Ngôn ngữ
PGS.TS Lâm Bá Nam (ĐH KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội) - Chủ nhiệm đề tài - phát biểu - Ảnh: Mạnh Khang
Tọa đàm là buổi gặp gỡ, trao đổi ý kiến giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM. Mục tiêu của tọa đàm là nhận diện vấn đề và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện dân chủ và quyền các dân tộc thiểu số trong bối cảnh phát triển của khu vực Đông Nam Á hiện nay (trong đó có Việt Nam).
Những ý kiến được các nhà khoa học chia sẻ tại tọa đàm là cơ sở để nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội thực hiện đề tài cấp nhà nước “Một số vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc thiểu số ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và những tác động đến Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Tham dự tọa đàm, về phía Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội có PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ nhiệm đề tài - và TS Nguyễn Văn Chiêu - Phó Chủ nhiệm đề tài. Về phía trường ĐH KHXH&NV có GS.TS.NGND Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng; TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng. Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các thầy cô hiện đang làm công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu trong và ngoài trường.
PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học tại ĐH Côn Minh (Trung Quốc); đã khảo sát các địa bàn trên toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, tại miền Trung chúng tôi đã khảo sát, đánh giá tại Kon Tum. Hiện tại, chúng tôi muốn nghe ý kiến từ các nhà khoa học tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM”.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, nhóm nghiên cứu mong muốn tìm hiểu thêm những vấn đề liên quan tới chính sách của các quốc gia láng giềng về dân tộc thiểu số và sự tác động của các chính sách này tới vấn đề dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
“Ngoài ra, chúng tôi hy vọng được các nhà khoa học chia sẻ thêm trong tình hình hiện nay thì các vấn đề cơ bản, cấp bách của dân tộc thiểu số ở khu vực Nam bộ là gì, vì từng vùng miền sẽ có sự khác biệt. Đồng thời, dự báo khuynh hướng phát triển của những vấn đề này trong tương lai”, ông Nam lưu ý.
Tại tọa đàm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết theo nhiều nghiên cứu của ông, khu vực nào ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Kito giáo, Hồi giáo, phương Tây là khu vực “âm tính nặng” - rất thụ động. Đó là lý do vì sao có những dân tộc thiểu số tại vùng núi non hẻo lánh, cứ thấy người ngoại lai là họ lại rút sâu vào rừng. "Vấn đề cần làm là chúng ta phải giúp các dân tộc thiểu số “dương tính hơn” - chủ động hơn trong cuộc sống" - GS cho biết.
Trong khi đó, GS.TS.NGND Ngô Văn Lệ nêu quan điểm muốn có sự bình đẳng cho các dân tộc thiểu số thì phải tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp. GS cho rằng mọi vấn đề ở Việt Nam đều đang được nhìn qua lăng kính của dân tộc đa số (tức là người Việt), vì vậy một số chính sách, chủ trương đôi khi còn chưa phù hợp với người dân tộc.
Theo PGS.TS Thành Phần - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, điều đầu tiên là phải làm rõ khái niệm dân tộc thiểu số là gì, vì hiện nay khái niệm này mang tính áp đặt rất nhiều. PGS cho rằng trong dân tộc thiểu số có 2 khái niệm lớn cần giải quyết là dân tộc thiểu số mới đến và dân tộc thiểu số tại chỗ (bản địa). Sự xung đột về quyền lợi giữa hai nhóm này đang gây ra nhiều vấn đề xã hội cần phải đặt biệt quan tâm.
PGS.TS Lâm Bá Nam chia sẻ thêm, bối cảnh hiện nay đặt ra thêm một vấn đề về mối liên hệ xuyên biên giới, xuyên quốc gia của một dân tộc. Nhiều tộc người tại Việt Nam xuất hiện tại rất nhiều quốc gia. Cộng đồng siêu tộc người xuất hiện ngày càng nhiều.
TS Phạm Tấn Hạ hy vong sẽ có nhiều hội thảo giao lưu chia sẻ giữa các nhà khoa học được tổ chức tại Trường - Ảnh: Mạnh Khang
Phát biểu tại tọa đàm, TS Phạm Tấn Hạ cho biết trong chiến lược phát triển thì Trường ĐH KHXH&NV phấn đấu trở thành trường đại học nghiên cứu trong hệ thống ĐHQG-HCM, thuộc tốp đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Châu Á. Vì vậy, bên cạnh công tác đào tạo, công tác nghiên cứu luôn được Nhà trường quan tâm. Một trong những hoạt động phục vụ công tác nghiên cứu là tổ chức những buổi chia sẻ, tọa đàm của các nhà khoa học.
“Chủ đề của tọa đàm cũng là vấn đề quan tâm của các nhà khoa học, thầy cô tại ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM. Tôi hy vọng buổi tọa đàm sẽ có nhiều ý kiến đóng góp để giúp việc nghiên cứu đề tài gần gũi và thiết thực hơn. Tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi tọa đàm giữa hai trường nói riêng và trong ĐHQG nói chung”, TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ.
Dưới đây là hình ảnh các nhà khoa học phát biểu tại hội thảo:
PGS.TS Thành Phần - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM) phát biểu.
TS Trương Văn Món - Trưởng Bộ môn Nhân học Văn hóa - Xã hội (Khoa Nhân học - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM)
- Ảnh: Mạnh Khang
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Phó Trưởng Khoa Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM) - Ảnh: Mạnh Khang
TS Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM) - Ảnh: Mạnh Khang
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm - Ảnh: Mạnh Khang
Tác giả: Mạng Khang (Trang web ĐHQGTPHCM)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn