Hội thảo do Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) và Bộ môn Lưu trữ học – Quản trị văn phòng (ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM) phối hợp tổ chức
Hội thảo có sự tham dự bà Nguyễn Thị Nga (Phó cục trưởng, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước), bà Đỗ Thị Thanh (Vụ trưởng Vụ Hành chính, Văn phòng Quốc hội), bà Trần Việt Hoa (Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III).
Tới dự hội thảo còn có đại diện Phòng Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Lưu trữ Việt Nam, các chi cục Văn thư lưu trữ tại các tỉnh và thành phố.
Về phía Nhà trường có sự tham dự của PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Nhà trường).
Hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu trong nghiên cứu và đào tạo của Lưu trữ học Việt Nam. Các chuyên gia cũng phân tích, dự báo và gợi mở những định hướng cho sự phát triển của Lưu trữ học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Trong 50 năm hình thành và phát triển, ngành Lưu trữ học ở Việt Nam đã đạt được kết quả đáng tự hào: các cơ sở đào tạo Lưu trữ ở Việt Nam đào tạo hàng chục ngàn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ. Đặc biệt, 3 tiến sĩ đầu tiên về Lưu trữ học đã được đào tạo thành công tại Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV. Đây cũng là cơ sở duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Tiến sĩ về Lưu trữ. Chương trình đào tạo tại Khoa thường xuyên được cập nhật, bổ sung theo hướng bám sát nhu cầu thực tiễn Việt Nam và học hỏi từ kinh nghiệm đào tạo Lưu trữ học của thế giới.
TS. Đào Đức Thuận – Trưởng Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu khai mạc
Hội thảo cũng đề cập đến những hạn chế và bất cập trong hoạt động nghiên cứu Lưu trữ học tại Việt Nam như: góc độ tiếp cận Lưu trữ học chưa mở rộng, nghiên cứu thực tiễn còn nặng về mô tả; các nghiên cứu về nghiệp vụ vẫn chiếm số lượng lớn, các thành tựu nghiên cứu mới của Lưu trữ học thế giới chưa được cập nhật tại Việt Nam... Những hạn chế này cần được nhìn nhận đúng đắn để giúp những người hoạt động trong lĩnh vực này nỗ lực cải thiện và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Lưu trữ học Việt Nam trong tương lai.
PGS. Vương Đình Quyền là một trong những nhà giáo uy tín đã xây nền đắp móng cho sự hình thành và phát triển của ngành Lưu trữ học tại Việt Nam
Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa phát biểu tại hội thảo: Di sản mà thế hệ xây nền đắp móng cho ngành Lưu trữ học để lại tính đến ngày hôm nay không chỉ dừng lại ở việc thiết lập một hệ thống lý luận phù hợp thực tiễn, đóng góp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp, mà còn ở việc góp phần xây dựng và phát triển một hệ thống các cơ sở đào tạo bậc đại học về ngành học này ở Việt Nam. Một nửa thế kỷ nghiên cứu và đào tạo Lưu trữ học ở Việt Nam là một chặng đường không quá dài nếu so với lịch sử Lưu trữ học thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để nhìn nhận lại những thành quả đạt được của ngành cũng như xác định những thách thức lớn mà ngành Lưu trữ học Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối diện.
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo cũng dành thời gian ghi nhận đóng góp của những thế hệ sinh viên và giảng viên đầu tiên của chuyên ngành Lưu trữ học như: GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, PGS. Nguyễn Văn Hàm, TS. Phan Đình Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Phương, PGS Vương Đình Quyền... Nhờ được học tập và nghiên cứu dưới mái Trường ĐHKHXH&NV, cùng sự giúp đỡ của Cục Lưu trữ Quốc gia, các thầy đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và đặt nền móng vững chắc cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo bậc đại học ngành Lưu trữ học ở Việt Nam.
Tri ân các thế hệ nhà giáo của ngành Lưu trữ học
TS. Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM phát biểu tại Hội thảo
Trong tương lai, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, ngành Lưu trữ học sẽ đẩy mạnh một số hướng nghiên cứu mới về: lưu trữ tài liệu điện tử; lưu trữ tài liệu chuyên ngành, chuyên môn, đặc thù; maketing trong lưu trữ; lưu trữ nhân dân, lưu trữ tư nhân, lưu trữ doanh nhân; lưu trữ tài liệu khẩu vấn, hồi ký, nhật ký, thư cá nhân...
Hội thảo chia làm hai tiểu ban. Tiểu ban I thảo luận về chủ đề “Đánh giá hoạt động nghiên cứu và đào tạo về Lưu trữ học” với các tham luận tiêu biểu: Báo cáo về Lưu trữ học và quá trình hình thành Lưu trữ học ở Việt Nam (PGS. Vương Đình Quyền), Một số ý kiến về những vấn đề cần nghiên cứu của Lưu trữ học Việt Nam trong thời gian tới (PGS.TS Nguyễn Minh Phương), Góp thêm một số ý kiến xung quanh vấn đề Lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ của Việt Nam trong 50 năm qua”, Nghiên cứu khoa học về văn phòng, văn thư và lưu trữ của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM - Kết quả đạt được và định hướng phát triển (TS. Nghiêm Kỳ Hồng, ThS. Nguyễn Thị Ly), Đào tạo tiến sĩ ngành Lưu trữ tại Australia - Một vài so sánh với Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Chinh), Định hướng phát triển đào tạo ngành Lưu trữ học của Trường ĐH Nội vụ trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới (TS. Chu Thị Hậu, ThS. Nguyễn Thị Loan), Chất lượng nguồn nhân lực ngành lưu trữ Đảng và một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành lưu trữ Đảng (TS. Nguyễn Ngọc Quý).
Tiểu ban II thảo luận về chủ đề “Định hướng nghiên cứu và đào tạo Lưu trữ học ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”. Những tham luận chính gồm: Báo cáo đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đào tạo chuyên gia lưu trữ số ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu thời đại số (PGS.TSKH Bùi Loan Thùy, TS. Phạm Tấn Hạ), Đào tạo kiến thức cho lưu trữ tài liệu điện tử và kỹ năng công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (Nhà báo Nguyễn Văn Kết), Lưu trữ tài liệu doanh nhân - Những vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo và các cấp quản lý (TS. Nguyễn Văn Báu, ThS. Phạm Thị Phi Yến).
Tác giả: Mỹ Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn