Các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Séc, Ukraine, Mông Cổ, Lào và Trung Quốc… Phần lớn họ là những sinh viên Hiệp định (những sinh viên đến Việt Nam học tập trong khuôn khổ Hiệp định chính phủ Việt Nam kí kết với các nước khác, được phía Việt Nam cấp học bổng), ngoài ra còn có những sinh viên ngắn hạn và đặc biệt là các sinh viên hệ cử nhân chuyên ngành Việt Nam học. Chuyến đi dã ngoại này nằm trong kế hoạch học tập nhằm giúp sinh viên quốc tế không chỉ học tiếng Việt mà còn hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam.
Sinh viên được chia thành nhiều nhóm, vừa tham quan vừa nghe lời thuyết minh của hướng dẫn viên về các dân tộc ở Việt Nam, các ngữ hệ, các đặc trưng khu vực, vùng miền… Trong quãng thời gian sống và học tập ở Việt Nam vừa qua, phần nhiều sinh viên chỉ tiếp xúc với người Việt. Đến với bảo tàng, các bạn đã được tận mắt tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc khác cùng sinh sống trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S như cảnh đám ma của người Mường, trang phục của người Thái, nón của người Nùng hay gùi của người Xơđăng, xe trâu của người Chăm… Những ánh mắt tò mò, những gương mặt háo hức thể hiện rõ sự ngạc nhiên và hứng thú của các bạn sinh viên quốc tế đối với văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi đã tìm hiểu kĩ các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng trong nhà, các bạn sinh viên cùng nhau đi tham quan bảo tàng ngoài trời. Họ rất thích thú khi trực tiếp đặt chân, chạm tay vào những ngôi nhà của một số dân tộc được vận chuyển về bảo tàng và được chính người dân tộc dựng lại trong khu trưng bày ngoài trời. Đó là những ngôi nhà như nhà sàn của người Tày, nhà rông của người Bana, nhà mồ của người Giarai, nhà dài của người Êđê, nhà hai lớp mái của người Chăm… Hàng loạt các câu hỏi được các bạn đặt ra cho các thầy cô như vì sao quanh nhà mồ của người Giarai lại có nhiều tượng gỗ như thế? Nhà rông cao như thế để làm gì? Vì sao lại nói nhà người Việt là hai gian ba chái?… Sau những lời giải thích tận tình của các thầy cô, đâu đấy vang lên những câu nói khe khẽ: “em hiểu rồi”, “thì ra là như vậy”… khiến cả thầy và trò đều hài lòng.
Buổi học dã ngoại bổ ích kết thúc sau gần 4 tiếng tham quan ở bảo tàng. Buổi học đã giúp cho các bạn hiểu thêm về các dân tộc của Việt Nam, đồng thời tăng cường sự giao lưu giữa các bạn sinh viên quốc tế với nhau, cũng như gắn kết thêm tình cảm thầy trò. Trên đường về, không ngớt những câu hỏi, những lời bàn luận, trao đổi giữa các sinh viên để chuẩn bị cho bài thuyết trình nhóm vào tuần sau. Điều này cũng thể hiện sinh động cho những cố gắng của Khoa trong xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy đại học cũng như áp dụng những phương pháp hiện đại trong việc dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.