Ngôn ngữ
Ảnh: Thành Long
Đào tạo Nhân học: những thành công bước đầu
Có lịch sử nghiên cứu và đào tạo hàng trăm năm tại các trường đại học trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, Nhân học mới được triển khai đào tạo từ năm 2003 và chính thức được đưa vào danh mục mã ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2009. Ngành Nhân học ở Việt Nam là sự phát triển từ chuyên ngành Dân tộc học thuộc ngành Lịch sử để mở rộng đối tượng nghiên cứu từ các vấn đề tộc người và văn hóa tộc người sang một khuôn khổ và tầm nhìn rộng lớn hơn của một ngành khoa học Nhân học nghiên cứu một cách toàn diện về con người, trên các địa bàn đa dạng, từ cộng đồng nông dân, nông thôn đến đô thị, kết nối các khía cạnh sinh học với văn hóa, kinh tế, xã hội ở hiện tại và trong quá khứ, với cả hai mục đích nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn.
Hiện nay, Nhân học hiện được đào tạo tại ba cơ sở là Bộ môn Nhân học thuộc Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Khoa Nhân học thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM và Học Viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Trong đó, Bộ môn Nhân học thuộc Trường ĐHKHX&NV (ĐHQGHN) là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đang triển khai đào tạo ngành Nhân học một cách hệ thống từ cử nhân đến bậc tiến sĩ. Sau 5 năm đào tạo Nhân học, Bộ môn đã tuyển sinh được 6 khóa cử nhân, hai khóa thạc sĩ, một khóa tiến sĩ, trong đó có hai khóa cử nhân đã có sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, nhiều em xin được việc làm ở các cơ quan khác nhau.
Tăng cường quảng bá ngành học
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học ngành Nhân học của Bộ môn Nhân học nhấn mạnh, sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành Nhân học có đủ năng lực và kỹ năng để hoạt động ở nhiều lĩnh vực của Nhà nước và xã hội, như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, quản lý, phát triển, cứu trợ, chống đói nghèo, bảo tồn, bảo tàng, nghệ thuật...
Tuy nhiên, để cho các cử nhân ngành Nhân học có thể tiếp cận nhiều cơ hội việc làm hơn nữa, Bộ môn và Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá về ngành Nhân học và năng lực nghề nghiệp của người có bằng Nhân học để các cấp chính quyền địa phương, người dân và xã hội nói chúng hiểu rõ hơn nữa về ngành Nhân học và những năng lực nghề nghiệp của người có bằng cử nhân ngành Nhân học.
Thực tế khảo sát thông tin trên trang web tuyển dụng công chức ở Việt Nam năm 2014 ( thấy trên địa bàn cả nước cho thấy có nhiều cơ quan trung ương đã chính thức thông báo tuyển dụng người có bằng đại học và sau đại học học ngành Nhân học, gồm các cơ quan nhà nước như Uỷ ban Dân tộc; các trường đại học, ví dụ Trường Đại học Y Hà Nội; các viện nghiên cứu, như Viện Dân tộc học, Viện Tâm lý học, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu con người; các bảo tàng và một số nhà xuất bản; và các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ...
Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin cho biết, ở cấp địa phương, có nhiều vị trí làm việc thuộc các sở, ban, ngành và các cấp thấp hơn chưa đưa người có bằng Nhân học vào danh mục tuyển dụng viên chức và công chức, cho dù các vị trí việc làm được mô tả rất phù hợp với trình độ, kiến thức, kỹ năng của người có bằng Nhân học. Cụ thể, một số lĩnh vực công việc các cử nhân ngành Nhân học có thể làm tốt song lại chưa phải là đối tượng tuyển dụng là: văn hoá, thể thao, du lịch, lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, tôn giáo…
Ảnh: Thành Long
Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) khẳng định rằng: ngành Nhân học có "đất" nghiên cứu rất rộng ở Việt Nam. Hơn nữa, Nhân học là ngành khoa học liên ngành, có khả năng kết nối nhiều lĩnh vực khác trong và ngoài nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nên triển vọng và cơ hội việc làm là rất lớn. Vấn đề là ở Việt Nam, xã hội và người học dường như còn chưa hiểu sâu rộng về ngành học này, chưa thấy được người học ngành học này ra trường thì có thể đảm nhiệm những vị trí công việc gì. Do đó, Bộ môn và Nhà trường sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông thu hút đầu vào, quảng bá sản phẩm đầu ra, để xã hội thấy hết những giá trị và ý nghĩa của ngành Nhân học và các các cơ hội nghề nghiệp của người có bằng Nhân học.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Bộ môn Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng để mở rộng tầm ảnh hưởng của ngành học, thì cần đẩy mạnh liên thông đào tạo và hợp tác nghiên cứu giữa Bộ môn Nhân học với các đơn vị khác ở ngoài trường, nhất là các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành ở trung ương và địa phương có nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Nhân học.
Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Một vấn đề quan trọng khác là, trong tầm nhìn hướng tới một chương trình đào tạo có chất lượng, uy tín và có khả năng sánh vai với các chương trình đào tạo của các quốc gia trong khu vực, thì điều cốt lõi phải là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội và hội nhập quốc tế.
Ở ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng tuần đều có thông báo tuyển dụng từ nhiều tổ chức quốc tế và các cơ quan phi chính phủ cho nhiều vị trí công việc phù hợp với chuyên môn và kỹ năng của các cử nhân ngành Nhân học. Tuy nhiên, để có cơ hội tiếp cận tốt hơn những cơ hội nghề nghiệp đầy tính cạnh tranh song hứa hẹn nhiều triển vọng này thì sinh viên cần tiếp tục trau dồi và nâng cao năng lực tiếng Anh và trải nghiệm cần thiết khác.
ThS. Đinh Việt Hải (Phó phòng Đào tạo Trường ĐHKHXH&NV) kiến nghị cần có khảo sát kỹ sinh viên và cựu sinh viên ngành Nhân học để làm rõ: con đường nào dẫn họ đến với Nhân học? Họ đã học, thay đổi và trưởng thành như thế nào với ngành Nhân học? Điều gì họ thấy cần đổi mới trong hoạt động đào tạo? Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng, cả về chuyên môn và ngoại ngữ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn xã hội.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn