Ngôn ngữ
Đến dự tọa đàm có GS.TS Tạ Ngọc Tấn (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), TS. Nguyễn Văn Hùng (Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương), PGS.TS Ngô Đình Xây (Vụ trưởng Vụ lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng), đồng chí Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư BCH Trung ương Đoàn), bà Shafinskia Natalia Valerievna (Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội), GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện Trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường).
Quang cảnh tọa đàm
Tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban, Ngành và đoàn thể Trung ương, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí truyền thông cùng hơn 100 sinh viên đến từ các trường: Đại học KHXH&NV, Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các du học sinh Nga tại Việt Nam.
Chủ trì Tọa đàm (từ trái qua phải) gồm: GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học KHXH&NV); GS.TS Tạ Ngọc Tấn (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), đồng chí Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư BCH Trung ương Đoàn).
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Nguyễn Văn Kim nêu bật ý nghĩa lớn lao và tính chất quốc tế sâu rộng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là dịp để khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga và những đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong lịch sử nhân loại. Từ đó, các nhà khoa học đánh giá lại những kinh nghiệm, bài học lịch sử, những thành công và hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực, mô hình của nhà nước Xô Viết. Những nghiên cứu này là cần thiết để rút ra những quy luật, cách thức phát triển mới, nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế thời đại, thực hiện những mục tiêu căn bản mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định nhằm sớm đưa đất nước trở thành một đất nước công nghiệp hóa, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thay mặt Ban tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Kim bày tỏ sự tin tưởng rằng thông qua tọa đàm này, thế hệ trẻ sẽ hiểu sâu sắc hơn về giá trị và những mục tiêu cao cả của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Sinh viên được củng cố thêm niềm tin về lý tưởng sống, về những triết lý nhân sinh khoa học, sâu sắc mà các nhà khai sáng ra Chủ nghĩa xã hội khoa học Mác - Ăng ghen đã đề ra, sau đó được Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà yêu nước, cách mạng khác phát triển.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư BCH Trung ương Đoàn) trình bày báo cáo đề dẫn Tọa đàm, nêu lên các ba chủ đề chính cần tập trung thảo luận. Đó là: tầm vóc, giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam; ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Mười Nga và việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt tập trung làm rõ thành tựu, cơ hội và thách thức, bài học kinh nghiệm của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới; ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với nhận thức chính trị, lý tưởng cách mạng và quá trình rèn luyện, phấn đấu học tập, cống hiến của thanh niên, sinh viên thời đại ngày nay
Bà Shafinskia Natalia Valerievna (Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội), trong bài phát biểu của mình, đã đánh giá: “Với tất cả sự đa dạng các ý kiến và đánh giá về các sự kiện cách đây 100 năm tại Nga, không ai có thể phủ nhận một điều là, do kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười, lịch sử thế giới đã phải thay đổi vectơ phát triển của mình”.
Bà Shafinskia Natalia Valerievna (Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội)
Các báo cáo tham luận tiêu biểu như: Những sai lầm về nhận thức lý luận dẫn đến sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên bang Xô - Viết (GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), Tầm vóc, ý nghĩa của Cách mang Tháng Mười Nga và giá trị bài học kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng nhân dân làm theo cách mạng của V.I Lê nin mãi tỏa sáng trong sự nghiệp công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam”luận (Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương), Tìm hiểu về Hồ Chí Minh với những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga (PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ), Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 với phong trào thanh niên Việt Nam gia đoạn hiện nay (TS. Trần Bách Hiếu - Bí thư Đoàn Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)… Ngoài ra, Tọa đàm còn ghi nhận những ý kiến của các sinh viên đến từ nhiều trường đại học, đánh giá ý nghĩa, giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, với nhận thức chính trị, lý tưởng của học sinh, sinh viên Việt Nam….
GS.TS Tạ Ngọc Tấn thay mặt Đoàn Chủ tịch tổng kết chương trình Tọa đàm
Tổng kết Tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: “Có thể tổng kết ba ý nghĩa lớn của Cách mạng tháng Mười Nga. Thứ nhất, cuộc Cách mạng đã tạo nên một chế độ xã hội đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, một chế độ xã hội đã là ước mơ của toàn nhân loại tiến bộ, đó là Chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, mở ra một con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Thứ ba, thúc đẩy cuộc đấu tranh giành dân chủ, tự do, cơm áo cho nhân dân lao động ở các nước tư bản. Cuộc tọa đàm hôm nay đã góp phần lan tỏa những ý nghĩa đó, giúp thế hệ trẻ mở rộng phạm vị tiếp nhận tri thức. Tri thức đó không chỉ là về cuộc Cách mạng Tháng Mười, mà còn là về các vấn đề khác của lịch sử dân tộc”.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương (Bí thư BCH Trung ương Đoàn) tặng hoa GS.TS Tạ Ngọc Tấn, GS.TS Nguyễn Văn Kim và bà Shafinskia Natalia Valerievna
Tác giả: Thu Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn