Tây Bắc là vùng núi cao, dốc nhất Việt Nam, là vùng đầy nguồn của các hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Mã…với tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. Với đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, vùng Tây Bắc có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong giữ vững an ninh quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta và có không gian văn hóa rộng lớn. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới vị trí của vùng Tây Bắc trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mở đầu là ngày 01/07/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Tiếp đó, Thủ tướng chính phủ Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37 NQ/TW (ngày 01 tháng 7 năm 2004) của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 (gọi tắt là Quyết định 79/2005/QĐ – TTg) vào ngày 15/4/2005. Nhiều văn bản của các bộ, ngành, địa phương cũng được ban hành sau Quyết định này và đi vào thực tiễn.
GS. TS. NGND Nguyễn Văn Khánh trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo (Ảnh; Huyền Phạm)
Hội thảo "Đánh giá kết quả và tác động của Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc – 10 năm nhìn lại" được tổ chức chính nhằm đánh giá Quyết định 79. Quyết định 79 ra đời với định hướng ưu tiên đầu tư cho vùng trọng điểm Tây Bắc, đẩy nhanh nhịp độ phát triển vùng, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Với mục tiêu này, Quyết định đã từng bước đi vào đời sống, khai thác thế mạnh của vùng Tây Bắc về nguồn tài nguyên, thế mạnh đất đai, khí hậu, khoáng sản, thủy điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế, định canh định cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Có thể nói Quyết định 79 đã đem lại nhiều thành tựu nổi bật nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Huyền Phạm)
Trong phát biểu khai mạc, PGS. TS Phạm Quang Minh cho rằng, với tư cách của một trường đại học hàng đầu ở VN như ĐHKHXH&NV thì các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội nhân văn phải là tiên phong, phải có những nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển bền vững của Tây Bắc – một trong những vùng trọng điểm của Việt nam. Đây là một trong những vùng có thể nói là đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập khu vực. Bằng các phương pháp, các lý thuyết, bằng sự liên ngành và đa ngành, các nhà khoa học có thể đóng góp ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau, phục vụ một cách bền vững cho sự phát triển của Tây Bắc.
PGS. TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Huyền Phạm)
Qua đó, Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học của Trường đã thực sự đã đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đi đầu trong việc đóng góp các ý kiến cho sự hinh thành các cái chính sách. Cụ thể, Viện Chính sách và Quản lý tại Trường ĐHKHXHVNV đã trở thành 1 địa chỉ tin cậy, đã tổ chức rất nhiều các hoạt động khoa học các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua việc giao một chương trình nghiên cứu Tây Bắc cho ĐHQGHN, Thủ tướng thực sự đã đặt niềm tin vào các nhà khoa học của một Trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước.
Sau phát biểu khai mạc, hội thảo đã lắng nghe báo cáo của GS. TS. NGND Nguyễn Văn Khánh với đề tài “Tác động của Quyết định 79/2005/QĐ-TTg đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Tây Bắc: Một số kết quả nghiên cứu thực tiễn”. Báo cáo đã phân tích Quyết định 79 từ tiếp cận phân tích văn bản, trình bày kết quả rà soát, phân tích hệ thống văn bản đã được ban hành để triển khai Quyết định 79, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 79 trên một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Tây Bắc, cuối cùng là xác định những khó khăn còn tồn tại và đề xuất giải pháp khi thực hiện Quyết định 79.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của 14 báo cáo khác, tập trung vào các đề tài như: “Những rào cản thực hiện Quyết định 79/2005/QĐ-TTg” của PGS.TS Vũ Cao Đàm (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý, Trường ĐHKHXH&NV), “Đánh giá kết quả triển khai thực hiện QĐ 79/2005/QĐ-TTg trong phát triển kinh tế vùng Tây Bắc” của PGS. TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV), “Những bất cập của hệ thống văn bản, chính sách để thực thi quyết định số 79/2005/QĐ-TTg” của PGS. TS Trần Văn Hải (Khoa Khoa học Quản lý, ĐHKHXH&NV)…
PGS. TS Trần Thị Minh Hòa trình bày báo cáo tại hội thảo (Ảnh: Huyền Phạm)
Các ý kiến đóng góp, chia sẻ tại Hội thảo được kỳ vọng sẽ đóng góp hữu ích giúp cho Chủ nhiệm đề tài hoàn thành nghiên cứu của mình một cách trọn vẹn và toàn diện. Đồng thời, các ý kiến đóng góp cũng góp phần đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 79 của Thủ tướng chính phủ nhằm phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn