Ngôn ngữ
Tôi nhớ vào năm 1971, khi chỉ mới bước chân vào Tổng hợp Văn, cô Sâm hãy còn rất trẻ, hình như chỉ khoảng 40 hay 41 gì đó (về sau tôi mới biết cô sinh năm 1930). Lúc đó đang là sinh viên nên tôi rất ít có cơ hội được tường tận cô, nghĩa là chỉ thỉnh thoảng nhìn từ xa thôi, chứ đến gần nói chuyện thì tuyệt nhiên không bao giờ có. Trong kí ức không liền mạch của mình, tôi nhớ những bài giảng văn học hiện thực Pháp đầu tiên của cô hệt như một dòng suối trong lành tưới mát cho những cái đầu “khô cằn” của chúng tôi (chả là tôi đến từ một vùng quê rất xa Hà Nội). Ở cái thời chiến tranh chống Mĩ vẫn còn khốc liệt, những cái tên như Hugo, Balzac, Standhal, hay Flaubert hãy còn hết sức xa lạ, vậy mà lần đầu tiên nghe cô giảng bài, những cái tên ấy bỗng trở nên thân thuộc. Trong đời học trò của mình, thú thực, tôi rất ít khi được nghe một lối truyền đạt nào lôi cuốn và hấp dẫn như thế. Những lời lẽ ngôn từ trong bài giảng của cô Sâm dường như không thừa và không thiếu chữ nào. Cứ như là những văn bản đã được gọt rũa tu từ, từ trước. Lối giảng lôi cuốn ấy cũng thể hiện ngay cả trong cách nói năng hàng ngày của cô, trong những chuyện trò với bất cứ ai, dù đó là người thân hay kẻ sơ, cô bao giờ cũng dịu dàng, lịch lãm như thế.
Ấn tượng trong tôi về Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm sở dĩ sâu sắc đến như vậy còn vì một lí do khác nữa: trong cái “tổ ấm” bộ môn Văn học Pháp của khoa Ngữ Văn ngày ấy có một “bộ đôi” nữ giáo viên, mà sự hiện diện của họ suốt một thời gian dài chẳng khác nào một “cặp bài trùng”. Đó là “cặp đôi” Lê Hồng Sâm – Đặng Thị Hạnh. Họ giống nhau và khác nhau đến kì lạ. Cái giống nhau của họ được thể hiện ở trình độ uyên bác, thâm sâu, ở lòng nhiệt thành không hề vụ lợi với công việc chuyên môn, và cả ở sự hết lòng thương yêu học trò. Nhưng họ cũng rất khác nhau: Một người thoạt mới gặp và sau này vẫn thế, có vẻ rất dễ gần (cô Lê Hồng Sâm); người kia trái lại có vẻ hơi nghiêm khắc (cô Đặng Thị Hạnh). Cô Sâm có vẻ lãng mạn thì dạy văn học hiện thực; cô Hạnh có vẻ hiện thực lại dạy văn học lãng mạn (giống hệt Balzac và Hugo). Khi viết chung nhau một cuốn giáo trình, cái nhan đề hai cô chọn đặt tên cũng tạo nên ở người đọc một sự liên tưởng so sánh nhẹ nhàng, thú vị:Văn học lãng mạn và hiện thực Phương Tây thế kỉ XIX. Cùng rất giỏi tiếng Pháp, nhưng Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh bộc lộ bà không thể nào đảm nhận một buổi dịch trọn vẹn trong những dịp các thầy cô giáo bên Paris 7 sang giảng bài; nhưng cô Lê Hồng Sâm thì “làm bay” (cho đến bây giờ vẫn thế). Ngay trong cách tổ chức quản lí hàng ngày nơi công sở, mặc dù nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh từng có thời kì là Hiệu trưởng một trường phổ thông rất nổi tiếng ở Hà Nội (trường Trưng Vương), nhưng thừa nhận công việc quản lí với cô là cả một “hình phạt nặng nề”; trong khi đó, cô Lê Hồng Sâm ngoài việc quản lí bộ môn Văn học phương Tây trong nhiều năm “nhẹ như không”, với các công việc khác, từ vai trò “điều phối viên” trong suốt thời kì hợp tác giữa Đại học Tổng hợp Hà Nội với Đại học Paris 7, đến việc đứng chủ biên các công trình nghiên cứu và dịch thuật lớn của bộ môn, cô cũng đều hoàn thành một cách nhẹ nhàng. Chẳng có vẻ gì là vất vả cả. Không ít những đồng nghiệp của cô ở khoa Văn, cả những giáo sư rất đáng kính và cũng năng nổ tháo vát (như giáo sư Hà Minh Đức, giáo sư Phan Cự Đệ…) đều phải thừa nhận: “Phụ nữ như bà Sâm thì quả là xưa nay hiếm”.
Trong cuộc sống riêng, cũng như trong công việc chung, Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm có những mất mát, thiệt thòi. Người bạn đời của cô lẽ ra nếu không mất sớm đã có thể cho cô một chỗ dựa ấm áp, vững chãi hơn để có thể toàn ý toàn tâm hơn với chuyên môn. Trong công việc, lẽ ra nếu được “đối xử” một cách công bằng như những đồng nghiệp cùng trang lứa, thì cô đã có thể cống hiến được nhiều hơn, nhất là trong việc hướng dẫn, kèm cặp các thế hệ học trò. Nhưng gần cô trong một thời gian dài, tuyệt nhiên, tôi không thấy “người phụ nữ thiệt thòi” đó phàn nàn bao giờ. Cô vẫn lặng lẽ sống và làm việc bằng tình yêu của mình. Và dù phải một mình nuôi con, nhưng cho đến lúc này ít ai có được niềm tự hào hơn cô, khi cô đã nuôi dạy cô con gái yêu Lê Hồng Mai của mình thành người tử tế. Dưới mái ấm của gia đình cô con gái duy nhất, cô Lê Hồng Sâm bây giờ đã có một cuộc sống đầy đủ và thanh thản cả về vật chất lẫn tinh thần. Tất nhiên, về sự thiệt thòi mất mát, chỉ thỉnh thoảng lắm, ngồi trò chuyện tâm tình, cô mới hé lộ đôi chút nuối tiếc. Trong khi đó, kể từ ngày nghỉ hưu đã gần 30 năm nay, con người đáng kính ấy vẫn hàng ngày bình dị với công việc, như một con ong làm mật, ngồi trước chiếc máy tính cũ kĩ, cho ra đời hàng ngàn trang giáo trình, nghiên cứu, dịch thuật. Không chỉ thế, cô còn có mặt gần như ở tất cả các sự kiện lớn tại Trung tâm Văn hoá Pháp L’Éspace; đi đi về về giữa Pháp và Việt Nam trong các hội thảo chuyên môn; là thành viên Hội nghiên cứu quốc tế Balzac… Quả thật, nhìn vào cả một “núi” những công việc cô đã làm, thật khó ai có thể tưởng tượng nổi làm sao trong ngần ấy thời gian, một người phụ nữ nay đã 83, lại có thể thực hiện được? Đã có những lúc tôi “liều lĩnh” so sánh thế này: có lẽ cũng giống Balzac, nhà văn mà cô yêu thích, trong cuộc đời không thật dài của mình viết tới gần trăm tác phẩm, với hàng ngàn trang bộTấn trò đời, cô Lê Hồng Sâm cũng “làm việc bằng hai bộ óc”.
Cảm nhận không bao giờ phai mờ về người thầy đáng kính trong tôi là như vậy. Tất nhiên, tôi biết cảm nhận thì ít hay nhiều đều cảm tính, chủ quan. Có thể đúng hoặc sai. Thế nhưng, tôi vẫn luôn tin chắc rằng, độ chính xác trong những “cảm tính” của mình không hề thấp. Bởi trong hơn 40 năm có mặt tại khoa Ngữ Văn, bây giờ là khoa Văn học (mặc dù cô đã nghỉ hưu từ gần 30 năm rồi), tôi vẫn luôn có điều kiện gặp gỡ cô, được trò chuyện và thậm chí còn bàn bạc về công việc (một đôi lần tôi và cô cùng từng ngồi diễn đàn văn học Pháp tại L’Éspace). Vậy nên, những thói quen công việc, lối sống và tính cách hàng ngày của cô, tôi không bao giờ quên. Ở trên tôi đã nói, gặp cô lần đầu, qua cách nói chuyện và ngắm vẻ bề ngoài lịch lãm, nhẹ nhàng của cô, không ai lại không nhận xét cô có nét quý phái của “con nhà dòng dõi”. Nói chuyện với cô thật khó ai có thể dứt nổi ra. Cô luôn biết cách thu hút và thuyết phục người đối thoại bằng những nhận xét thông thái, bằng khối kiến thức uyên bác, và cả bằng những lời nói nhẹ nhàng, quyến rũ. Sự quyến rũ của cô Sâm thậm chí có thể được bộc lộ ngay trong một cuộc truyện trò nhỏ, với một đối tượng cũng rất “nhỏ” là một “cô, cậu” học trò nào đó. Tôi từng biết có những học trò chỉ gặp cô duy nhất một lần thôi cũng đã “chết mê, chết mệt”, mãi sau này vẫn không ngừng ngưỡng mộ cô.
Trong chuyên môn, phải thừa nhận rằng, cô Sâm dành phần lớn cuộc đời mình cho việc dịch thuật văn học Pháp. Phần nghiên cứu của cô có thể không nhiều, mặc dù số đầu sách giáo trình cũng như bài báo khoa học của cô không hề ít (trên dưới 30). Nhưng dù sao, ấn tượng của người đọc về cái tên Lê Hồng Sâm có lẽ nghiêng về phần dịch thuật. Nhìn số đầu sách dịch của cô chắc bất cứ ai làm công việc này cũng phải “thòm thèm”. Chỉ trong chừng ấy năm, dịch giả Lê Hồng Sâm đã công bố tới hàng chục đầu sách. Trong đó có những cuốn rất khó dịch, dày gần ngàn trang (Những lời bộc bạch, Emile hay là về giáo dục của Roussau, nhiều tác phẩm trong gần 60 tập Tấn trò đời của Balzac…). Trong việc dịch tiếng Pháp cô Sâm thận trong, kĩ tính và trách nhiệm đến tận cùng. Lao động dịch thuật với Lê Hồng Sâm, nghĩa là phải tuân thủ nguyên tắc “phục tùng một cách sáng tạo”. Luận điểm trên thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra là thống nhất. Cũng như người bạn cùng trang lứa, phó giáo sư Đặng Thị Hạnh, trong chuyên môn, cô Lê Hồng Sâm yêu sự trung thực và chính xác đến tận cùng. Thừa nhận công việc dịch thuật là cả một sự khó khăn, thật khó có ai trong đời lại không có đôi lần sơ suất. Điều quan trọng nhất, người dịch phải thật sự chân thành, phải biết lắng nghe, biết hi sinh cái tôi của mình vì sự chính xác của văn bản gốc. Tôi vẫn nhớ một kỉ niệm nhỏ xung quanh chuyện dịch thuật giữa nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm và giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Khi nhận Tổng chủ biên bộ sách đồ sộ Tấn trò đời, biết phần Lời Tựa là khó và cần sự chính xác nhất, cô đã nhờ giáo sư Đỗ Đức Hiểu đảm nhận. Vậy mà đến khi nhận được bản dịch của thầy, chỉ có một chữ, dịch giả Đỗ Đức Hiểu nhất quyết đòi sửa lại so với những người dịch trước: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lí vĩnh cửu: Tôn giáo và nền Quân chủ”. Trong câu văn này có cụm từ “à la lueur”, trước đây có người đã chuyển sang tiếng Việt là “dưới ánh sáng”, nay bậc đàn anh cứ đòi sửa lại là “dưới ánh sáng le lói”, cô Sâm nhất quyết không chịu. Theo cô, bản dịch cũ như thế đã ổn rồi. Tuy nhiên cô vẫn thấy áy náy với thầy. Trong một lần tham dự hội thảo quốc tế về Balzac, cô đã mang điều băn khoăn này ra hỏi các đồng nghiệp Pháp, thì hoá ra những băn khoăn bấy lâu nay của cô là đúng. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu qua đời cách đây đã 10 năm rồi. Nhưng cứ mỗi lần nhắc lại chuyện này, tôi vẫn thấy cô Lê Hồng Sâm tỏ ra áy náy, giá như mà thầy vẫn còn sống? Tôi biết tính cách của cô là như vậy. Trong học thuật, khi buộc phải đối thoại để tìm ra sự thật, với bất cứ đồng nghiệp nào, cô luôn nhẹ nhàng nhưng quyết liệt bảo vệ.
Với đồng nghiệp trẻ, khi cần giúp đỡ, cô cũng quyết liệt như thế. Tôi nhớ thời kì mới “tập tễnh” đến với văn học Pháp, vốn tiếng Pháp của tôi còn rất ngô nghê, nói chi đến khát vọng được đặt chân lên đất nước của Hugo và Balzac. Thế nhưng, chính cô Lê Hồng Sâm là người đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi, để giúp tôi có được niềm tin rằng, một ngày nào đó, rồi mình cũng có thể nói được trôi chảy tiếng Pháp, được đặt chân lên quê hương của hai bậc thầy văn chương Pháp Balzac và Hugo. Tôi nhớ vào khoảng năm 83, 84 gì đó, nhân một lần có thầy Jean Dupeb từ Đại học Paris 7 sang làm việc với bộ môn, cô Sâm lúc ấy với tư cách là phó chủ nhiệm bộ môn Văn học nước ngoài, nhưng lại là nhóm trưởng nhóm Văn học Pháp, đã quyết “đạo diễn” cho tôi được gặp mặt làm quen. Nói là làm, cô động viên tôi mạnh dạn cùng cô vào khách sạn Thắng Lợi để gặp và nói chuyện với vị giáo sư kia. Nhưng lúc ấy, vốn tiếng Pháp của tôi còn rất “lỗ mỗ”, làm sao có thể nói chuyện được. Tôi lo lắm. Thà tránh mặt, để sau hẵng hay, chứ nếu lộ “cái dốt” của mình ra thì hỏng hết. Nhưng hoá ra cô Sâm đã chuẩn bị cho tôi một bài “discours” sẵn. Đơn giản thôi, tôi chỉ cần học thuộc lòng. Vậy mà chuyến ra mắt đầu tiên với ông thầy người Pháp đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tất nhiên Jean Dupeb về sau biết tất cả mọi chuyện. Chính vì thế mà ông đã quyết tâm thuyết phục với những người có trách nhiệm phía Paris 7 để chúng tôi, một số giáo viên trẻ của khoa Ngữ Văn được đến Pháp tu nghiệp, mở ra một trang mới cho bộ môn Văn học phương Tây. Sau này, khi đã sang Pháp, có dịp gặp lại và nói chuyện lâu hơn với thầy Dupeb, tôi đã thành thật kể hết với ông chuyện này. Dupeb cười và nói ông biết hết. Chính vì thế ông mới can thiệp để giúp đỡ chúng tôi thực hiện ước mơ. Nhờ có chuyến “tu nghiệp” tại Pháp, sau này tôi đã tham gia vào rất nhiều công việc chuyên môn như viết giáo trình, dịch văn tuyển, tham gia dịch một số trang của bộ Tấn trò đời và cũng học tập cô, tích cực truyền bá văn hoá Pháp. Có thể nói công lao của Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm trong việc xây dựng bộ môn Văn học Pháp nói riêng, Văn học phương Tây nói chung là vô cùng lớn lao. Một thời gian dài sau này và cả đến bây giờ, cô vẫn đóng vai trò là “điều phối viên” trong mối quan hệ Pháp – Việt. Chính từ tấm gương của cô, vào năm 2003, tôi đã mạnh dạn đứng ra nhận công việc “điều phối viên” dự án điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ. Sau 10 năm vận hành, bây giờ ở khoa Văn học đã có một bộ môn mới (Nghệ thuật hoc), và chắc chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, sẽ có thêm một chuyên ngành Nghệ thuật học tại Khoa Văn học, bet365 football .
Bây giờ thì cái tên Lê Hồng Sâm đã quá quen thuộc với những người Việt Francophone. Lịch sử cũng đã trả lại cho cô ít nhiều “sự công bằng”: phần thưởng lớn nhất với cô, theo tôi nghĩ, đó là một cái tên cô để lại (dịch giả, nhà văn hoá Lê Hồng Sâm), mà hẳn mãi sau này, những người yêu mến văn học Pháp sẽ luôn luôn nhớ. Cô đã được nhà nước ghi nhận công lao bằng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, một trong những phần thưởng cao quý dành cho những người dịch thuật. Cách đây 10 năm, ngày 25 tháng 3 năm 2003, khẳng định công lao to lớn của cô trong vai trò nối kết văn hoá và tinh thần Pháp với người đọc Việt Nam, chính phủ Pháp đã trao tặng cô Huân chương Cành cọ hàn lâm. Cô chẳng khác nào một cánh chim không mỏi, mang đến cho đời tri thức, niềm vui. Tôi nghĩ, với một nhà giáo và nhà trí thức, điều đó còn lớn hơn tất cả mọi danh hiệu.
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn