bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

GS Hà Minh Đức: Một đời nghiên cứu và giảng dạy văn chương Việt

Thứ tư - 15/02/2012 12:51
Ngày 18/02/2012 tới sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt năm 2010, nhân dịp này USSH đăng lại bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái về GS.NGND Hà Minh Đức - một trong 12 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt này.
GS Hà Minh Đức: Một đời nghiên cứu và giảng dạy văn chương Việt
GS Hà Minh Đức: Một đời nghiên cứu và giảng dạy văn chương Việt
Ngày 18/02/2012 tới sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt năm 2010, nhân dịp này USSH đăng lại bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái về GS.NGND Hà Minh Đức - một trong 12 nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt này. Cả đời ông, ông hiểu rất rõ rằng muốn giảng dạy thật tốt văn chương Việt thì phải nghiên cứu thật kĩ lưỡng những vấn đề được đặt ra từ quá trình phát triển thực tiễn của chính văn chương Việt - đó chính là quá trình hiện đại hoá đã diễn ra trong lòng văn chương Việt từ hàng trăm năm nay. Việc nghiên cứu của nhà nghiên cứu phải được diễn giải sâu sắc bằng cái viết - cũng thật sâu sắc, mới hòng mong cái dạy trên bục giảng đại học thật lôi cuốn, và có chiều sâu thông tuệ, nhất là với đối tượng sinh viên đại học của khoa Ngữ văn, lại thuộc một trường đại học lớn nhất và duy nhất nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lúc bấy giờ: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lại đúng vào thời điểm ông tốt nghiệp xuất sắc ngôi trường này, được giữ lại làm thầy giáo, ngay khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Đó quả là cách nghĩ và cách quan niệm chính xác nhất trong trường hợp ấy của cá nhân ông. Và không thể không thấy, bên trong đó, hiện diện những ảnh hưởng rất lớn từ những bậc thầy mà ông thụ giáo, và cả đời ông luôn kính trọng: Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn… Trong một lần tự sự về công việc nghiên cứu văn chương Việt Nam hiện đại, vốn đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của mình, ông cho rằng ông luôn muốn tìm ra và nghiên cứu những vấn đề đích thực của văn học Việt Nam, vừa mang ý nghĩa thời sự, lại vừa phải đảm bảo chiều sâu khoa học lâu dài.
GS Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Thanh Hoá. Ông nguyên là Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV. Ông được xét giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010 cho cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lí luận, thực tiễn văn hoá, văn nghệ Việt Nam, bao gồm nhóm công trình Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh, báo chí Hồ Chí Minh (chuyên luận và tuyển chọn) và nhóm công trình Tự lực văn đoàn: trào lưu và tác giả (phần chuyên luận); Một nền văn hoá văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú.
Khi đặt vấn đề nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Hà Minh Đức đã có góc nhìn riêng, vừa khoa học lại vừa thời sự. Bởi thế, dù nghiên cứu sau các học giả: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, các thi sĩ Xuân Diệu, Chế Lan Viên… về thơ và văn xuôi Hồ Chí Minh, GS Hà Minh Đức vẫn tìm ra cách khai thác riêng và cách xử lí tư liệu riêng, lại được sự giúp đỡ chí tình của nhà thơ Hoàng Trung Thông, năm 1979, công trình nghiên cứu của ông “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc” ra đời tại NXB Khoa học Xã hội, do đích thân giám đốc NXB Phạm Hựu đồng ý đặt hàng, sau khi nghe GS Đức thuyết phục bằng ý tưởng nghiên cứu. Theo ông tự đánh giá, đó là công trình có thể chưa thật hay, nhưng nghiên cứu vấn đề chu đáo, nêu được vấn đề tương đối cơ bản và được dư luận chấp nhận. Năm 1985, được đà nghiên cứu, ông viết tiếp cuốn “Tác phẩm văn của Hồ Chí Minh” và được GS Nguyễn Khánh Toàn quan tâm khích lệ, và viết lời tựa cho tập sách, với khẳng định đấy là một cuốn sách được viết nghiêm túc, dù thấy còn một số vấn đề cần phải nói thêm về văn chương Hồ Chí Minh. GS Hà Minh Đức bồi hồi nhớ lại lúc đó, vừa biết ơn người thầy của mình, vừa hiểu rằng “xin được chữ của “cụ” Nguyễn Khánh Toàn hoàn toàn không phải việc dễ”. Song GS Hà Minh Đức không dừng công việc nghiên cứu về sự nghiệp văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đó. Khi về khoa Báo chí trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, với cương vị Chủ nhiệm khoa Báo, ông lại thấy mình phải tiếp tục nghiên cứu về sự nghiệp báo chí của Bác Hồ. Ông lại vượt khó, viết tiếp công trình thứ ba: “Báo chí Hồ Chí Minh” và hết sức tránh trùng lặp, ông nghiên cứu phong cách báo chí rất độc đáo của cụ Hồ trên sự kết hợp hài hoà của hai trục: trục thời gian năm tháng và trục những vấn đề báo chí mà cụ Hồ đã rất sắc sảo khi phát hiện. Chỉ nguyên ba công trình nghiên cứu chuyên biệt ấy về sự nghiệp viết văn, viết báo của cụ Hồ cũng đã làm nên thành công đáng kể của GS Hà Minh Đức trên bước đường nghiên cứu và giảng dạy của mình. Song, ông đã chứng tỏ sự cần mẫn nghiên cứu nhiều hơn thế. Theo phương pháp nghiên cứu riêng và quan niệm riêng, GS Hà Minh Đức đã nghiên cứu sâu về Thơ Mới, dù trước ông và đồng thời với ông, không ít nhà nghiên cứu đã và đang cày xới vấn đề này. Không nản lòng, ông tự biết mình vẫn còn có thể nghiên cứu tiếp và có ý kiến riêng về Thơ Mới. Ông tâm sự: “Thực sự tôi cảm thấy đây là một vấn đề nghiên cứu mà một người làm không xong, thậm chí một thời làm cũng không xong mà phải làm trong nhiều thời điểm. Và ở mỗi thời điểm mình có thể triển khai được quan điểm của mình theo một cách ngày càng rộng, càng sâu và thẳng thắn hơn so với quá khứ, khi điều kiện xã hội khách quan chưa phù hợp với cách làm như vậy”. Viết về vấn đề Tự lực Văn đoàn của giai đoạn văn học 1932 - 1945 ông cũng có khuynh hướng và phương pháp nghiên cứu nhất quán với chính ông như vậy. Về thái độ, GS Hà Minh Đức cho rằng ở từng thời điểm văn chương, ông nhận thức thế nào thì viết đúng như mình nhận thức. Nhưng ông cũng phải nhận rằng “dư luận văn chương chúng ta trong mấy chục năm qua nhiều lúc bị cuốn đi theo yêu cầu nóng của xã hội nên không tránh khỏi bồng bột, thiếu khách quan. Có lúc tôi cũng ít nhiều bị chi phối nhưng chỉ chừng mực thôi”. Và ông đã chủ trương viết đúng lòng mình, không viết khác những điều ông suy nghĩ, cũng tránh thái quá, khi muốn khen những điều đáng khen và chê những điều đáng chê. Về cơ bản ông cũng không chấp nhận nói ngược với chính mình, luôn hết sức thận trọng khi viết về những vấn đề mà mình đã theo đuổi nghiên cứu trong cả đời mình.

Ông cũng tự cho rằng, hai công trình nghiên cứu về Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn được ông đầu tư tâm sức rất lớn và đã được viết với một hứng thú nghiên cứu cũng rất lớn. Và ông cũng biết rõ, những cuốn sách ấy đã là những tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên của mình và lan truyền tới họ một hứng thú nghiên cứu rất đáng kể khi họ đang ngồi học trong giảng đường và không chỉ trong giảng đường đại học. Tự nhận và pha chút hài hước, ông bảo ông như một nông dân cần cù trên cánh đồng nghiên cứu chữ nghĩa văn chương, dẫu nhiều gặt hái, song vẫn tự biết mình thích không nhiều lắm những tác phẩm do chính mình viết ra và biết rằng chúng cũng có ít nhiều ý nghĩa đối với sự học của sinh viên đại học văn khoa. Ông thích cuốn “Thơ và mấy vấn đề trong thơ hiện đại” của chính mình, với lí do “đây là cuốn mà tôi viết công phu, sách riêng, (không đứng chung như cuốn “Sự phát triển thơ ca - hình thức và thể loại” với GS Bùi Văn Nguyên”, dù cuốn này ông cũng thích) và là loại sách thuần lí luận, được tái bản đã mấy lần! Ông vui vẻ tự thú: “Nam Cao và tác phẩm” cũng là cuốn tôi thích. Tôi là một trong những người đầu tiên viết sách nghiên cứu về Nam Cao. Hay là cuốn “Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm” vừa là nghiên cứu văn chương, vừa là kỉ niệm với nhà văn Tô Hoài đã gần gũi và giúp đỡ tôi nhiều... Rồi những cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà thơ lớn của dân tộc”, và “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đều đã tái bản đến lần thứ 8... Có một điều đặc biệt trong nghiên cứu của GS Hà Minh Đức là việc ông “rẽ dòng” khá ngoạn mục sang lĩnh vực sáng tác: ông đột nhiên làm thơ, viết kí sự, tuỳ bút... vào những năm tháng bước vào tuổi trung niên, khi ông đã đi hết mùa thu cuộc đời để rồi thấy mình đang ở giữa mùa đông:”Bây giờ chỉ còn lại mùa đông/Và một mình anh ở giữa/Năm tháng qua ngày đông thêm giá lạnh/Mùa đông buồn làm bạn với cô đơn...”. Bên cạnh những nghiên cứu, những buổi lên lớp giảng bài, những hướng dẫn sinh viên làm khoá luận, học viên làm luận văn, nghiên cứu sinh làm luận án... thế là ông đã gặp được thơ ca như một niềm an ủi và chính ông cho rằng đó cũng là lối ra khỏi dòng chính luận để trở về với chính mình một cách an nhiên, hài hoà. Không tình cờ chút nào khi ông đã cho ra đời đến mấy tập thơ và nhận khá nhiều cảm tình từ người thưởng ngoạn. Thi sĩ Huy Cận từng khen thơ Hà Minh Đức chân cảm dồn nén. Nữ sĩ Anh Thơ đọc nhiều lần thơ ông và khen thơ ông hiện đại, viết theo thể thức tự do. Các thi sĩ Vũ Đình Minh, Mã Giang Lân, Hữu Thỉnh đều dành cho thơ ông tình của những kẻ tri âm. Và như thế, ông đã được giải phóng những năng lượng mà chính ông cũng không ngờ nó tiềm ẩn trong trái tim mình, ngoài những phẩm chất của một người cả đời chỉ mải miết nghiên cứu và giảng dạy văn chương Việt như những chỉ định của số phận. Và ông, GS Hà Minh Đức đã rất xứng đáng với những danh vị, chức vị, giải thưởng cao quý mà Nhà nước đã dành cho ông: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những thành tựu về nghiên cứu và giảng dạy suốt nửa thế kỉ của ông…

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây