Ngôn ngữ
Đoàn chuyên gia của Quỹ Hoà bình Nagasaki gồm có bà Yuko Tahata (Phó Giám đốc Quỹ), bà Nagiko Yokohama (chuyên viên) và PGS.TS Nasrudin MD Akhir (Bộ môn Đông Á học, Khoa Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Đại học Malaya, Malaysia). Buổi làm việc có sự tham dự của PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng Phòng Đào tạo) và TS. Nguyễn Phương Thuý (Bộ môn Nhật Bản học) khoa Đông phương học.
Điểm trọng tâm trong chuyến thăm và làm việc của Quỹ Hoà Bình Nagasaki tại Trường ĐHKHXH&NV là việc trao đổi các thoả thuận hợp tác tổ chức Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9/2017, tại khuôn viên Nhà trường. Triển lãm có mục tiêu là giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, cũng như những hậu quả khủng khiếp của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Triển lãm cũng sẽ giới thiệu sự hồi sinh kỳ diệu của hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong điều kiện hoà bình, hợp tác và phát triển. Triển lãm bao gồm những hiện vật, những câu chuyện, những bài học sâu sắc về giai đoạn lịch sử đau thương của Nhật Bản - nạn nhân của bom nguyên tử, tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Ban Tổ chức cũng sẽ trưng bày một số tấm ảnh về hai thành phố năng động và phát triển hiện tại.
Bà Yuko Tahata trao đổi với GS. TS Phạm Quang Minh
Đây là lần đầu tiên Triển lãm này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, Triển lãm đã từng được tổ chức tại 18 thành phố thuộc 11 quốc gia như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakstan…; riêng khu vực Đông Nam Á, triển lãm đã được tổ chức tại Malaysia thu hút hàng chục ngàn người tham dự.
GS.TS Phạm Quang Minh bày tỏ sự ủng hộ của Nhà trường đối với hoạt động của Quỹ Hoà Bình Nagasaki nói chung và việc tổ chức Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử nói riêng trong thời gian tới Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN rất quan tâm tới các vấn đề về lịch sử, vấn đề hoà bình, hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, bối cảnh trưng bày tại Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki cuối Thế chiến thứ II là giai đoạn lịch sử liên quan chặt chẽ tới Việt Nam. Nhà trường có đầy đủ các điều kiện phù hợp cả về nền tảng học thuật, nguồn nhân lực và điều kiện cơ sở hạ tầng, cũng như kinh nghiệm tổ chức các cuộc triển lãm với quy mô trong nước và quốc tế. Ý nghĩa nhân văn của Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử sẽ góp phần tác động tới nhận thức và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những hành động vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển của thế hệ trẻ."
Bà Yuko Tahata (Phó Giám đốc Quỹ Hoà Bình Nagasaki) chia sẻ rằng, ngày nay khi đi trên đường phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống yên bình và phát triển của đất nước Việt Nam. Cũng như khách du lịch cũng có thể cảm nhận được điều này khi đến Nagasaki chúng tôi. Và tất cả chúng ta đều không thể tưởng tượng được rằng, những địa danh này đã từng chìm trong đau thương của chiến tranh như thế nào. Việt Nam và Nhật Bản đã có lịch sử mối quan hệ lâu đời, trên nhiều phương diện. Chúng tôi hy vọng hoạt động hợp tác tổ chức Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử sẽ thành công".
Cuối buổi làm việc, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường đã ký văn bản thoả thuận hợp tác tổ chức Triển lãm Chứng tích chiến tranh bom nguyên tử.
Tác giả: Thu Hà, Ảnh: Bích Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn