Ngày hôm nay, Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Hạnh đã lìa xa cõi tạm!
Những bài viết chan chứa niềm xúc động của các thế hệ đồng nghiệp và học trò mang đến bao thương nhớ về hình ảnh “một nhà giáo nề nếp, mô phạm, nhưng cũng là một người nhân ái trong cái nhìn, trong những suy nghĩ về cuộc đời”.
bet365 football
, Đại học Quốc gia Hà Nội xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của PGS.TS Đào Duy Hiệp về Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Hạnh với những tình cảm trân quý!
Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh/Ảnh: Thành Long
Bà là một nhà giáo nề nếp, mô phạm, nhưng cũng là một người nhân ái trong cái nhìn, trong những suy nghĩ về cuộc đời. Bà viết chậm, nhưng hấp dẫn. Tôi thích những Hồi ức của bà về tuổi thơ, quê hương, về những con người - từ người bán quà rong đến người có tên tuổi. Đó là những trang văn thật hay.
1. Vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước tôi được biết đến cô Đặng Thị Hạnh khi mới được nhận vào công tác ở Bộ môn. Lúc đó gọi là tổ Văn học nước ngoài. Trước đó, bà còn dạy cả ông anh tôi ở Trường phổ thông. Cũng do ông anh tôi mà tôi biết thêm về gia đình bà. Trên cái nền học vấn, tính tình nghiêm túc, thẳng thắn vốn thừa hưởng từ truyền thống gia đình, cộng thêm với sự cẩn thận trong học thuật, bà có một chuyên môn vững vàng, chắc chắn về văn học Pháp.
2. Từ sau khi về hưu, bà ít xuất hiện, ít di chuyển, không phải đến tận bây giờ khi bà đã ở tuổi 85. Mở đầu cuốn Hồi ức Cô bé nhìn mưa, bà viết : “Tôi sinh ở Huế, vào năm rất dễ nhớ, 1930. Nhưng ký ức xa nhất về thời thơ ấu của tôi, nghĩa là về chính bản thân tôi lại được đặt ở một làng quê Nghệ An”. Bà gày gò, trông có vẻ khắc khổ, nhưng thực ra, bà là một nghệ sĩ trong cái nhìn cuộc sống, con người; một tâm hồn dễ cảm thông. Bà rạng rỡ, cười vang, hồn nhiên những lúc có bài in trên báo Văn nghệ hoặc thậm chí ở một tờ Tạp chí mà nghe tên có vẻ xa lạ với văn chương ở tận trong Nam. Cũng dễ hiểu : bởi đó là những đứa con tinh thần được sinh ra từ sự cẩn trọng về học thuật, vốn hiểu biết về đời sống, lặng lẽ thôi, nhưng nhiều xót thương, cảm động. Điều đó chi phối cả giọng văn, ngữ pháp, cách dùng từ của bà. Ai đã từng tiếp xúc với bà đều có thể thấy rằng bà không phải là người hoạt ngôn. Ngược lại, đôi khi hình như ngôn ngữ không theo kịp với dòng suy nghĩ, - những lúc đó bà trở nên vấp váp, nhưng không lộn xộn. Ngồi Hội đồng chấm khoá luận (ngày xưa khi bà còn công tác) hay thỉnh thoảng vài năm trở lại đây, bà có đồng ý nhận đọc phản biện cho một vài luận văn hay luận án, chăm chú nghe, ta cũng học được nhiều điều mà có khi phải đọc hàng tháng, hàng năm mới thu nhận được như thế. Đó là những vấn đề lí thuyết văn học hoặc nhận xét về nghệ thuật của một nhà văn nào đó. Sự vấp váp đó, tôi nghĩ, chính là cái quá phong phú, dồi dào, đôi khi “vô thức” hiện ra ở những câu văn tưởng như sai ngữ pháp. Chữ bà đẹp kiểu cổ, dễ đọc, nhưng đôi khi cũng “uốn lượn”, bay bướm bằng những mũi tên chỉ ra lề ở những chỗ thêm vào do “vấp váp” lúc trước đó chưa kịp sắp xếp ý nghĩ. Và, không như nói, văn của bà khi đã in ra mềm mại mà sắc sảo, nghe âm vang của những trải nghiệm, tri thức, đôi khi khá hóm hỉnh, tươi tắn.
Đặng Thị Hạnh - "Cô bé nhìn mưa" theo thời gian/Ảnh: Thành Long
3. Bà là một nhà giáo nề nếp, mô phạm, nhưng cũng là một người nhân ái trong cái nhìn, trong những suy nghĩ về cuộc đời. Tiếc là bà viết không nhiều. Có lẽ, phần do cả nghĩ, ngại đụng chạm; phần khác nữa, do sức khoẻ. Mắt bà không được tốt, đã phải mổ mấy lần. Bà viết chậm, nhưng hấp dẫn. Tôi thích những Hồi ức của bà về tuổi thơ, quê hương, về những con người, - từ người bán quà rong đến người có tên tuổi. Đó là những trang văn thật hay. Bà và cháu là hồi ức về hai thế giới tuổi thơ cách quãng nhau trên nửa thế kỉ được viết bằng bút pháp hóm hỉnh, trữ tình gần gũi với những sáng tác văn chương. Có một nhà văn nào đó đã nói, “vết ngoạm của thời gian” không buông tha ai. Những chiêm nghiệm trữ tình và triết lí về cuộc đời, về biết bao số phận những người thân cứ mềm mại, nhẹ nhàng như thế qua từng trang hồi ức trong sự phôi pha của thời gian được níu giữ lại bằng những dòng sáng tác thật ám ảnh. Đó là những không gian hồi tưởng về những mộng mơ trong sáng, lành hiền, những kỉ niệm thiết tha. Đi tìm không gian đã mất trong sáng tạo của Đặng Thị Hạnh đã làm thanh tân hoá những phế tích của kỉ niệm mà thời gian đã bào mòn, xoá nhoà ở nhiều người khác. Kỉ niệm đã cho đi và nhận lại trên cái nền của lãng quên, của tro bụi thời gian con người. Và kí ức ở đây, nhiều chất thơ, lại “dường như gần với quên lãng hơn nhiều so với cái được gọi là kỉ niệm”. Nhớ và quên chất chồng... Chỉ còn lại một cái nhìn, một ánh sáng đẹp, trong và buồn. Một lời thơ về những ngày đã mất... Bà không phải là một nhà văn chuyên nghiệp theo nghĩa sáng tác dựa vào hư cấu mà là một nhà “chép sử” dựa trên kí ức của cá nhân, gia đình, dòng tộc. Nhưng cái đẹp chính là ở chất thơ của sự thật, của hiện thực đã nếm trải và chiêm nghiệm.
PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng ngài Đại sứ Cộng hoà Pháp Jean-Noël Poirier và các thầy cô giáo của Trường ĐHKHXH&NV, nhân dịp bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm, tháng 2/2013/ Ảnh: Thành Long
4. Mảng công trình còn lại hôm nay và có lẽ cả sau này của bà, ngoài số lượng không ít về dịch thuật, những bài đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành, là những bài viết trong Giáo trình Lịch sử văn học Pháp, là cuốn chuyên luận Tiểu thuyết Hugo hoặc cuốn Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX, rất hay và sâu sắc. Với Hugo, chúng ta đã từng quen thuộc, nhưng đọc chuyên luận của bà, sự quen thuộc đó trở nên lạ lẫm. Bà phân tích gần như toàn bộ hành trình sáng tạo những tác phẩm văn xuôi quan trọng của nhà văn này. Mỗi tác phẩm của Hugo đều được bà soi chiếu dưới ánh sáng của lí thuyết tự sự, cấu trúc, lật tìm và phát hiện ra những điều thật sự hấp dẫn, thuyết phục. Bà ứng dụng lí thuyết về nhịp, về cấu trúc, người kể chuyện, giọng kể, thời gian, không gian… cho những phân tích rất thuyết phục của mình về các tiểu thuyết của Hugo. Mỗi bài viết đó là một công trình, một sáng tạo từ sự sáng tạo. Như bên cạnh một Nhà thờ Đức Bà bằng đá còn có một Nhà thờ Đức Bà bằng giấy – cuốn tiểu thuyết bất hủ của Hugo.
5. Mỗi cái viết là một đối thoại với mình, với mọi người, với thời đại. Cái còn lại sau một cuộc đời có thể là một khối tài sản lớn, có thể không có gì, có thể có một tước vị thật to, nhưng tôi nghĩ, may mắn hơn cả, là để lại những trang sách hay, mà ở đó, người đến sau sẽ đọc được nỗi niềm, cả những hân hoan, trăn trở, cả niềm vui, nỗi buồn, cả những tri thức từ cuộc đời và sách vở và những đối thoại còn dang dở, dành cho người sau viết tiếp. Trong cuốn hồi ức Bà và cháu của bà có một câu thật thấm thía: “Chỉ bởi vì mọi thứ trên đời này, không loại trừ một cái gì, đều phải thăng trầm theo cùng với Thời gian: cứ như vậy mà gương mặt sự vật trên thế gian này biến đổi, cả trung tâm các vương quốc, cả địa bạ các cơ nghiệp”.
Chỉ còn lại một nỗi nhớ, một tình yêu thương, dường như câu văn nhắc gợi thế.
Tác giả: PGS.TS. Đào Duy Hiệp
* Ban biên tập website xin phép sửa tiêu đề bài viết
PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐẶNG THỊ HẠNH
. Năm sinh: 1930
. Quê quán: Nghệ An
. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội năm 1956
. Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984
. Được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010
. Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hoà Pháp) năm 2013
. Thời gian công tác tại Nhà trường: Từ năm 1965 đến năm 1990
Đơn vị công tác: Bộ môn Văn học nước ngoài, Khoa Văn học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội)
. Các hướng nghiên cứu chính: ứng dụng cách tiếp cận và các kỹ thuật của trào lưu phê bình mới, đặc biệt những phát hiện của chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, đối với các tiểu thuyết của Hugo và tiểu thuyết của Proust.
. Các công trình khoa học tiêu biểu:
Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX (chủ biên), Nxb. Ngoại văn, 1993.
Bà và cháu (Hồi ức), Nxb. Phụ nữ, 1994.
Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX, Nxb. Đà Nẵng, 2000.
Tiểu thuyết Hugo (Chuyên luận), Nxb. ĐHQG, 2002.
Cô bé nhìn mưa (Hồi ức), Nxb. Phụ nữ, 2008.
. Dịch thuật:
Thư Hà Nội của Jean Tardieu
Biến dạng của Kafka |