bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Nặng lòng cùng thầy cô

Thứ hai - 19/10/2015 05:41
Nhân gian ví Thầy cô như những người chèo đò đưa khách qua sông. Có những lãng khách qua sông một đi không lại, cũng có những vị khách nặng lòng tri ân với người lái đò. Tôi là người khách chịu nhiều ân tình từ những người lái đò ấy, Quí Thầy cô khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Nặng lòng cùng thầy cô
Nặng lòng cùng thầy cô

Tôi vốn gốc là dân nửa văn, nửa báo. Bằng tốt nghiệp Đại học của tôi ghi là “Tốt nghiệp hệ Chính qui, ngành Ngữ văn - Báo chí”.  Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế, nay là Đại học Khoa học, thời tôi học, vào những năm 1995-1999, chỉ đào tạo chuyên ban báo chí. Lúc đó, học được chuyên ban báo chí là phải thi vào, mỗi khóa chỉ lấy từ 10 đến 15 sinh viên. Chuyên ban báo chí phần lớn các học phần là nhờ các thầy ở khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội vào dạy.

Thời đó, nghe “mác” sinh viên báo chí rất oai, lại rất tự hào là được các thầy ở Hà Nội vào dạy. Người thầy mà tôi tiếp xúc đầu tiên ở khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội là thầy Đinh Văn Hường và thầy Dương Xuân Sơn. Thầy Đinh Văn Hường và thầy Dương Xuân Sơn được khoa Văn mời giảng dạy chính cho chuyên ban báo chí lúc bấy giờ. Chính các Thầy là những người đầu tiên gieo những hạt mầm để làm nên thế hệ các giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐHKH Huế ngày nay. Và từ đó, từng thế hệ Thầy-Trò khoa Báo chí và Truyền thông, ĐHKH Huế vẫn gọi khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội là ‘khoa mẹ’.

Một hoạt động sinh hoạt học tập của Khoa

Khi tốt nghiệp xong, tôi được giữ lại Khoa để làm CBGD. Chủ trương của Khoa và Nhà trường là phát triển chuyên ban Báo chí thành ngành Báo chí, đào tạo cử nhân báo chí như hai đầu đất nước. Tôi được cử đi học cao học báo chí tại Hà Nội để về chuẩn bị đội ngũ mở ngành. Nhưng vì bằng tốt nghiệp đại học của tôi không đúng chuyên ngành nên phải học bổ túc kiến thức. Lần đầu tiên chân ướt, chân ráo ra Hà Nội không quen ai, phải mất hai ngày trời mới tìm được nhà trọ, hai ngày ngủ ở công viên Lê-nin vật vờ. May mà không bị trộm cướp, nghĩ lại bây giờ thấy còn ớn lạnh. Khi “an cư” xong tôi đến khoa Báo chí để đăng ký học. Chị văn thư (thứ lỗi vì tôi không nhớ tên) tiếp tôi với giọng rất nhẹ nhàng : “Năm nay khoa không tổ chức lớp chuẩn hóa kiến thức, em chờ năm sau nhé!” Nghe xong người tôi bủn rủn cả tay chân. Tôi tìm đến thầy Đinh Văn Hường, lúc đó thầy đang làm chủ nhiệm khoa mong có được giải pháp gì không chứ tôi đi học là được Nhà trường cử đi, giờ về không, biết báo cáo với trường và khoa thế nào. Thầy Hường rất ân cần, giải thích cho tôi mọi điều vì sao năm nay khoa không tổ chức chuẩn hóa kiến thức. Thầy còn chân tình dặn tôi là năm sau nếu khoa mở lớp thầy sẽ trực tiếp gửi thông báo cho. Tôi rời khoa với tờ giấy có xác nhận của thầy Hường có nội dung “năm nay khoa không mở lớp chuẩn hóa kiến thức báo chí” mà theo thầy là để về báo cáo với Trường và Khoa kẻo “người ta” tưởng bỏ học, bỏ thi thì phiền lắm. Thầy chu đáo với một đứa học trò tỉnh lẻ như tôi, khiến tôi xúc động vô cùng. Rời Hà Nội với tâm trạng chán nản, phần vì bỏ công sức lặn lội đi quãng đường xa mà không đạt được mục đích, phần vì uất không lấy lại được tiền thuê trọ trả trước, tôi thề sẽ không ra Hà Nội nữa. Nghĩ là làm, khi về Huế, tôi đăng ký thi Cao học Văn học Việt Nam mặc dù Khoa không đồng ý cho tôi đi học. Tôi đánh liều học tự túc để khỏi đi Hà Nội. Học cao học Văn học Việt Nam được 2 năm, tôi nhận được thông báo về mở lớp chuẩn hóa kiến thức thi cao học báo chí của khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Phong bì ghi đích danh gửi cho tôi và nét chữ ghi đúng là của thầy Đinh Văn Hường. Thầy Hường đã giữ lời hứa, Thầy đã trực tiếp gửi thông báo cho tôi như Thầy đã dặn dò tôi 2 năm trước. Xúc động vì tấm chân tình của Thầy, tôi bỏ phăng 2 năm học cao học Văn học Việt Nam trong khi chỉ còn vài tháng nữa là bảo vệ xin Khoa đi chuẩn hóa kiến thức.

Lớp chuẩn hóa kiến thức của tôi lúc đó gồm 7 học viên, hầu hết đều đã đi làm. May mắn cho lớp của tôi là được học rất nhiều thầy cô của khoa Báo chí và Truyền thông. Thầy Đinh Văn Hường, Thầy Dương Xuân Sơn, Thầy Vũ Quang Hào với phong thái đỉnh đạc, hàn lâm. Cô Đoàn Hương uyên thâm và sâu sắc. Riêng thầy Trần Quang thì có một phong cách khác. Ngày đầu tiên thầy vào lớp tôi, trên môi ngậm một điếu thuốc phì phèo. Thầy ngồi tựa ngửa ra ghế nhả khói lên trần nhà rồi bảo: “các anh chị học bổ túc kiến thức làm gì, thi cao học à? Tốt thôi, sau này các anh chị học xong cao học là hơn tôi rồi”. Anh lớp trưởng ngồi cạnh ghé tai tôi: “Nhìn thầy có vẻ phớt đời em hen”. Kết thúc môn học, thầy không cho thi viết như các môn khác, thầy bảo hãy đối thoại cùng thầy như cách thi vấn đáp. Có điều cách hỏi thi của Thầy cũng lạ lắm, không chỉ hỏi kiến thức liên quan đến môn học mà hỏi tất tần tật từ báo chí đến văn, sử, địa, xã hội học, tâm lý...mà theo Thầy đã làm báo thì phải biết tất! Thầy cho điểm cũng khá chặt, cẩn thận ghi tên tuổi, quê quán của học viên vào sổ tay của Thầy. Thầy bảo ghi như thế để làm bằng chứng sau này nếu ai có trở thành thứ trưởng, bộ trưởng hay thủ tướng cũng là học trò Thầy cả, không chối được. Thầy đùa thế thôi chứ chúng tôi biết, vì trân trọng học trò nên Thầy mới làm vậy.

PGS.TS. Vũ Quang Hào trong giờ học Biên tập văn bản báo chí của lớp K50 chính quy

Sau khi chuẩn hóa xong, tôi học cao học tại khoa Báo chí và Truyền thông từ năm 2007 đến 2010. Lớp cao học của tôi có 21 học viên nhưng đến khi bảo vệ  còn 15 học viên. Thời gian học cao học, tôi được tiếp xúc với khá nhiều thầy cô trong Khoa và cả các viện, cơ quan báo chí khác. Những kiến thức mà Quí Thầy cô cung cấp thật vô cùng hữu ích và cần thiết đối với một người nửa văn, nửa báo như tôi. Rồi tôi được Thầy Vũ Quang Hào hướng dẫn luận văn. Thầy Hào là người khá nghiêm túc trong khoa học. Làm việc với Thầy, được Thầy hướng dẫn, tôi học được rất nhiều kiến thức chuyên môn, học được cách làm khoa học và sự trung thực trong công việc, những điều cần thiết để tôi tiếp tục học tập và làm việc trong bước đường tương lai của tôi. Là người hướng dẫn, Thầy bao giờ cũng muốn học viên lĩnh hội tốt nhất các kiến thức khoa học và luôn nghĩ cho hoàn cảnh của mỗi học viên Thầy hướng dẫn. Tôi ở Huế, cách khá xa Hà Nội nên khi ra gặp Thầy, Thầy bảo đừng ra vào nhiều lần mà tốn kém lắm, làm xong gửi bưu phẩm ra cho Thầy, Thầy sửa xong gửi lại cho em. Ngày tôi bảo vệ xong có ý muốn mời Thầy dùng bữa cơm để tỏ lòng biết ơn của mình với thầy nhưng thầy từ chối với lý do là tôi đã tốn kém trong làm luận văn và bảo vệ rồi vẽ chuyện làm gì về nhà thầy uống trà trò chuyện hay hơn. Nghe lời thầy, tôi và một chị học viên khác được thầy hướng dẫn về nhà thầy tâm sự suốt một buổi tối và được thầy tặng sách cho nữa. Khi tôi làm NCS, tôi tìm gặp thầy, nhờ thầy giúp đỡ, thầy trỏ cho tôi hướng nghiên cứu để làm đề tài luận án và không quên dặn dò: làm tiến sĩ vất vã và tốn kém gấp nhiều lần làm thạc sĩ, em phải cố gắng  nhiều lắm đó.

Khi làm NCS, tôi đứng trước nhiều sự lựa chọn. Nhiều người khuyên nên chọn ở các cơ sở khác mà làm, vì theo họ thuận lợi và dễ dàng hơn. Thú thật mới đầu nghe cũng lung lay nên tôi  đã mua hẳn hồ sơ dự định  làm NCS ở một cơ sở đào tạo tại Hà Nội. Nhưng cũng lạ thật, ngày nộp hồ sơ tôi lại đi thẳng đến trường Nhân văn chứ không đi đến cơ sở đó như dự định ban đầu. Tôi lại quyến luyến với khoa Báo trường Nhân văn. Bao nhiêu lần định không học rồi bao nhiêu lần tự tìm đến. Tôi là vậy, cứ như duyên nợ với khoa Báo trường Nhân văn không sao dứt được.

Khóa làm NCS của tôi thi đầu vào gồm 7 người, đến phút chót 1 người bỏ thi. Trong 6 người còn lại, hồ sơ của tôi là rắc rối nhất, như lời cô Đặng Thị Thu Hương, chủ nhiệm khoa, là “bê bối’ nhất. Bởi vì đến phút cuối mà tôi vẫn chưa có giáo sư hướng dẫn trong khi tên đề tài là có vấn đề. Cô Hương nói vậy nhưng tôi được làm NCS như hôm nay phần lớn là nhờ cô. Cô đã tận tình chỉ bảo tôi bổ sung những dữ liệu còn thiếu trong  hồ sơ, chỉnh sửa hướng nghiên cứu, tên đề tài cho phù hợp để báo cáo trước Hội đồng. Cô giúp tôi như một giáo sư hướng dẫn mặc dù đó không phải là trách nhiệm của cô. Nếu không có cô giúp đỡ trong thời khắc ấy chắc tôi khó mà qua được đợt thi NCS năm ấy. Cũng chân tình cảm ơn Quí Thầy cô trong Hội đồng tuyển NCS năm ấy. Cảm ơn thầy Đinh Văn Hường, thầy Dương Xuân Sơn, Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đã chỉ bảo, động viên tôi tiếp tục vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến một Người Thầy, người trước sau như một, người tôi luôn luôn trân quí, thầy Đinh Văn Hường. Người thầy đã đào tạo tôi từ những kiến thức báo chí vỡ lòng thời còn học chuyên ban ở Huế, đến nay lại dang rộng đôi tay đón nhận tôi làm học viên để hướng dẫn. Nhờ Thầy mà tôi mới trở thành học viên NCS như hôm nay.

Bây giờ nghĩ lại những chuyện đã qua, tôi lại càng trân quí những tình cảm mà Quí Thầy cô đãnh dành cho tôi. Tôi biết sẽ còn nhiều vất vã trong bước đường học hành của tôi sắp tới, nhưng tôi tin những tấm chân tình của Thầy cô nơi tôi đang được tào tạo sẽ là động lực để tôi vững bước. Tôi viết những dòng này như là một lời tri ân đến Quí Thầy cô yêu quí của tôi ở khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Cầu mong cho Quí Thầy cô của tôi luôn có được sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chèo đò, để tiếp tục là những hình ảnh đẹp trong lòng nhiều thế học trò./.

Cố đô Huế, một ngày mùa Hạ-2015

Phan Quốc Hải

Cựu học viên Cao học khoá 2007-2010

Nghiên cứu sinh khóa 2014-2017

Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Huế

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây