Ngôn ngữ
Mở đầu cuộc nói chuyện, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp GS. Larry Berman và đón đọc cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” - viết về cuộc đời của nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn. Buổi gặp gỡ giúp các cán bộ và sinh viên trong trường biết thêm những câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình GS. Larry Berman gặp gỡ tướng Phạm Xuân Ẩn và viết cuốn sách này.
“Tôi rất vui mừng khi được quay trở lại Trường ĐHKHXH&NV. Và hôm nay, tôi xin được kể không chỉ câu chuyện về thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn mà còn là câu chuyện về chiến tranh, về hòa giải. Làm thế nào mà một người từng là điệp viên cho quân đội Bắc Việt Nam trong chiến tranh, lại có thể là khách mời danh dự trên con tàu của quân đội Mỹ ? Câu trả lời là một bí ẩn, cũng như chính cái tên của tướng Phạm Xuân Ẩn” - GS. Larry Berman gợi mở nội dung buổi trò chuyện.
Toàn cảnh buổi nói chuyện
Theo GS. Larry Berman, điều thú vị nhất về tướng Phạm Xuân Ẩn đó là cái cách ông ẩn mình dưới vỏ bọc quá hoàn hảo. Thời điểm ấy, Phạm Xuân Ẩn một mặt là phóng viên của tạp chí Time hoạt động ở Sài Gòn, nhưng một mặt lại là điệp viên có biệt danh là X6.
Lần đầu tiên GS. Larry Berman gặp Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là vào năm 2000. Khi được biết GS. Larry Berman đang viết một cuốn sách về quá trình đàm phán Hiệp định Paris 1973, tướng Ẩn đã đề nghị được nói chuyện riêng với ông. Nhờ những hiểu biết của mình, tướng Phạm Xuân Ẩn đã giúp vị Giáo sư hoàn thành cuốn sách mang tên “No peach, no honor” (Không hòa bình, chẳng danh dự).
GS. Larry Berman giới thiệu về cuốn sách gốc mang tên “Perfect Spy”. Sách hiện đang là tài liệu đọc bắt buộc trong những khóa đào tạo điệp viên của CIA.
Từ đó, mong muốn được viết một cuốn sách về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn đã thôi thúc GS. Larry Berman. Ông có đề nghị với tướng Ẩn nhưng bị từ chối. Phải đến tận 3 năm sau, khi tướng Ẩn đang lâm bệnh nặng và sức khỏe rất yếu thì ông mới đồng ý cho Larry Berman viết về cuộc đời của mình. “Tôi cứ liên tục đi qua đi lại giữa Mỹ và Việt Nam trong gần 2 tháng, tôi tận dụng tối đa để viết được câu chuyện” - vị Giáo sư chia sẻ.
Cuộc đời tình báo của Phạm Xuân Ẩn gắn liền với những thứ như là mực vô hình, căn hầm bí mật, những gói nem chua mà trong đó có gói những thông điệp tình báo phải gửi đến các khu vực căn cứ. “Có một con chó, mà tướng Ẩn huấn luyện để cảnh giới cho mình khi nhận và gửi các thông điệp cho tổ chức ở một cái cây cố định. Về sau, ông được phong hàm Thiếu tướng. Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo giỏi đến mức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Dường như chúng ta đã có mặt trong phòng họp của Mỹ rồi” - tác giả cho biết thêm.
Cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thú vị như thế, nên có rất nhiều người muốn được biết câu chuyện của ông. Nhưng ông đều từ chối mỗi khi có ai đó đề nghị được viết về mình. “Có một nhà báo tên là Shine Coulor, đã từng xin phép trả cho tướng Ẩn 500.000 đô-la Mỹ, chỉ để ông ấy viết một cuốn hồi kí kể về cuộc đời mình. Nhưng tướng Ẩn đã từ chối” - GS. Larry Berman cho hay.
Tác giả xem đây là cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp làm báo và vỏ bọc của ông Phạm Xuân Ẩn hơn là câu chuyện về hoạt động tình báo. Cuốn sách hiện đang là tài liệu đọc bắt buộc trong những khóa đào tạo điệp viên của CIA. “Điệp viên nằm vùng đơn độc” là cách mà CIA gọi tên tướng Ẩn. Họ luôn muốn tìm hiểu làm thế nào những người điệp viên nằm vùng đơn lẻ đó, có thể tồn tại và sống sót được ở cái môi trường nguy hiểm đến như thế.
Cuối buổi thuyết trình, GS. Larry Berman đã dành thời gian để trả lời những thắc mắc của các đại biểu, sinh viên tham dự và ký tặng sách thay cho lời cám ơn những người đã đến tham dự.
|
Tác giả: Công Hiếu – Thúy Hoàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn