bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Nâng cao hiệu quả giảng dạy Lịch sử: bắt đầu từ đâu?

Thứ hai - 30/12/2013 07:42
Ngày 28/12/2013, gần 200 giáo viên môn Lịch sử bậc THPT tại 63 tỉnh thành trong cả nước đã có cơ hội lắng nghe những bài nói chuyện hữu ích của những nhà sử học hàng đầu Việt Nam và thế giới tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Chủ đề của các bài thuyết trình xoay quanh nội dung: làm thế nào để nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy môn Lịch sử?
Nâng cao hiệu quả giảng dạy Lịch sử: bắt đầu từ đâu?
Nâng cao hiệu quả giảng dạy Lịch sử: bắt đầu từ đâu?

Chương trình tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV và Hội Sử học thế giới phối hợp tổ chức.

 

GS Marc Jason Gilbert: thách thức người học với các quan điểm và góc nhìn khác nhau

GS Marc Jason Gilbert (Chủ tịch Hội Sử học thế giới) là diễn giả đầu tiên của chương trình với bài tham luận tưởng như đơn giản mà rất thú vị: “Lịch sử thế giới là gì?”.

Ông nêu lên xuất phát điểm ban đầu cho nội dung bài nói của mình: việc nhận thức được những hiểu biết mang tính khái niệm về Lịch sử thế giới (LSTG) để làm phương tiện lên kế hoạch, giảng dạy và đánh giá chất lượng học tập của sinh viên rất quan trọng.

GS Marc Jason Gilbert. (Ảnh: Thành Long/USSH) 
GS Marc Jason Gilbert.

Trên thực tế, hầu hết các văn bản lịch sử suốt hai thế kỉ qua thường chỉ giải trình cuộc đời của các cá nhân và bao trùm quan điểm quốc gia và sắc tộc. Nhưng theo GS. Marc Jason Gilbert, LSTG quan tâm nghiên cứu những mô hình chung vượt ra khỏi ranh giới văn hoá để nắm bắt và nghiên cứu trải nghiệm con người theo thời gian. Trọng tâm chính của LSTG phải là quá trình hội nhập – làm rõ con người trên thế giới xích lại gần nhau như thế nào – và sự khác biệt – thể hiện qua những mô hình LSTG cho thấy sự đa dạng của trải nghiệm con người.

GS. Marc Jason Gilbern cũng nhấn mạnh đến góc nhìn toàn cầu khi nghiên cứu và giảng dạy LSTG. Ông cho rằng, LSTG “bao gồm các nghiên cứu so sánh và xuyên văn hoá dựa trên nhiều ngành khoa học và khuyến khích nghiên cứu các động lực gây ảnh hưởng tới các nền văn hoá và văn minh”. Những chủ đề được nghiên cứu gồm các biến động dân số và những biến động kinh tế quy mô lớn; sự chuyển giao công nghệ xuyên văn hoá, sự lây lan dịch bệnh, thương mại đường dài và sự truyền bá tư tưởng, đức tin…

Nhà khoa học này cũng chỉ ra thực trạng: “rất ít khoá học ở đại học và cao đẳng chú trọng tới LSTG như một ngành khoa học mà thay vào đó, lịch sử khu vực và quốc gia lại được nhấn mạnh”. Hiện nay, những yêu cầu mới của việc phải tích hợp LSTG ở mọi cấp giáo dục đang thúc đẩy thị trường việc làm và phản ánh nhu cầu giáo dục của thế giới thực.

Ông cũng cho rằng, khi dạy học sinh, sinh viên không nên bắt các em học thuộc kiến thức mà quan trọng là “thách thức sinh viên với các quan điểm và góc nhìn khác nhau”, giúp họ hiểu các mối liên hệ của LSTG và kích thích niềm ham muốn tìm hiểu lịch sử của người trẻ.

GS Phan Huy Lê: luôn cập nhật những nghiên cứu mới

Nếu bài thuyết trình của GS. Marc Jason Gilbern khá sôi động thì GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) lại đem đến cho các đại biểu những quan điểm đi vào chiều sâu lí luận liên quan đến việc cần nhận thức Lịch sử Việt Nam (LSVN) trên cơ sở kết quả nghiên cứu mới. Nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đánh giá: trong khoảng 3 thập kỉ gần đây, sử học Việt Nam đạt nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng, không những giúp nâng cao hiểu biết lịch sử mà trên một số phương diện, còn làm thay đổi một số nhận thức cơ bản. Và những người làm công tác giảng dạy LSVN cần cập nhật những nghiên cứu mới này để tạo nên một nhận thức về LSVN mang tính toàn bộ và toàn diện, qua đó nâng cao chất lượng bài giảng của mình.

Ông cho rằng nghiên cứu và giảng dạy LSVN hiện nay cần chú ý những nguyên tắc quan trọng sau:

Một là, nghiên cứu LSVN phải xuất phát từ lãnh thổ của nước Việt Nam hiện nay để ngược về quá khứ; trên quan niệm chung là tất cả cuộc sống của các cộng đồng cư dân diễn ra trên không gian lãnh thổ này đều thuộc về lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Hai là, vấn đề phân định các thời kì phát triển của lịch sử Việt Nam trải qua nhiều nhận thức khác nhau. Và xu hướng hiện nay là nên tránh cách phân kì mang tính công thức, cần dựa vào chính tiến trình lịch sử Việt Nam với những bước chuyển biến lớn, kết hợp cả hình thái kinh tế xã hội với công cuộc dựng nước và giữ nước để phân chia thành các thời kì phù hợp.

Ba là, trong thời kì chế độ quân chủ, các vương triều là những thực thể lịch sử tồn tại khách quan và có vai trò quan trọng cần nghiên cứu và nhận thức đầy đủ; cần đặt vương triều đúng vị trí, vai trò của nó trong tiến trình lịch sử với những cống hiến và hạn chế của mỗi vương triều, tránh hiện tượng phê phán, phủ định sạch trơn hoặc đánh giá quá mức.

Bốn là, mối quan hệ giữa lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam với lịch sử chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cần được nhận thức một cách khoa học, thoả đáng. Trong đó, lịch sử chống ngoại xâm giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc cần có vị thế xứng đáng trong nhận thức LSVN. Bên cạnh đó, LSVN cần hướng nhiều hơn đến cuộc sống của con người, cộng đồng cư dân và các thành tựu văn hoá xã hội.

Năm là, nghiên cứu LSVN cần trên quan điểm một quốc gia đa tộc người, trong đó phải quan tâm làm rõ vai trò và cống hiến của các dân tộc ít người.

Sáu là, LSVN cần được nhận thức trong mối quan hệ mật thiết với điều kiện thiên nhiên, trong quan hệ giao lưu, tương tác chặt chẽ với khu vực và thế giới. Nhiều tác phẩm lịch sử không quan tâm đúng mực vai trò của điều kiện tự nhiên, hoặc trình bày lịch sử khá đơn độc, thoát li khỏi bối cảnh và quan hệ giữa các nước trong khu vực và thế giới, dẫn đến không tránh khỏi cái nhìn chủ quan và phiến diện.

GS Vũ Dương Ninh: giảng dạy lịch sử cần sống động và gần gũi

Khác với hai diễn giả đầu tiên, GS. Vũ Dương Ninh – một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về LSTG, cũng là nhà giáo có kinh nghiệm hàng chục năm trong việc giảng dạy môn học này – lại có góc nhìn rất cụ thể và thực tiễn về nguyên nhân, thực trạng giảng dạy LSTG hiện nay tại Việt Nam.

Theo ông, những khó khăn mà việc giảng dạy và học tập LSTG tại Việt Nam đang gặp phải là: hạn chế trong hiểu biết của học sinh VIệt Nam về thế giới; sự “dồn nén” kiến thức trong sách giáo khoa khiến việc học trở nên quá tải, lại ít những liên hệ sinh động giữa kiến thức lịch sử và thực tiễn cuộc sống; chưa chú ý đến những hướng dẫn tự học, tự tìm tòi; không gợi được cảm hứng học tập và yêu thích môn học này trong học sinh…

Trong bối cảnh ấy, “việc nâng cao chất lượng dạy và học LSTG phải là một quá trình, không thế nóng vội” – nhà giáo chia sẻ. Trước hết, cần áp dụng phương châm “thà ít mà tốt” – tức là không tham lam kiến thức mà phải chọn lực các sự kiện, vấn đề cơ bản để sinh viên có hình dung và kiến thức chung về LSTG qua các thời kì. Bên cạnh đó, dạy LSTG nhưng cần chú ý đến vị trí của Việt Nam trên toạ độ khu vực Đông Á – Đông Nam Á – Thái Bình Dương, từ đó có những ưu tiên thích đáng cho nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của các khu vực này. Công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình cách mạng thế giới – cần được gắn kết với LSTG, chứ không chỉ nhìn theo chiều ảnh hưởng của thế giới đối với Việt Nam.

GS. Vũ Dương Ninh kết luận: khi giảng dạy về LSTG nói chung, rất cần chú ý đến hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam và mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đây sẽ là những căn cứ để có thể khai thác LSTG – những điểm cần đi sâu nhấn mạnh vì tính chất điển hình của thế giới nói chung, đồng thời tính đến mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới trong từng thời kì lịch sử, tính đến khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Do đó, kiến thức lịch sử sẽ không phải là kiến thức “chết”, mà sẽ “sống động, gần gũi và bổ ích đối với học sinh, giúp các em yêu thích và vận dụng được vào công việc và cuộc sống của mình sau này”.

Tác giả: Thanh Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây