Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV lần thứ XXVI (sẽ diễn ra trong hai ngày 14-15/6/2010), ussh.oddbark.com điểm lại những thành tựu nổi bật của Nhà trường trong nhiệm kì 2006-2010.
Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XXV diễn ra vào ngày 30/8/2006 đã xác định mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, đưa nhà trường phát triển theo hướng một đại học nghiên cứu, có năng lực và chất lượng chuyên môn ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực, xây dựng một số ngành/chuyên ngành đạt trình độ quốc tế, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thủ đô”.
Trong nhiệm kì qua, dù gặp nhiều khó khăn như sự biến động nhân sự Ban Giám hiệu, triển khai nhiều chủ trương mới trong đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất thiếu..., song nhờ thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ và minh bạch, phát huy được sức mạnh đoàn kết nhất trí trong toàn thể cán bộ viên chức, sinh viên, Nhà trường đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ và đạt được nhiều thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động.
Ổn định chính trị và tăng cường khối đoàn kết thống nhất toàn trường
Đảng bộ đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng đối với toàn thể các hoạt động của nhà trường, qua đó giữ vững được ổn định chính trị và tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong toàn trường, toàn Đảng bộ. Đảng bộ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện 6 chương trình hướng tới chuẩn hoá, hiện đại hoá các hoạt động của nhà trường, tổ chức quán triệt và triển khai tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các hoạt động chuyên môn của cán bộ, đảng viên, sinh viên trong toàn trường.
Nhiều hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, cách mạng, giao lưu với các cựu tù nhân từ các nhà tù đế quốc ở Côn Đảo, Phú Quốc; trưng bày, giới thiệu các tư liệu, tranh ảnh cách mạng... được tổ chức giúp nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ và sinh viên.
Công tác chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ đã được Nhà trường quan tâm tuyên truyền và vận động thực hiện để cán bộ và sinh viên bước đầu có những quan niệm đúng và quyết tâm thực hiện công tác này theo đúng kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, các hoạt động tình nguyện, nhân đạo và vận động các đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Công tác tổ chức, cán bộ nhiệm kì vừa qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Năm 2009 và 2010, Đảng uỷ lãnh đạo việc kiện toàn Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, ban chức năng và một số đơn vị, theo đúng nguyên tắc, quy trình, nhanh chóng, đảm bảo sự ổn định và phát triển của trường.
Từ 2007 đến tháng 4/ 2010 có: 23 cán bộ của Trường đã bảo vệ luận án tiến sĩ và 50 giảng viên bảo vệ luận văn thạc sĩ.
Đảng uỷ đã chỉ đạo thành lập mới 04 trung tâm (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Trung tâm Ngoại ngữ, Trung tâm tư vấn và phân tích chính sách), cải tổ, nâng cấp quản lí 01 trung tâm và 01 phòng (Phòng Đối ngoại và hợp tác đào tạo quốc tế), thành lập mới 01 bộ môn (BM Nhân học) và 01 phòng (Phòng Đào tạo Sau đại học), chuyển Bộ môn Ngoại ngữ về trường Đại học Ngoại ngữ và Bộ môn Giáo dục thể chất về Trung tâm Giáo dục thể chất theo chủ trương của ĐHQGHN.
Công tác bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, thời gian, thủ tục, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ và công khai.
- Tổng số cán bộ viên chức hiện tại có: 480, trong đó có 346 cán bộ giảng dạy.
+ Về học vị sau đại học: 280 / 346 ( đạt 80,92 % so với chỉ tiêu Đại hội là 85%).
+ Về chức danh khoa học: 05 giáo sư, 65 phó giáo sư (đạt 20,23% so với chỉ tiêu Đại hội là 20%).
+ Tỉ lệ học vị tiến sĩ / học vị SĐH:130 / 280 (đạt 46,4% so với chỉ tiêu Đại hội là 60%)
Công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Đảng uỷ chỉ đạo Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nguồn kinh phí ngân sách và nguồn học bổng của các đơn vị nước ngoài tài trợ.
Trong những năm vừa qua, Trường đã cử 120 lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Hiện nay, trường đang có 32 NCS và 4 HVCH đang học tập ở nước ngoài. Số lượng giảng viên trẻ ngày càng tăng, chiếm 49,8% tổng số cán bộ, viên chức toàn trường. Chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên được bồi dưỡng và nâng cao thêm đã bảo đảm sự phát triển và ổn định các hoạt động của nhà trường.
Sáng tạo, hiệu quả trong công tác đào tạo
Với nỗ lực và quyết tâm cao, Nhà trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được những thành công bước đầu trong việc chuyển đổi từ phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, trở thành một trong những đơn vị đi đầu của ĐHQGHN trong công tác này. Những kết quả bước đầu này đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức dạy và học, thổi vào một không khí học tập mới hướng tới sự năng động, sáng tạo và hiệu quả trong cán bộ và sinh viên, thúc đẩy hiện đại hoá và hội nhập quốc tế về đào tạo của nhà trường.
Hiện nay, số học viên, sinh viên trong toàn trường gồm: 5.569 sinh viên chính quy, 4329 sinh viên hệ vừa làm, vừa học, 300 sinh viên Trung Quốc, 2.167 học viên cao học và 171 nghiên cứu sinh (chiếm tỉ lệ 26%, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra: 25%).
Nhà trường đã xây dựng và điều chỉnh kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn, quy trình quản lí đào tạo phù hợp với đào tạo theo tín chỉ. 1144 đề cương môn học, 41 giáo trình, 15 sách tham khảo, 106 bài giảng và các tài liệu hướng dẫn môn học bậc cử nhân và 672 đề cương môn học/chuyên đề bậc sau đại học đã được biên soạn, chuyển đổi lại phù hợp với đào tạo theo tín chỉ.
Đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ cấu ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo được Nhà trường tiếp tục điều chỉnh, mở rộng thêm nhiều ngành đào tạo mới. Quy mô đào tạo sau đại học tăng mạnh so với năm 2006 (từ 25 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ lên 30 chuyên ngành và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ lên 29 chuyên ngành). Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã và đang chỉ đạo xây dựng đề án mở một số ngành/chuyên ngành đạt trình độ quốc tế như Ngôn ngữ học, Lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, các chương trình thuộc PUF...
Kết quả đào tạo:
+ 1395 học viên cao học, 60 (trong đó có 20 luận án được đánh giá xuất sắc) nghiên cứu sinh đã hoàn thành bảo vệ luận văn, luận án.
+ 3.334 sinh viên hệ chính quy đã được cấp bằng tốt nghiệp (16% đạt loại xuất sắc, giỏi ; 65% đạt loại khá, 19% đạt loại trung bình khá).
Đa dạng hoá các loại hình liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước là một thành tích nổi bật trong công tác đào tạo của Nhà trường, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội học tập cho người học. Trong 4 năm qua, trường đã thực hiện các hình thức liên kết 3+1, 2+2 với một số trường đại học Trung quốc, Hàn Quốc; tổ chức đào tạo ngành kép Tiếng Anh - Du lịch với trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội; thực hiện liên kết đào tạo và chuyển giao công nghệ đào tạo với Đại học Toulouse Le Minrraie (CH Pháp) về ngành Quản lí tổ chức và Quản lí Du lịch.
Tiên phong trong kiểm định chất lượng đào tạo
Trường ĐHKHXH&NV cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Từ năm học 2007-2008, Nhà trường đã triển khai đánh giá chất lượng bài giảng trong toàn trường. Báo cáo đánh giá về chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Ngôn ngữ học đã được ĐHQGHN thông qua trong phiên họp vào tháng 1/2010. Nhà trường dự kiến sẽ tiến hành tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo của trường theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN) vào năm 2012.
Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng NCKH
Toàn trường đã triển khai và tổ chức thực hiện chiến lược nghiên cứu khoa học giai đoạn 2001 - 2010; chủ động xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu lớn, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu, gắn nghiên cứu với phục vụ các nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu đào tạo của nhà trường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Trường.
Hiện Nhà trường đang triển khai thực hiện 06 đề tài cấp Nhà nước, 156 đề tài cấp ĐHQG (gồm cả đề tài loại đặc biệt, trọng điểm), 123 đề tài cấp cơ sở với số kinh phí lên đến 20,6 tỉ đồng.
Đã tổ chức 100 hội thảo, trong đó 34 hội thảo quốc tế.
Công tác nghiên cứu khoa học đã thực hiện tốt các nhiệm vụ và định hướng chiến lược đề ra. Quy mô các đề tài nghiên cứu và nguồn kinh phí đã gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước năm 2006. Các sản phẩm nghiên cứu đã phục vụ tích cực yêu cầu của xã hội, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường. Phần lớn các chuyên khảo, giáo trình môn học mới đã được xây dựng từ các kết quả nghiên cứu đề tài các cấp.
Nhiều hội thảo, đặc biệt là hội thảo quốc tế được tổ chức thành công, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần khẳng định vị thế của trường trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Số đề tài nghiên cứu trong 5 năm qua tăng hơn so với thời gian trước. Đặc biệt, giai đoạn 2007 đến nay, Nhà trường đã và đang triển khai 06 đề tài cấp nhà nước.
2286 lượt SV tham gia NCKH;
394 sinh viên đoạt giải cấp trường
32 sinh viên đoạt giải cấp bộ
Việc tổ chức hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên thực sự góp phần gắn kết đào tạo với nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo. Hoạt động khoa học của sinh viên tăng về số lượng và chất lượng. Nhiều công trình NCKHSV đạt giải thưởng cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường nhiều năm liền nhận danh hiệu là đơn vị có thành tích xuất sắc trong NCKHSV.
Đơn vị hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu năm 2009
Hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế của Trường đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, bổ sung thêm nguồn tài chính của trường; đồng thời, đã quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín và vị thế của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn ở trong và ngoài nước. Trong bốn năm qua, nhà trường đã kí mới và kí lại 83 văn bản hợp tác với 80 trường đại học và viện nghiên cứu; tổ chức liên kết đào tạo chương trình cử nhân 2+2, 3+1 với một số trường đại học của Trung Quốc và 3 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ với trường Đại học Toulouse II của Pháp.
Hiện đang có gần 300 sinh viên thuộc các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang theo học tại trường (có 2636 lượt sinh viên nước ngoài đến học tập tại trường trong 4 năm gần đây).
Nhà trường vinh dự nhận danh hiện Đơn vị hoạt động đối ngoại tiêu biểu năm 2009. GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường - được nhận danh hiệu Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu năm 2009. Giải thưởng do Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Đài TNVN, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam... phối hợp tổ chức và bình chọn.
Là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của ĐHQGHN
Trong nhiệm kì 2006-2010, Đảng uỷ tập trung chỉ đạo nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi bộ, tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới, nhất là trong sinh viên, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Từ 2007 đến 2009, Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; các năm 2008 và 2009 đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
100% chi bộ đạt danh hiệu chi bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 85% đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh.
100% đảng viên trong toàn Đảng bộ được đánh giá là đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 15% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác phát triển Đảng vượt chỉ tiêu kế hoạch 44 % (231 đảng viên mới, trong đó có 157 đảng viên là sinh viên).