Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo:
- Về phía Đài Loan có: ông Trần Xuân Yên – Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội; ông Hoàng Doãn Trung – Phó Tham tán Chính trị Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam; TS. Lâm Quốc Chương, Giám đốc Bảo tàng Tôn Trung Sơn, Đài Loan; cùng các học giả, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ quan nhà nước tại Đài Loan, Trung Quốc;
- Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS. TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; GS. TS Nguyễn Văn Kim – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS. TS Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo ĐHQGHN; TS. Nguyễn Thọ Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; cùng đại diện lãnh đạo các khoa, bộ môn, trung tâm nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên thuộc Nhà trường.
Tôn Trung Sơn tức Tôn Dật Tiên (12/11/1866 – 12/3/1925) là một nhà dân chủ, một nhân vật hàng đầu trong lịch sử cận-hiện đại Trung Quốc. Năm 1905, ông đề ra chủ nghĩa Tâm dân, đông thời thành lập tổ chức Trung Quốc Đồng minh hội cách mạng để cổ động cho chủ nghĩa Tam dân và tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chống lại triều Thanh. Năm 1911, ông lãnh đạo thành công Cách mạng Tân Hợi, mở ra thời đại mới cho cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc. Với tác động sâu sắc, chủ nghĩa Tam dân của ông là kinh nghiệm cách mạng quý báu cho các nước bị áp bức dân tộc trên thế giới tham khảo để tiến hành giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam. Chẳng hạn, có thể thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa Tam dân trong mục đích và cương lĩnh hành động của một số tổ chức yêu nước Việt Nam như Việt Nam Quang phục hội và Việt Nam Quốc dân đảng. Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng Việt Nam và Tôn Trung Sơn” được tổ chức chính là nhằm đánh giá chi tiết những ảnh hưởng tư tưởng của ông với Cách mạng Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh, chủ đề hội thảo có tầm quan trọng lớn với không chỉ giới học giả mà còn những người dân bình thường ở Việt Nam. Bởi lẽ, những điều cốt yếu với dân tộc Việt Nam như “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” cũng có sự tương đồng với tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn. Hiệu trưởng hy vọng, tại hội thảo này, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ đem lại những góc nhìn mới về Tôn Trung Sơn để bổ sung cho những nghiên cứu đã có tại Việt Nam. Sự thành công của hội thảo cũng góp phần vào quan hệ giữa Trường ĐHKHXH&NV-Bảo tàng Tôn Trung Sơn nói riêng và giữa Việt Nam-Đài Loan nói chung.
GS. TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Đáp lại, TS. Lâm Quốc Chương (Giám đốc Bảo tàng Tôn Trung Sơn) gửi lời cảm ơn tới Trường ĐHKHXH&NV đã tạo điều kiện để các giáo sư, học giả, nhà khoa học Trung Quốc tham dự hội thảo lần này. Ông tán thành với quan điểm của GS. TS Phạm Quang Minh về sự tương đồng giữa tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chủ tịch và tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn. Ông hy vọng, hội thảo sẽ tiếp nối tinh thần đó qua việc thắt chặt sự giao lưu, trao đổi và tinh thần hữu nghị trong quan hệ giữa hai nước, chứ không chỉ dừng lại ở góc độ khoa học.
TS. Lâm Quốc Chương phát biểu tại hội thảo
GS. TS Phạm Quang Minh trao đổi quà lưu niệm với TS. Lâm Quốc Chương
GS. TS Phạm Quang Minh, GS. TS Nguyễn Văn Khánh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội thảo
Sau phần khai mạc, hội thảo được chia thành 2 phiên:
Phiên 1 do GS. TS Nguyễn Văn Khánh và GS. TS Lưu A Vinh (Đại học Nguyên Trí, Đài Loan) chủ trì, gồm các tham luận như “Ảnh hưởng của tư tưởng Tôn Trung sơn đối với các tổ chức yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX” của GS. TS Nguyễn Văn Khánh, “Việt Nam trong nhận thức của Tôn Trung Sơn – thảo luận lấy ngôn luận làm trung tâm” của GS. Lưu Duy Khai (Khoa Lịch sử học, Đại học Chính trị, Đài Loan), “Nghiên cứu cách mạng Tân Hợi và Tôn Trung Sơn hơn một thế quả tại Việt Nam” của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam).
Phiên 2 do GS. TS Nguyễn Văn Kim và TS. Hứa Văn Đường (Sở Nghiên cứu Lịch sử cận đại, Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan) chủ trì, gồm các tham luận như “Sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn tại Việt Nam” của ông Vương Văn Long (Chủ nhiệm Đảng Sử quán, Trung Quốc Quốc dân đảng), “Tác động, ảnh hưởng của chủ nghĩa Dân quyền của Tôn Trung Sơn đến quá trình chuyển biến tư tưởng của một số nhà nho duy tân đầu thế kỷ XX ở Việt Nam” của TS. Trần Thị Hạnh (Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV).
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn