Ngôn ngữ
* PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN): Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam cũng đồng thời là thách thức đối với nền hòa bình, an ninh chung của các quốc gia Đông Nam Á
(Ý kiến đăng tải trên báo Hànộimới ngày 14/5/2014)
Trong những ngày qua nhân dân cả nước, bà con Việt kiều ở nước ngoài và dư luận quốc tế rất quan tâm đến việc Trung Quốc đơn phương di chuyển, đặt hạ giàn khoan Haiyang Shiyou (HD-981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với tư cách một người nghiên cứu về biển, tôi thấy đây là một hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Việt Nam và một số quốc gia khu vực, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và cũng là hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông mà năm 2002 Trung Quốc đã tham gia ký kết với các quốc gia ASEAN. Hành động cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đe dọa trực tiếp đến nền hòa bình, an ninh khu vực, đến việc xây dựng, củng cố lòng tin giữa các quốc gia Đông Á cũng như việc bảo đảm môi trường an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Với tư cách là thành viên gắn bó, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và đang cố gắng kiềm chế, chủ trương giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần chuẩn bị những khả năng và sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền của Tổ quốc trên cơ sở công pháp quốc tế. Tôi cũng tán thành đề nghị của một số nhà nghiên cứu, luật gia,... là nếu cần chúng ta có thể đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để giải quyết. Năm 2011, Trung Quốc đã từng cho tàu xâm lấn, cắt cáp các tàu thăm dò, nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Gần đây họ cũng gây ra nhiều xung đột về chủ quyền trên biển với các nước trong khu vực. Tôi nghĩ, nếu như những xung đột đó tiếp tục mở rộng, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tình hình ổn định, an ninh khu vực. Vì thế, tôi rất hoan nghênh tinh thần, ý thức về cộng đồng trách nhiệm của các vị lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong tuyên bố vừa qua tại Myanmar. Lãnh đạo và nhân dân các nước ASEAN luôn nhận thức rõ, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam cũng đồng thời là thách thức đối với nền hòa bình, an ninh chung của các quốc gia Đông Nam Á. Các nước ASEAN không thể hướng tới xây dựng một cộng đồng hòa bình, phát triển ổn định nếu luôn phải đối diện với những thách thức chính trị như hiện nay.
* TS Bùi Chí Trung (Khoa Báo chí và truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN): Khẳng định trách nhiệm trong cộng đồng
(Ý kiến đăng tải trên Báo Hànnộimới ngày 12/5/2014)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 11-5 - tuy ngắn gọn nhưng đã nêu bật được chính sách rõ ràng, nhất quán trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo cũng như đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nội dung bài phát biểu toát lên sức mạnh của phía chính nghĩa, vì thế sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ bạn bè quốc tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng.
Trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã chỉ rõ mối đe dọa nghiêm trọng trong các hành động đơn phương nguy hiểm của phía Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam mà ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các quốc gia ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đó thực sự là thách thức đối với ASEAN trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Thách thức đó đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết và nỗ lực hành động chung. Chỉ rõ những mối nguy hiểm cùng với việc chia sẻ những việc cần làm, Việt Nam đã khẳng định vị thế và thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng, luôn phấn đấu vì một môi trường hợp tác hữu nghị, bình đẳng, hòa bình…
* PGS.TS Hoàng Khắc Nam (Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN): Chúng ta cần kiên trì, kiên nhẫn và kiên quyết
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta là một bước tiếp theo trong chiến lược Biển Đông đã có từ lâu của Trung Quốc. Đó là chiến lược mà tôi tạm gọi là “khai thác thực tế, tiến tới kiểm soát thực tế Biển Đông”. Phương tiện mà Trung Quốc sử dụng chủ yếu là những ưu thế sức mạnh của một nước lớn so với các nước Đông Nam Á. Khi đạt được chiến lược này, Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa bên ngoài Biển Đông để thực hiện các mục tiêu khác của một cường quốc biển trong sự tranh giành với những cường quốc khác.
Và như thế, chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng tại đó và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta sẽ còn lâu dài. Cuộc đấu tranh này không chỉ trên biển mà còn cả trên đất liền, không chỉ giữa hai nước mà còn cả trên phạm vi quốc tế.Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cần kiên trì, kiên nhẫn và kiên quyết. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải tránh bị động, manh động và bị kích động. Trong cuộc đấu tranh này, sự ủng hộ quốc tế là quan trọng nhưng không phải là cứu cánh. Chúng ta sẽ phải dựa vào sức mình là chính. Và sức mạnh của chúng ta chỉ có được trên sự đoàn kết của cả đất nước, cả dân tộc cùng với những chính sách đúng đắn.
Cách suy nghĩ và hành động của Trung Quốc là theo tinh thần của Chủ nghĩa Hiện thực. Điều này đang gây nguy hiểm cho cả khu vực và không có lợi cho chính Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, hòa bình là trọng, hữu nghị là cần thiết. Tôi tin là Việt Nam chúng ta sẽ giải quyết vấn đề theo những hướng này.
Tác giả: ussh (tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn