Ngôn ngữ
Các tân binh vốn là sinh viên của một số trường đại học đang sơ tán ở vùng tả ngạn sông Hồng (như Kinh tế kế hoạch, Nông nghiệp, Bách Khoa,…) và cán bộ công nhân viên của một số cơ quan ở Hà Bắc (như Xí nghiệp May 10, Nhà máy phân đạm Hà Bắc,…) đã được tập trung lập thành 1 tiểu đoàn có phiên hiệu là D495, thuộc E568, Quân khu Tả Ngạn. Nơi huấn luyện tân binh của tiểu đoàn này là vùng Đồi Ngô, Mai Siu, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Chúng tôi thường gọi đơn vị của mình là “Tiểu đoàn sinh viên”, là “Đại đội Tổng hợp”, “Đại đội Bách khoa”, “Đại đội Nông nghiệp”,…, gọi nơi huấn luyện là “Maisiugrát”.
“Đại đội Tổng hợp” (C2) có khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ, trong đó các sinh viên khoa Hóa, khoa Sinh, khoa Địa, khoa Văn, khoa Toán được biên chế vào các Trung đội 1, 2, 3. Trong 8 sinh viên Khoa Lịch sử có 5 người thuộc Trung đội 4 (B4), trong đó Đặng Công Nga, Nguyễn Đình Lê ở tiểu đội 10, Ngô Đăng Tri ở tiểu đội 11, Ngô Ngọc Thắng, Lê Tất Vinh ở tiểu đội 12. Trung đội 4 có hơn 40 chiến sĩ, đa số là sinh viên mặc áo lính, gốc gác từ khoa Lịch sử, khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hay từ khoa Vật giá của trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, một số ít là công nhân Xí nghiệp May 10, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc…
Sau 3 tháng huấn luyện các thao tác cơ bản mà người lính bộ binh cần có để chiến đấu, cuối tháng 12/1972, chúng tôi lên đường vào chiến trường, gọi chung là đi B (miền Nam). Trừ một người là Nguyễn Chiều được cử ở lại học lớp tiểu đội trưởng, 7 người còn lại đều được đổi quân tư trang, lấy màn tuyn, quần áo Tô châu, mũ cối, thắt lưng, dép cao su mới và khẩn trương rời căn cứ huấn luyện hành quân vào mặt trận.
Cả tiểu đoàn hành quân bộ rời Lục Nam, vượt Yên Tử, sang Hải Dương, về Thường Tìn. Tại đây, Tiểu đoàn 495 nhập vào đường dây đi B của hậu phương lớn miền Bắc, có phiên hiệu mới là Đoàn 2004. Đoàn 2004 cùng với nhiều đoàn (tiểu đoàn) khác của miền Bắc hành quân trong đội hình các đơn vị đi bổ sung cho chiến trường phía nam, dưới sự điều hành của các binh trạm thuộc Bộ Quốc phòng.
Đoàn 2004, lên tàu hỏa tại ga Thường Tín vào Nam Định, rồi đi ô tô vào Thanh Hóa, Nghệ An. Đều phải đi vào ban đêm để tránh sự đánh phá, ngăn chặn của máy bay Mỹ, dù vậy cũng mấy lần suýt bị thương vong của B52. Đến Hà Tĩnh, chúng tôi được lệnh khẩn trương vào miền Nam trước khi có Hiệp định Paris. Ô tô đưa chúng tôi vượt Đèo Ngang vào Quảng Bình, lên sàlan do ca nô kéo ngược sông Gianh, lên Phong Nha - Kẻ Bàng rồi hành quân bộ sang Lào, để theo đường Trường Sơn Tây vào phía Nam vĩ tuyến 17...
Từ trái qua phải: Ngô Ngọc Thắng (K15, sau là PGS.TS, Giám đốc HVCT Khu vực 1), Nguyễn Đình Lê (K14, sau là PGS.TS, Chủ nhiệm Bộ môn LSVN cận hiện đại, Khoa LS), Lê Tất Vinh (K16, sau là Giám đốc Sở VHTT Tp Hải Phòng), Ngô Đăng Tri (K15, sau là PGS.TS, P.Chủ nhiệm Khoa LS), Đặng Công Nga (K13, sau là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình)
Ngày 27/1/1973, khi đã ở đất Lào, thuộc đường Trường Sơn Tây, thì Hiệp định Paris được ký kết. Cán bộ khung của D495, đa số là cấp trưởng, từ trung đội đến tiểu đoàn, được lệnh quay trở lại miền Bắc để huấn luyện đợt tân binh khác, cấp phó lên thay, chỉ huy đơn vị tiếp tục hành quân.
Từ tháng 2/1973, sau khi có Hiệp đinh Paris, đúng như lời ca “đường ra trận mùa này đẹp lắm; Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn”, “Ta sẽ đến nơi đâu còn giắc; ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên”, không chỉ có đoàn 2004 mà hàng chục đoàn khác, với hàng vạn cán bộ chiến sĩ trẻ khỏe, tinh thần hăng hái, vũ khí nhẹ nhàng (vũ khí nặng, lương thực đều do ô tô vận chuyển là chính) đã nhộn nhịp nối chân nhau vào mặt trận. Cùng với bộ đội là nhiều đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và cán bộ dân chính, các đoàn văn công, phóng viên chiến trường,… cũng tấp nập vào miền Nam.
Khi ở Đông Trường Sơn, trời mưa phùn, ẩm ướt, gió lạnh, còn sang đến Tây Trường Sơn lại là mùa khô, nắng nóng, không có giọt mưa nào. Không chỉ cảm nhận được về thời tiết mà lý thú hơn là chúng tôi có thêm nhiều tri thức mới về cảnh sắc và con người của đất nước “Triệu Voi”, điều đã từng học lúc còn là sinh viên khoa Lịch sử, biết được cuộc sống du canh, du cư, các khu mộ táng của dân tộc Lào. Anh Đặng Công Nga, vốn là sinh viên khảo cổ học, còn nhặt được mấy cái rìu đá khi đi đường, ở Lào…
Dọc đường Trường Sơn Tây, cung đoạn hành quân theo lộ trình binh trạm, đặt tên theo thứ tự từ Bắc vào hết đất Lào như: T1, T2,…T79, T90,…do Đoàn 559 trực tiếp điều hành, bảo đảm hậu cần. Mỗi ngày các lực lượng đi từ trạm ngoài vào trạm trong, độ 20- 30 cây số, qua núi cao, vực thẳm, đá tai mèo hiểm trở và vẫn bị máy bay, biệt kích địch đáng phá, ngăn chặn. Nhiều đoạn, công binh của Đoàn 559 phải làm thang gỗ cho bộ đội lên, xuống các đỉnh núi dốc dựng đứng, làm tay vịn để men theo vách núi cheo leo, hoặc bắc cầu treo bằng dây mây để qua sông, suối. Có lúc bộ đội phải chạy liên tục tránh máy bay hay quân địch đánh chặn như khi vượt đường số 9, vượt sông Xe Bang Hiêng, sông Xê Công,…
Sau một chặng hành quân, khi đến binh trạm mới bộ đội dừng lại, tản ra hai bên đường giao liên, tìm nơi có nước, đào hầm phòng tránh, mắc võng nghỉ, tự nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, với gạo mang theo, thực phầm là muối, rau rừng, mì chính. Độ 7 ngày hành quân, đơn vị được dừng lại nghỉ 2- 3 ngày để bổ sung gạo, muối và có thể có rau xanh hay thịt lớn, do các binh trạm sản xuất được, cấp phát. Ai ôm đau (chủ yếu là sốt rét), được gửi vào trạm xá của các binh trạm, khi khỏi bệnh lại đuổi theo đơn vị.
Thương bệnh binh và cán bộ, học sinh miền Nam ra miền Bắc an dưỡng, điều trị hay học tập cũng đi theo các cung đoạn của binh trạm hướng Nam- Bắc. Đầu năm 1973, phái đoàn của Hoàng thân Nôrôđôm Xihanúc và phu nhân đi thăm vùng giải phóng Campuchia cũng đi theo đường Trường Sơn Tây và được bảo đảm an toàn cả lúc vào, lúc ra.
Do đường hành quân của bộ đội theo đường chim bay, còn ô tô đi đường quanh co theo địa hình rừng núi, sông suối, nên nơi dừng chân của bộ đội thường xa đường vận tải của ô tô, do đó bộ đội thường phải cắt cử nhau đi lấy gạo ở các kho khá xa, khá nguy hiểm. Các kho của các binh trạm chỉ có vài ba chiến sĩ canh giữ, trong khi có nhiều dãy kho lán chứa hàng chục tấn gạo, muối, vũ khí, nên dễ xẩy ra tình trạng bộ đội hay lấy thêm gạo ngoài tiêu chuẩn, mà gác kho không ngăn chặn được (chúng tôi gọi là “lính mổ”). Thực phẩm quá khan hiếm, măng tre, là cây chua,… cũng bị đơn vị đi trước lấy hết, nên có lúc bộ đội tự ý dùng lựu đạn, bộc phá hay dùng súng bắn cá để “cải thiện”.
Là lính sinh viên, chúng tôi có một số đặc tính riêng, như vẫn mang theo sách từ điển tiếng Nga, tiếng Anh để học ngoại ngữ, hoặc mang theo đàn gita để ca hát lúc có điều kiện. Cả đại đội chỉ có 1 chiếc đài ôriôngtông của chính trị viên, không có chiếc máy ảnh hay tờ báo nào.
Nhật ký là hình thức lưu giữ quá khứ được một số người sử dụng, dù có lúc bị ngắt quẵng và rất sơ lược. Trong trung đội 4, có anh Hoàng Văn Duệ (A12, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kế hoạch), là người ghi chép nhật ký cẩn thận và đầy đủ nhất và Ngô Đăng Tri (người được kết nạp Đảng đầu tiên của “Đại đội Tổng hợp”) cũng khá chú ý về việc này. Hiện Ngô Đăng Tri vẫn lưu giữ được 2 tập nhật ký chiến trường mang tên “Những ngày cấm súng (1973- 1974)” và “Con đường phương Nam (1974- 1975)”, ghi lại khá đầy đủ những ngày trong quân ngũ, nhất là thời kỳ ở chiến trường Campuchia, Tây Ninh, Quảng Đức, Mỹ Tho,…
Vốn là những sinh viên của Khoa Lịch sử, một khoa hay tổ chức các cuộc “Hội Khoa”, có truyền thống gắn kết rất mật thiết giữa thầy và trò, giữa các khóa với nhau, lại cùng hành quân trên đường đi B, những người lính chúng tôi và các anh chị phóng viên (vào miền Nam để bổ sung cho các phân xã của Thông tấn xã Giải phóng) thường hay tìm gặp, tham hỏi, động viên nhau.
Trên đường Trường Sơn Tây, khi đến khu vực “Ngã 3 Đông Dương” (vùng giáp ranh giữa tỉnh Công Tum của Việt Nam, tỉnh Atôpơ của Lào và tỉnh Crachiê của Campuchia), các đoàn đều phải dừng lại một thời gian để cấp trên quyết định xem đơn vị nào sẽ bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên (B3) hay vào Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (B2), hoặc ở lại Lào (chiến trường C), hay đi Campuchia (chiến trường K), nên cả bộ đội chủ lực và các đoàn dân chính đều có thời gian nghỉ khá lâu, có thể tìm gặp đồng hương, đồng nghiệp, đồng khoa,,,, để hội ngộ.
Trung tuần tháng 3/1973, tại Binh trạm 79 (Atôpơ, cuối Cao nguyên Bô Lô Ven) vùng “Ngã 3 Biên giới”, chúng tôi đã có cuộc “Hội Khoa Lịch sử trên đỉnh Trường Sơn”, ôn lại chuyện thời còn là sinh viên của Khoa. Chuyện thầy trò, bè bạn, trường lớp được mọi người kẻ lại cho nhau nghe với những kỷ niệm tốt đẹp, tự hào, lúc ở ký túc xá Mễ Trì hay lúc sơ tán, lúc đi đắp đê,…và mong ước ngày trở về. Cuộc Hội khoa đã diễn ra đầm ấm mà vui vẻ, với nhúm trà pha trong ăng gô, điều thuốc cuộn và bữa cơm có ít cá đánh bắt được cùng măng tre, rau rừng...
Bức ảnh “5 chiến sĩ”, hay “5 sinh viên Khoa Lịch sử” đăng kèm với đoạn hồi ức này của chúng tôi là do anh Cao Phong (sinh viên K13, Khoa Lịch sử, tốt nghiệp đại học năm 1971) trong đoàn phóng viên đi bổ sung cho cơ quan Thông tấn xã Giải phóng, chụp được tại cuộc Hội khoa đó. Thật may mắn cho chúng tôi, một khoảng khắc hiếm hoi của đời lính - sinh viên đã được ghi lại và sau chiến tranh cả người chụp ảnh và người trong ảnh đều còn sống.
Cần nói thêm là đoàn cán bộ dân chính cùng hành quân đợt đó có lúc được đi ô tô, đã hy sinh mất mấy người trên đất Lào do tai nạn đổ xe, trong đó có 2 phóng viên vốn là sinh viên Khoa Lịch sử. Còn các chiến sĩ - sinh viên của “Đại đội Tổng hợp” chúng tôi cũng hy sinh mất gần chục người. Riêng “Đại đội Bách khoa” chỉ trong một trận ném bom của máy bay địch (tại Cà Tum, Tây Ninh) trưa ngày 3/10/1973, đã có 12 chiến sĩ bị hy sinh cùng một lúc….
Những người trong bức ảnh “5 sinh viên Khoa Lịch sử” ở Ngã Ba Đông Dương, tháng 3/1973, kể từ trái qua phải là: Ngô Ngọc Thắng (K15, quê Hà Nam; Nguyễn Đình Lê (K14, quê Hà Tĩnh); Lê Tất Vinh (K16, quê Hải Phòng); Ngô Đăng Tri (K15, quê Hà Tĩnh); Đặng Công Nga (K13, quê Nghệ An). Người chụp ảnh là Cao Phong (K13, vừa tốt nghiệp, trong đoàn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đi chiến trường tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng). Các sinh viên chiến sĩ thì lỉnh kỉnh súng đạn, còn Cao Phong thì lặc lè ba lô phim ảnh và 4-5 chiếc máy ảnh các loại đeo trên cổ. Họ đều đang ở độ tuổi 20, trẻ trung, lạc quan, luôn tự hào là sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Sau lần Hội khoa đó, “5 sinh viên Khoa Lịch sử” chúng tôi cùng đơn vị lên ca nô, theo sông Xê Xan xuống tỉnh Crache thuộc Đông Bắc Campuchia, rồi theo sông Mê Kông xuống tỉnh Công Phông Chàm. Điều hấp dẫn nhất đối với chúng tôi khi ở Campuchia là được khám phá thêm đất nước và cuộc sống của người dân theo Phật giáo tiểu thừa, những cây thốt nốt, vườn xoài… của xứ “Chùa Tháp” đã từng được nghe nói lúc còn ở Khoa Lịch sử. Chúng tôi cũng hiểu rõ hơn thái độ “hai mặt” của Khơme đỏ đối với Việt Nam.
Từ đất Campuchia, các binh trạm hành quân do Đoàn 470 thuộc Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam điều hành, bảo đảm hậu cần. Ký hiệu các binh trạm Giải phóng gọi là A1, A2, A3…hoặc K1, K2, K3… theo hướng từ Bắc vào Nam. Bộ đội được cấp gạo, cá kho thường xuyên hơn, có phụ cấp bằng tiền Ria để mua thuốc lá cuốn sợi vàng, trà gói, thuốc đánh răng,… (cán bộ đại đội còn góp lại mua được rađiô,…). Nhưng khác lúc ở đất Lào là chúng tôi phải chịu nhiều trận bom B52 của Mỹ và luôn phải cảnh giác với sự quấy nghiều của lính Khơme đỏ.
Khoảng ba tháng trên đất Campuchia, dừng chân lâu nhất là tại vùng Sở 3 huyện Xi Cận Đan, tỉnh Công Phông Chàm (có nhiều rừng cao su, rừng chuối), ngày 6-7-1973, trong tiết trời mùa mưa, đường trơn bết bát, “5 sinh viên Khoa Lịch sử” và cả Đoàn 2004 đi qua cửa khẩu Mi Mốt, đặt chân đến vùng Cà Tum, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi đứng chân của Trung ương cục và Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam (mật danh là R).
Cuộc hành quân đi B của chúng tôi cơ bản kết thúc thắng lợi. Từ đây, chúng tôi chuyển sang giai đoạn xây dựng căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng, chuẩn bị bổ sung đến đơn vị chiến đấu thuộc chiến trường B2.
Trên thực tế, từ cuối tháng 11/1973, đơn vị chúng tôi, trong đó có “5 sinh viên Khoa Lịch sử” được chuyển bằng ô tô ngược ra phía Tây Bắc, qua Đồng Xoài, Bù Gia Mập. lên tỉnh Quảng Đức, sát với tỉnh Đắk Lăk của B3. bổ sung cho C22, thuộc E271, Đoàn 95, quân chủ lực Đông Nam Bộ (các cán bộ từ đại đội trở lên lại quay ra miền Bắc để dẫn các đoàn khác vao chiến trường). Chúng tôi đã tham gia chiến đấu giải phóng và bảo vệ vùng Bù Bông, Tuy Đức, khai thông đường 14 đoạn Đức Lập, Tuy Đức, Nhân Cơ …
Cũng từ đó, đường vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ chủ yếu lật cánh sang đường Trường Sơn Đông (trên đất Việt Nam), báo hiệu một thời kỳ phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuối năm 1974, Đoàn 95 (E271) được bổ sung quân số từ miền Bắc vào, chia thành 2 trung đoàn là E271 và E172. Theo đó, C22 cũng chia thành hai bộ phận thuộc 2 Trung đoàn chủ lực khác nhau. “5 sinh viên Khoa Lịch sử” cũng do đó mà không còn ở trong 1 đại đội nữa.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, các chiến sĩ Nguyễn Đình Lê, Lê Tất Vinh thuộc E271, trong đội hình của Quân đoàn 4, tham gia chiến đấu giải phóng Thị xã Phướng Long, rồi Tây Ninh, Hậu Nghĩa,… Các chiến sĩ Ngô Đăng Tri, Đặng Công Nga, Ngô Ngọc Thắng thuộc E172 tham gia chiến đấu giải phóng Thị xã Gia Nghĩa (Quảng Đức), rồi Mỹ Tho, Long An,…
Dù thuộc 2 trung đoàn khác nhau, song do cùng đơn vị cũ nên hai trung đoàn nói chung và số sinh viên chúng tôi nói riêng vẫn thường tìm cách liên lạc với nhau. Cuộc hội ngộ đáng nhớ nhất là khi 2 Trung đoàn đều tham gia đánh địch ở vùng Kênh Nguyễn Văn Tiếp (Long An), tháng 4/1975. Chỉ tiếc là không thể tổ chức “Hội khoa” được đông đủ, vì bị pháo địch bắn phá dữ dội và chiến trường phát triển quá nhanh, phải vội vàng đi theo hai hướng khác nhau….
Cuộc chiến tranh vệ quốc, giải phóng dân tộc của người Việt Nam thời hiện đại đã diễn ra dài lâu và oanh liệt, song cũng nhiều hy sinh, tổn thất. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các giáo viên, sinh viên Khoa Lịch sử lên đường ra trận có gần 50 người, một số đã hy sinh, như Anh hùng liệt sĩ Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân), liệt sĩ Ngô Văn Sở,… Riêng Khóa 15, có 14 người nhập ngũ thì 5 người hy sinh tại mặt trận, là các liệt sĩ Trần Anh Tuấn (Hà Nội), Lê Văn Doan (Thanh Hóa), Phạm Văn Tài (Nghệ An), Nguyễn Văn Toản (Phú Thọ), Nguyễn Văn Tâm (Quảng Bình),…
Theo chủ trương chung, sau ngày chiến tranh kết thúc, “5 sinh viên Khoa Lịch sử” đều được trở về Khoa Lịch sử tiếp tục học tập. Những sự phấn đấu và trưởng thành của “5 sinh viên Khoa Lịch sử” năm xưa trong chặng đường mới khá thành đạt và đáng trân trọng. Ngô Ngọc Thắng trở thành PGS.TS, Giám đốc Học viện chính trị Khu vực 1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Đình Lê là PGS.TS, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Lê Tất Vinh là Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng; Ngô Đăng Tri là PGS.TS.NGƯT, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; Đặng Công Nga là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Người chụp ảnh Nguyễn Cao Phong về sau là cán bộ tuyên huấn của Bộ Công nghiệp nhẹ.
Ký ức chiến tranh, tư liệu kháng chiến có rất nhiều, nhưng sự lãng quên, mất mát, thất lạc cũng rất lớn. Bức ảnh “5 SINH VIÊN KHOA LỊCH SỬ” trên đỉnh Atôpơ, ngã Ba Đông Dương, tháng 3/1973 là do một phóng viên chiến trường cũng là cựu sinh viên Khoa Lịch sử chụp và lưu giữ được.
Đã 45 năm trôi qua (3/1973-3/2018), tuy không có gì đặc biệt, nhưng bức ảnh đã ghi lại được một sự kiện có thực: “Hội Khoa Lịch sử trên đường Trường Sơn”, một tư liệu lịch sử hy hữu, được những người trong cuộc trân trọng, hồi tưởng như là một khoảng khắc đáng nhớ trong cuộc đời chiến đấu thời trai trẻ của những người lính - sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHTH HN năm xưa. “Từ mái trường ra chiến trường rồi trở lại mái trường”, đối với họ là những năm tháng không thể nào quên. Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN (tiền thân là ĐHTHHN) có nhiều tư liệu quý mà bức ảnh “5 chiến sĩ” nói trên có thể coi là một trong những tư liệu như vậy.
Tác giả: Ngô Đăng Tri, Nguyễn Đình Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn