 6: Ngôn ngữ học, trình bày một cách khái quát sự hình thành phát triển, đối tượng, nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu của ngôn ngữ học mà đối tượng của nó chính là ngôn ngữ. Đồng thời, với tư cách là một khoa học cơ bản, ngôn ngữ học có quan hệ với các ngành khoa học cơ bản khác để hình thành nên những phân ngành ngôn ngữ mang tính liên ngành hay giáp ranh.

Chương 7, Chương 8, Chương 9 và Chương 10 trình bày bốn nội dung nghiên cứu nhằm vào các bình diện cấu thành hệ thống cấu trúc của ngôn ngữ là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Cả bốn phần này đều được trình bày theo khung thống nhất. Hàng loạt các khái niệm cơ bản đã được làm rõ bằng định nghĩa, lí giải và đặc biệt, thực tế của các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa trong tiếng Việt đã được đưa vào làm ví dụ để bổ sung cho lí luận. Cụ thể:

Chương 7: Ngữ âm học, trình bày đối tượng và nhiệm vụ của ngữ âm học, cơ sở sinh lí, vật lí của ngữ âm, âm tố, các hiện tượng ngôn điệu và âm vị học.

Chương 8: Từ vựng học, trình bày tám nội dung là: từ vựng và từ vựng học, từ trpng hệ thống từ vựng của ngôn ngữ, đơn vị từ vựng tương đương với từ, các lớp từ vựng, sự biến đổi của từ vựng và vấn đề hệ thống hoá từ vựng trong từ điển.

Chương 9: Ngữ pháp học, trình bày các nội dung gồm ngữ pháp và ngữ pháp học, ý nghĩa ngữ pháp và ý nghĩa từ vựng, từ loại, phạm trù ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp, quan hệ cú pháp, kết cấu cú pháp và thành tố cú pháp, chức năng ngữ pháp, đoản ngữ, tiểu cú và câu.

Chương 10: Ngữ nghĩa học, trình bày 10 nội dung là, ngữ nghĩa học, nghĩa và ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, sự biến đổi ý nghĩa của các từ ngữ, các kiểu ý nghĩa của từ, ý nghĩa của câu, những quan hệ về nghĩa, trường nghĩa.

Chương 11: Ngữ dụng học, với tư cách là một hướng nghiên cứu mới của ngôn ngữ học ở thời hậu cấu trúc, được trình bày một cách hệ thống theo hướng nhận diện khái niệm và cách khai thác, triển khai từng vấn đề cụ thể, gồm 8 nội dung: ngữ dụng học, ngôn cách và ý nghĩa, lí thuyết hành động ngôn từ, phân tích hội thoại, lịch sự và giao tiếp, nguyên tắc hợp tác và hàm ý hội thoại, cấu trúc thông tin, phân tích diễn ngôn và phân tích hội thoại.

Chương 12: Ứng dụng ngôn ngữ học, trình bày những ứng dụng chủ yếu của ngôn ngữ học vào một số lĩnh vực như ngôn ngữ học và dạy tiếng, ngôn ngữ học và dịch thuật, ngôn ngữ học và văn học. Qua đó có thể thấy, lí thuyết của ngôn ngữ học không chỉ là “màu xám”, cũng như ngôn nghiên cứu ngôn ngữ học không phải chỉ “cho ngôn ngữ, vì ngôn ngữ” mà có đóng góp hữu ích cho đời sống con người.

Với trên 500 trang sách, Giáo trình Ngôn ngữ học đã cung cấp những kiến thức cơ sở vừa cơ bản vừa hiện đại, cập nhật của ngành khoa học ngôn ngữ.

Là người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học thuộc thế hệ học trò, trân trọng tài năng, công sức của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, tuy Thầy đã “đào lí mãn thiên hạ” nhưng vẫn say sưa với nghề để có được cuốn sách này, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng 3 năm 2008
GS.TS Nguyễn Văn Khang
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Ngôn ngữ học
Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội

Tác giả: i333

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây