Ngôn ngữ
Trong hai ngày 27 - 28/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 về tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi ngắn với GS. TS. Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh sự kiện đặc biệt này.
PV: Trên cương vị là một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, thầy nhận định như thế nào về tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay, đặc biệt là sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018?
GS. TS. Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6/2018 tại Singapore, tình hình Bán đảo Triều Tiên đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tại cuộc họp riêng tại Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tôi cho rằng sự chuyển biến tích cực đó không chỉ chịu tác động của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất, mà chính là 3 cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong năm 2018. Trong những cuộc gặp đó, hai bên đã có những thảo luận nhằm giảm bớt căng thẳng ở biên giới hai miền tại Vĩ tuyến 38.
Sáng 27/4/2018, Chủ tịch Kim Jong-un đã rời Bình Nhưỡng để đến cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in ở Hàn Quốc. Vào đúng 9h30 giờ Seoul (7h30 giờ Hà Nội) cùng ngày, ông Kim Jong-un đã bước “bước đi lịch sử”, đi qua đường phân giới ở khu phi quân sự DMZ giữa hai miền để tiến tới gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Sau cái bắt tay, ông Kim dắt ông Moon đi về phần lãnh thổ của Triều Tiên trước khi hai ông tươi cười và cùng dắt tay nhau qua đường phân giới - cột mốc lịch sử cho cả hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nắm tay nhau thực hiện những bước chân lịch sử vượt qua giới tuyến để sang đất Triều Tiên trong cuộc gặp ngày 27/4/2018
Chủ tịch Kim Jong-un là lãnh đạo đầu tiên và duy nhất của Triều Tiên trong suốt gần 70 năm qua đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc cho cuộc gặp lịch sử. Viết trên sổ lưu niệm của Nhà Hòa bình tại Bàn Môn Điếm, Chủ tịch Kim đã viết: "Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, bắt đầu của lịch sử”.
Và chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng là một trong những biểu hiện vô cùng tốt đẹp của mối quan hệ hai nước. Hai bên cũng đã có những cam kết về tăng cường giao lưu nhân dân, giảm bớt lực lượng quân sự ở hai bên biên giới, các trạm canh gác, hay các đài phát thanh ở dọc biên giới hai nước… Có thể nói, đây là những minh chứng cụ thể cho thấy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang có những bước chuyển biến rất tích cực.
Sau đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore một lần nữa khẳng định rằng Washington sẵn sàng kết nối lại với Bình Nhưỡng, với điều kiện là chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phải được cắt giảm, và phải cắt giảm hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên cần phải nói rằng cũng chưa có nhiều tiến triển lớn trong quan hệ giữa hai nước, và vì vậy cuộc gặp lần thứ hai này hứa hẹn sẽ mở ra những triển vọng tốt đẹp. Cá nhân tôi cho rằng, sau hơn nửa năm gặp gỡ, bước vào cuộc gặp lần thứ hai này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã tạo dựng được sự tin cậy ban đầu và vì thế hứa hẹn những kết quả cụ thể hơn.
PV: Thầy có thể đưa ra dự đoán về những bước tiến mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai theo kế hoạch diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 - 28/2?
GS. TS. Phạm Quang Minh: Cộng đồng quốc tế nói chung và các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới hi vọng rất nhiều, chẳng hạn như một tuyên bố về chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, chấm dứt tình trạng cấm vận đối với Triều Tiên. Nhưng kèm theo đó, chắc chắn mọi người cũng hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về cắt giảm lò thử hạt nhân, quá trình làm giàu uranium, hay những bước tiến cụ thể để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhưng có lẽ chúng ta cũng biết rằng đó là một điều rất khó, bởi có thể nói hạt nhân được xem như là “công cụ duy nhất” để Bình Nhưỡng tiến hành đàm phán, họ muốn Mỹ và các nước phương Tây thừa nhận điều đó, muốn công nhận Triều Tiên là cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu muốn Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, thì Mỹ và các nước đồng minh cũng cần có những hành động tương xứng vì trong quan hệ quốc tế thì điều này dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” (Reciprocity).
Tổng thống Donald Trump tuyên bố “không vội thúc ép Triều Tiên” về lộ hình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên
Trong cuộc họp báo gần đây nhất tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump “không vội thúc ép Triều Tiên” về lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, song ông cũng có những niềm tin về những tiến triển tích cực. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng cho biết ông có “quan hệ tốt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Và như Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ hi vọng rằng Triều Tiên sẽ trở thành một “cường quốc kinh tế” (economic powerhouse), đây có lẽ sẽ là động lực để cả hai bên tìm ra được tiếng nói chung để cùng hướng đến sự phát triển.
Việc đạt được một quyết định lớn trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên lần thứ hai có thể sẽ rất khó, song tôi luôn hi vọng rằng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể, những bước đi thực tế cho tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên cũng cần đánh giá rằng để có cuộc gặp gỡ lần thứ hai tại Hà Nội, cả hai bên đều thể hiện thiện chí, cả hai đều cùng hướng đến đối thoại vì một nền hòa bình. Đối thoại bao giờ cũng tốt hơn đối đầu. Có đối thoại mới giảm thiểu hiểu lầm, định kiến và căng thẳng.
Ông Trump là một vị Tổng thống không giống những người tiền nhiệm, và cho đến nay chưa có một vị Tổng thống Mỹ làm được việc, là gặp nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Việc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là một biểu hiện cụ thể của một cách tiếp cận mới, đó là muốn hiểu được đối thủ của mình thì ít nhất phải gặp gỡ. Việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp nhau lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 2 năm ngoái là một thành công lớn của ngoại giao hai nước và của cá nhân hai nhà lãnh đạo. Đối thoại là biểu hiện của sự hòa giải, và rõ ràng hòa giải thì tốt hơn chiến tranh, và tìm kiếm đối thoại sẽ tốt hơn là đối đầu. Và trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã có những cử chỉ hết sức thân mật, hết sức cởi mở, và đây chính là nền tảng rất quan trọng cho những bước tiến tiếp theo, và cũng không phải ngẫu nhiên mà họ lại có cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội.
PV: Việc Việt Nam, và cụ thể là Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, thầy có quá bất ngờ không, và tại sao?
GS. TS. Phạm Quang Minh: Việc lựa chọn Việt Nam, và cụ thể là Hà Nội là địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, nếu nói bất ngờ thì đúng là cũng có bất ngờ, song cũng có thể nói là không bất ngờ. Bất ngờ là bởi Việt Nam là quốc gia vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình hội nhập quốc tế, nền tảng cơ sở vật chất cũng chưa phải ở trình độ cao…
Song lựa chọn đó cũng không bất ngờ bởi Việt Nam là mẫu số chung cho cả Mỹ và Triều Tiên. Hai nước có thể tìm thấy ở đây một số điểm chung mà không nơi nào có được. Việt Nam là một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đổ nhiều xương máu để có được nền hòa bình, nên tổ chức một sự kiện hướng về hòa bình ở mảnh đất này thật là ý nghĩa; mảnh đất này đã hồi sinh, đứng dậy từ bom đạn, chiến tranh và 20 năm chia cắt đau thương từ năm 1954 sau Hiệp định Geneva cũng rất có ý nghĩa cho Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1953 sau Hiệp định Bàn Môn Điếm; Việt Nam từ một quốc gia đối đầu với Mỹ, nay trở thành đối tác toàn diện; Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung bao cấp đã chuyển mình, trở thành nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Và đó là những điều mà cả Mỹ và Triều Tiên đều nhìn thấy ở Việt Nam một cơ hội cho sự hòa giải, một cơ hội cho sự thống nhất, và một cơ hội cho sự phát triển. Có thể nói tất cả những điều đó mang tính biểu trưng rất cao, và giúp cho cả hai bên đều có thể nhìn thấy một triển vọng cho Bán đảo Triều Tiên trong tương lai.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai - một hội nghị về hòa bình được tổ chức ngay tại thành phố vì hòa bình. Ảnh: TPO
Một chi tiết rất thú vị, trong hai ngày 27 - 28/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên về tiến hình hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Điều thú vị ở đây là một hội nghị về hòa bình được tổ chức ngay tại thành phố vì hòa bình. 20 năm trước, Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của cả châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này. Hơn 20 năm qua, thành phố giờ không những phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Hẳn ai cũng nhớ một trong những truyền thuyết đặc biệt thú vị của Thủ đô Hà Nội là Tháp Rùa Hồ Gươm, với câu chuyện trả lại gươm báu cho Thần Kim Quy sau khi chiến tranh chấm dứt, cho thấy lòng yêu hòa bình của người dân Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Sau khi xả thân trong cuộc chiến vì độc lập, tự do, người Việt Nam lại sẵn sàng bắt tay vào xây dựng cuộc sống hòa bình. Để có nền hòa bình hôm nay, người Việt Nam không thể quên những năm tháng chiến tranh. Chỉ trên tinh thần “trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” dân tộc Việt Nam mới vượt qua muôn vàn thử thách để bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và hội nhập như hôm nay.
Hà Nội thực sự là một thành phố có sự hấp dẫn, đan xen những yếu tố lịch sử truyền thống và hiện đại, đan xen những yếu tố một thời bao cấp và yếu tố thời kinh tế thị trường… Ở Hà Nội có một nét rất riêng mà khó có thể tìm thấy ở bất cứ thành phố nào trên thế giới. Ở nơi đây có sự đan xen, hòa trộn, giao thoa giữa những nền văn hóa, văn minh khác nhau. Tôi cho rằng, Hà Nội thực sự xứng đáng được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và là nguồn cảm hứng bất tận cho những ý tưởng hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Theo congly.vn
Tác giả: Ý Thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn