bet365 football - Nền tảng chính thức

Ngôn ngữ      

Sắc màu thế sự và chỉ dấu văn hóa trong những tự sự làng của Phạm Quang Long (Chuyện làng(*) và Mùa rươi(**))

Thứ ba - 21/11/2023 03:13
Phạm Quang Long khởi đầu nghiệp viết bằng thể loại kịch và ngày càng sung sức, dồi dào bút lực, cuốn hút hơn ở tiểu thuyết. Sau một vài tác phẩm mang tính luận đề ngay từ cách đặt tên như Lạc giữa cõi người, Cuộc cờ…, sự trình hiện của Chuyện làng và Mùa rươi đã mở ra những không gian đậm đặc tố chất tiểu thuyết: từ khả năng chiếm lĩnh hiện thực đời sống đến việc khám phá số phận cá nhân/ thân phận con người, từ sự kiến tạo cảnh quan thiên nhiên đến việc khai thác trầm tích văn hóa, từ sự hòa trộn các sắc màu thẩm mỹ đến việc đan xen giọng điệu, ngôn từ, từ phong tục tập quán đến những biến thiên thời cuộc… Tất cả được quy tụ khá nhuần nhị, làm nên dấu ấn phong cách của Phạm Quang Long trong dòng mạch tiểu thuyết viết về thôn quê đương đại.
Hình ảnh ngôi làng trong những câu chuyện dài của Phạm Quang Long là một vùng đất thuần nông như bao vùng quê thuộc lưu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ. Dù không được khoác bộ cánh “sơn thủy hữu tình” nhưng vẫn được thiên nhiên ban tặng một hệ sinh thái đa dạng cùng vẻ đẹp đặc trưng với thủy thổ hài hòa có sông nước, ao hồ, cánh đồng lúa mênh mang, tôm, cá, ốc, rươi vô kể… cùng nhiều sản vật quanh năm mùa nào thức nấy. Song, cũng như mọi miền thôn dân khác, làng Đồng Hòa (Chuyện làng) và Hòa Đồng (trong Mùa rươi) đã trải nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, quê hương: chiến đấu, dựng xây, cầu mong độc lập tự do và cơm no áo ấm… Những ngôi làng đó chính là bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam, phản chiếu các sự kiện trọng đại làm nên cuốn sử hào hùng mà đau thương của dân tộc: kháng chiến chống Pháp, phong trào cải cách ruộng đất, con đường hợp tác hóa nông nghiệp, chiến tranh chống Mỹ, xây dựng/ phát triển nông thôn mới v.v… Thời nào và ở đâu, nông dân cũng được coi là lực lượng hùng hậu của cách mạng nhưng lại ít quyền lựa chọn nhất. Những trang viết của Phạm Quang Long về nỗi oan sai trong cải cách ruộng đất, sự giằng co “ai thắng ai” giữa tập thể và cá thể thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn cũng như những bất cập trong đường lối phát triển nông thôn mới hiện nay đều chân thực, sâu sắc. Nhưng xúc động và ám ảnh hơn cả vẫn là câu chuyện con em nông dân ra chiến trường hy sinh để lại nỗi đau cốt nhục vô tận. Sự mất mát không thể bù đắp ấy luôn là vết thương lòng đau buốt, suốt đời không bao giờ nguôi, xoáy vào tình cảm và hằn sâu nét đau đớn, tiếc thương trên gương mặt của những người mẹ, người vợ, người em... Những tháng ngày dằng dặc thương nhớ ấy, họ luôn sống trong âu lo, khắc khoải mong chờ: “Lá thư ấy đã chuyền qua tay hai bà mẹ không biết bao nhiêu lần, có khi cả buổi chiều, hai bà rỗi việc, lại ngồi giở thư của Thùy ra đọc với nhau để vừa nhớ thương, vừa khuyên nhau hãy yên lòng cho các con đỡ nóng ruột” (Chuyện làng – tr 395); và rơi vào mê sảng, bấn loạn, tuyệt vọng khi bặt tin đứa con yêu dấu nơi chiến trận… (Chuyện làng – tr 460). Đó thực sự là món nợ mà hậu thế chưa/ không thể trả nổi. Đến thời hậu chiến, người nông dân lại phải “nuốt nước mắt vào trong”, chật vật, loay hoay tìm cách thích nghi với những đổi thay của nhịp sống mới một cách nhọc nhằn vất vả và không thiếu mồ hôi, nước mắt. Bài toán kinh tế nông thôn tưởng có lúc rơi vào tình thế “bất khả giải” bởi vì các chủ thể là nông dân còn thiếu kinh nghiệm, cái tâm không thể thay thế tiềm lực, ý chí không thể thay thế tri thức. Nhà nông lâm vào hoàn cảnh bất lực, đành khuất phục trước cơ chế. Nhiều nghịch lý tồn tại. Nhiều giá trị đạo đức của một vùng quê in đậm dấu tích sử/ địa văn hóa cứ dần mai một gây nên bao tiếc nuối, bất bình. Phạm Quang Long đã mượn lời nhân vật trưởng thôn – một nông dân “xịn”, nông dân thứ thiệt khi trả lời câu hỏi của một vị lãnh đạo huyện để không chỉ giãi bày suy nghĩ tâm tư của người làm ruộng mà còn gửi gắm vào đó tình cảm, suy tư của một người cầm bút rất nặng lòng với mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình: “… Nhà nước còn nợ nông dân nhiều lắm. Cái gì cũng dựa vào nông dân, nhưng nông dân thiệt nhất, con cái nông dân khổ nhất, nông thôn ít được chú ý nhất, hàng hóa nông dân làm ra nuôi cả xã hội nhưng xã hội chả coi người nông dân ra gì. Hàng hóa bán cho nông dân đắt, mua hàng của nông dân thì rẻ, ruộng đất của nông dân cứ lấy vô tội vạ, ông nào thích là ra một quyết định thu hồi mà đền bù thì có là bao? Còn chính sách à? Được cũng nhiều mà hỏng cũng lắm. Nếu cái nào cũng đúng thì nông thôn không như thế này… Chỉ riêng cái làng của chúng tôi sau mấy chục năm thay đổi theo chỉ thị của các ông cũng chả còn ra cái làng nữa. Cái tên làng chả còn… Còn những chuyện khác thì coi trọng đồng tiền làm hỏng nhiều thứ quá. Tệ nhất là tình làng nghĩa xóm bây giờ ông ạ… Cả xã hội đề cao tiền của, chức tước, lợi lộc mà bảo dân làng tôi đừng sống theo họ mà được à? Hiện đại hóa mà làm hỏng con người thì tôi chả mong hiện đại hóa làm gì” (Mùa rươi – tr 304).
Một trong những tiềm năng thể loại sẽ được tiểu thuyết hóa và hiển lộ rõ rệt trong tác phẩm là bút pháp khắc họa chân dung nhân vật mang ý nghĩa thân phận. Đây có thể coi là “bản mệnh của tiểu thuyết”, đồng thời cũng chính là phương diện nổi trội mang dấu ấn thi pháp của Phạm Quang Long. Theo tác giả, cả Chuyện làng và Mùa rươi đều viết về ngôi làng thân thuộc, nơi ông được sinh ra, được tắm gội trong bầu sinh khí thôn quê vốn thiện lành, mộc mạc, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Dù đã “gia nhập” vào cộng đồng thị thành ngót nửa thế kỷ nhưng Phạm Quang Long luôn sắm vai giao tiếp như một thôn dân chưa bao giờ rời xa quê hương bản quán. Ông nhớ như in khung cảnh làng mạc: bờ ao, ruộng lúa, ngôi chùa; am tường nếp sống, phép ứng xử và tính khí người nông dân. Những trải nghiệm từng thấm sâu vào mỗi tế bào thân thể và sự phong phú về vốn sống ấy đã là nguồn nguyên liệu quý giúp cho việc kiến tạo gương mặt đời sống nông thôn gồm con người và cảnh vật trong tác phẩm của Phạm Quang Long luôn gần gũi, chân thật và có sinh sắc.
Hiển hiện trên từng trang sách của Phạm Quang Long là hình ảnh người nông dân thuộc nhiều kiểu loại, nhiều thế hệ: già, trẻ; giàu, nghèo; tốt, xấu; từ người có chức sắc đến dân thường, từ người vẫn giữ nguyên “bộ gen” di truyền mang căn cước nông dân đến kẻ vong bản, vô ơn, chối bỏ nguồn cội… Mỗi người một thân phận, và dù muốn dù không, họ khó có thể đứng ngoài thời cuộc, nói cách khác là luôn bị cuốn vào vòng xoáy thực tại: hết bom đạn lại phải tự khâu vá, chữa lành mọi vết thương chiến tranh; hết đói cơm rách áo đến ăn ngon mặc đẹp; hết nhà tranh vách đất, nhà ngói sân gạch đến nhà cao tầng, biệt thự vườn… Là một cây bút tỉnh táo, sắc sảo, Phạm Quang Long thường nhìn nhận thực trạng nông thôn trong thế “song lập” cũ - mới, xưa - nay để lý giải sâu xa hơn những được - mất sau rất nhiều những biến động xã hội. Diện mạo nông thôn ngày nay được phản ánh/ tái tạo như một hiện hữu đa cực, được hình thành bởi một hình thái tư duy nhận thức và cảm quan đời sống đa chiều, đa phiến.
Nhân vật trong tiểu thuyết đề tài nông thôn của Phạm Quang Long được quan sát ở cự ly gần. Điều thú vị hơn là đa phần các nhân vật có cá tính riêng, tạo ấn tượng mạnh với người đọc đều được chọn lọc từ các nguyên mẫu đời thực. Đó là ông lão nông dân gàn dở tên Thích, anh bộ đội liệt sĩ Thùy thông minh, hiếu học, kiên cường anh dũng hy sinh ngoài mặt trận (Chuyện làng); lão Hoản - “thánh chửi” của làng Hòa Đồng; nhân vật Đỉnh – một cựu binh/ trưởng thôn từng chiến đấu giỏi, sản xuất hăng, là điểm tựa đầy tin cậy của dân làng trong chiến dịch “dồn điền đổi thửa” cùng cơn lốc đô thị hóa nông thôn, và thú vị hơn cả đây chính là người biết làm giàu từ đặc sản rươi nức tiếng của quê nhà (Mùa rươi). Thế giới nhân vật ấy hắt bóng những vui buồn thế sự ở làng quê, làm nên khí cốt, tâm tính con người của một vùng đất. Diễn trình tự sự trong từng câu chuyện cho thấy Phạm Quang Long luôn có cái nhìn cởi mở, ấm áp, bình đẳng và dân chủ với nông dân, đối thoại với các nhân vật của mình ngang hàng, “sòng phẳng”. Ngay cả những nhân vật xếp vào hạng “tiêu cực”, là cái “gai” trong mắt dân làng, thậm chí là nỗi sợ hãi ám ảnh thường trực của vợ con, và mặc dù tác giả cứ như “đi guốc vào bụng” những con người lọc lõi, tưởng mình khôn hết phần thiên hạ như lão Thích, lão Hoản cuối cùng vẫn không gây nên mối ác cảm cho người đọc, mà ẩn chứa sự bao dung và lẽ phải trái ở đời. Giữa không gian làng quê, nhân vật trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long là hiện thân cho muôn mặt đời thường đa sắc, đa diện, đan xen nhiều thái cực bi và hài, cao cả và thấp hèn, thiện và ác… Qua mỗi phận người, phận đời, ông đã ký thác vào đó tất cả yêu thương, đồng cảm, sẻ chia từng niềm vui, hạnh phúc nho nhỏ và sống với tận cùng nỗi đau của đồng bào mình: “Một cái làng bé bằng cái lỗ mũi, được 40 hộ không mà gần hai chục liệt sĩ, thương binh? Tôi tính sơ sơ nhà nào cũng đóng góp một đến hai người. Tính cả nước thì nhiều lắm. Đúng là núi xương, sông máu…” (Lời nhân vật trong Chuyện làng – tr 464). Sau những biến thiên thời cuộc, những va chạm, xung đột không thể tránh khỏi ở một vùng quê nghèo, Phạm Quang Long đã đúc rút nên phép ứng xử như một triết lý sống nhân ái, sâu sắc: “Đời là thế. Làng cũng là một xã hội thu nhỏ. Có cái này thì cũng lại có cái kia. Bách nhân bách tính, mỗi người một số phận… ai sống cũng là trả nợ đời, ai cũng là kiếp sau của chính mình hay ai đó rồi lại là kiếp trước của người sau… Thế thì lúc sống hãy cứ theo lẽ phải mà sống, dễ người dễ ta, vừa mắt ta, ra mắt người. Các cụ nói gọn mà hay lắm nhìn nhau mà sống. Không có cái gì cụ thể, những ước định chỉ nằm trong những lẽ phải thông thường thôi mà sao nó làm cho con người ngay ngắn và tử tế” (Mùa rươi – tr 227). Đó là sự “thỏa hiệp”, kế thừa, tiếp biến nhằm bảo lưu những nét đẹp trong đối nhân xử thế, chuyển tải quan niệm về đạo lý, là tập quán, phong tục làm nên giá trị Việt bao đời. Tiểu thuyết của Phạm Quang Long theo đó, là thứ “văn chương chuyên chú ở con người”. Vì vậy, nó đậm đặc tố chất tiểu thuyết – một thể loại lấy đời sống cá nhân, thân phận con người  làm tâm điểm – và mang thông điệp nhân ái, nhân bản.
Khi viết về đề tài nông thôn và đời sống dân quê, Phạm Quang Long đặc biệt quan tâm đến việc kiếm tìm, giải mã các chỉ dấu trong sinh thể văn hóa của mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm ông từ thưở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Dù đã đến nhiều phương trời, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng lĩnh vực giáo dục Đại học: Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, và là “thuyền trưởng” của ngành văn hóa một thời: Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội, nhưng tâm trí ông vẫn chan chứa cảm xúc nguồn cội. Ông đã viết về quê hương xứ sở bằng tâm thế và nhãn quan của một nhà quản lý đồng thời là một người thụ hưởng văn hóa. Làng Hòa Đồng hay Đồng Hòa cũng đều là một không gian văn hóa vốn thuần Việt, từ cảnh sắc thiên nhiên đến nếp sống, tập tục, ẩm thực… Tuy không sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ như miền thượng du với núi cao sông rộng nhưng lại mềm mại duyên dáng bởi hàng cây, bến nước, ngôi chùa, đình làng, hồ ao, cánh đồng… và người nông dân vừa là những chủ thể của đồng ruộng, vừa là chủ thể mang hành vi văn hóa nơi đây. Bản sắc của một vùng quê được bảo tồn, lưu giữ qua dòng thời gian và thực sự thăng hoa từ những điều “vô cùng xưa cũ”, thường nhật, bình dị nhất. Những trò chơi con trẻ như đánh đáo, thả diều, bơi lội, những sản vật trời cho gắn với môi trường tự nhiên khá đa dạng về sinh học như cá, tôm, ốc, rươi… qua bàn tay chế biến của người dân bản địa đã được Phạm Quang Long giữ gìn như những báu vật của ký ức và trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc tâm hồn/ bản thể chính ông.
Trong số các tác giả văn xuôi đương đại có niềm say mê viết về ẩm thực, Phạm Quang Long là người đã để lại nhiều trang văn đặc sắc. Từ những món ăn dân giã, bằng lối miêu tả tỉ mẩn, chăm chút, nâng niu đến từng chi tiết, qua mỗi món ăn, ông đã gửi vào đó ít nhiều quan niệm phong thủy và chút triết lý riêng. Có thể nói ông như một đầu bếp chuyên nghiệp có tay nghề cao đang giới thiệu một “menu” dài mà món nào cũng ngon, hấp dẫn, đủ sức kích thích vị giác người đọc. Mùi thơm, hương vị của từng món ăn như ngấm vào từng con chữ, gợi cảm, thấm tháp: “Vừa đun xong niêu cá rô kho, đáy nồi lót lớp lá gừng, lấy rơm vanh một vòng xung quanh, đổ trấu đốt cho cháy ngun ngún… Cá rô to cỡ ấy, hai lườn dày những thịt nục nạc, mắm muối nêm vừa miệng, kèm theo mấy quả chuối ngô già kho cùng, ăn với cơm gạo mới, ngon không chê vào đâu được” (Chuyện làng – tr 51). Tôm rảo và rạm, những sản vật của vùng nước lợ hiện lên đầy màu sắc qua những nét đặc tả của một cây bút sành sỏi, rành chuyện ăn uống: “Tôm rảo bơi to con hơn những con tôm thường, con nào cũng to bằng ngón tay cái, kho lên thịt chắc và ngọt, cắn ngập răng, đầy mồm. Nhưng thích nhất vẫn là những con rạm bơi, con nào cũng to như con cà ra, con cái thì đầy gạch, con đực thì chắc như nắm cơm, thịt nhiều… Những con rạm vặt gọng ra giã riêng, lọc lấy nước cốt, mình rạch bỏ yếm, bóc mai, khều lấy gạch, cho nước cốt vào om, rắc ít lá lốt thái nhỏ dậy mùi thơm, những váng mỡ nổi như sao bên cạnh những đám gạch vàng như màu nghệ. Thứ ấy đem ăn với cơm gạo mới thì thủng nồi, trôi rế. Ngon đã đành mà nó còn gợi biết bao chuyện về đồng đất, con người, thói quen, nếp nghĩ” (Mùa rươi – tr 103). Trong bảng thực đơn nhiều món, đúng chất ruộng đồng ấy, có thể nói ốc bươu gác bếp và rươi kho là hai món khoái khẩu, độc lạ với cách thức nấu nướng cầu kỳ không kém những món cao lương mỹ vị khác: “Ốc bươu già, miệng đầy ruột đẩy cả nắp ra ngoài, sáp ánh màu đùng đục sau lớp vỏ được chọn mười con như một, bỏ vào trong một chiếc rổ to, miệng đậy một chiếc sảo để bồ hóng còn có chỗ lọt xuống, để trên gác bếp, hơi xa chỗ đun một ít cho đỡ nóng quá, sau vài ba tháng cho đến độ nửa năm là có thể lấy xuống dùng được. Lạ cho cái giống ốc bươu, bình thường ở ngoài ao, lúc nào cũng cần nước nhưng khi đã để trên gác bếp rồi, chúng chỉ ăn bồ hóng mà vẫn sống, lại còn béo trắng ra, con nào con nấy cứ nung núc những thịt, những mỡ, chỗ đen thì đen đậm, chỗ trắng thì trắng ngà những mỡ là mỡ, trông rất bắt mắt, nhớt bẩn đi đâu hết … Ốc chặt đít, làm sống chứ không luộc, đem ướp với riềng, nghệ vừa đủ xào lên với ít thịt ba chỉ, đậu phụ nướng khéo. Chuối luộc vừa chín tới, đem om với ốc đã xào, cho thêm bát dấm thanh, đến khi nước cạn chỉ còn sôi lạch xạch, cho thêm hành hoa, lá lốt, rau ngổ, để đám rau thơm vừa tai tái thì múc ra bát, vừa ăn, vừa thổi, xì xụp thế mới sướng” (Chuyện làng – tr 345). Món rươi nức tiếng của ẩm thực Bắc Kỳ đã từng được truyền tụng, làm say lòng người qua những áng tùy bút tài hoa của Vũ Bằng nửa đầu thế kỷ XX một lần nữa lại được Phạm Quang Long tôn thành “đệ nhất khoái khẩu” bằng tất cả những gì tươi nguyên, thuần chất, bổ dưỡng chứ không phải là khoanh chả rươi trứ danh được tô điểm cầu kỳ, bắt mắt. Nhưng để đạt đến thành phẩm chuẩn vị chất lượng thì đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo không kém của một tay nghề bậc cao: “Kho rươi phải dùng niêu đất, dùng nồi nhôm hay gang đều chả ra gì. Trước hết phải lấy thật nhiều gừng, cứ theo thành nồi mà lót từ trên xuống dưới khoảng hai lớp là được. Nhưng lá gừng lót đáy và cạnh nồi phải xếp vài lớp thật khéo tay, không để nước gia vị và bột rươi vỡ ra lúc sôi chảy xuống đáy nồi làm mất vị béo mà con rươi lại bị xác. Như vậy, lớp lá gừng để chống sát nồi là chính nhưng khi lá gừng chín, sẽ tỏa mùi thơm, ngấm vào con rươi cũng đang se dần, lúc ăn sẽ thấy cả hương lẫn vị thơm cay nhè nhẹ của gừng thật dễ chịu. Cái vị thơm cay nhẹ nhàng, tinh tế, quyến rũ” (Mùa rươi – tr 122) v.v… và v.v… Lan man, dài dòng như vậy cũng là một cách để cùng thưởng thức mùi vị các món ăn và cảm nhận đầy đủ cái tâm, cái tình, hứng thú và tầm nhìn của người cầm bút. Bởi vì, đằng sau câu chuyện ăn uống là tín hiệu và sự tích hợp các yếu tố làm nên bản sắc văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Nền nghệ thuật ẩm thực ấy tồn tại ngàn đời cùng với cơ tầng/ đặc điểm của văn minh lúa nước. Nó hiển thị như một mảnh ghép dung dị, sống động trong bức khảm nhiều màu của thực thể văn hóa Việt.

Song song với việc tôn tạo/ truyền bá hình ảnh văn hóa vật thể/ phi vật thể, một thái cực khác về bức tranh đời sống nông thôn được đề cập trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long là hiện tượng những thuần phong mỹ tục làm nên hệ giá trị Việt ở một miền duyên hải rộng lớn đang có dấu hiệu phai màu, suy yếu. Đây thực sự là mối quan hoài đau đáu trong cảm thức văn hóa của ông. Hiện trạng nông thôn đương đại gợi nên nhiều suy tư, trăn trở, thậm chí là bất tín, hoang mang khi phải chứng kiến những hành vi ứng xử phũ phàng, thiếu/ vô văn hóa ngay ở chốn làng mạc, nơi vốn được coi là giàu sức đề kháng, có khả năng miễn nhiễm cao trước những gì đối lập với phong tục, tập quán lâu đời. Đã có một thời, người ta đập phá chùa chiền với danh nghĩa xóa bỏ mê tín dị đoan, nhưng dù vô tình hay hữu ý, đó cũng là hành động xúc phạm đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống như một cứu rỗi, chở che đối với người Việt xưa nay: “Con người có tổ có tông, có đức tin của mình. Khi không còn tin vào cái gì nữa thì cũng là bắt đầu của tai họa đấy, ông ạ. Tôi không lộng ngôn đâu. Thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ Thần Phật phù hộ độ trì là cái nếp của con người có trước có sau, sao lại gọi là mê tín dị đoan được? Đức Phật từ bi xưa nay chỉ khuyên người ta ăn ở phúc đức chứ có khuyên chúng sinh làm hại ai bao giờ” (Chuyện làng – tr 80). Xu hướng bê tông hóa bừa bãi, vô tội vạ đã không chỉ gây ra vấn nạn bức tử sinh thái, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà còn tổn hại trầm trọng đến đạo lý, đến tình làng nghĩa xóm: “Hình hài làng ngày càng quái dị. Nham nhở, nhấp nhô, lở lói. Người ta chỉ quan tâm đến ngôi nhà của mình chứ chả hơi sức đâu mà để ý đến nhà người khác, việc người khác… Lòng dạ con người cũng không còn nguyên vẹn cái chất phác như vài chục năm trước. Sự tư lợi đang làm cho cả hình hài làng xóm lẫn con người đổi khác đi rất nhiều. Phần lành lặn ít hơn, cái nhếch nhác, méo mó đậm hơn… Người ta chỉ chạy theo một khao khát sống sao cho sướng hơn chứ không còn chăm chút cho việc sống sao cho tử tế hơn nữa (Mùa rươi – tr 336). Ngay cả tiếng sáo diều, một thứ âm thanh trong trẻo, ngân nga, vi vút trên bầu trời quê gợi nên sự thanh sạch, yên ả cũng biến tướng thành mối ô nhiễm bởi đám đông đã “chịu thua” một “thằng cùn”,  dàn đồng ca êm đềm, thanh bình bị lấn át bởi những âm thanh “náo loạn”, “như đấm vào tai, đầy khiêu khích”, “thỉnh thoảng lại hộc lên như tiếng chó”… Đằng sau những nghịch cảnh phản văn hóa đã được phơi bày ấy là nỗi ưu tư, suy ngẫm về những thương thỏa văn hóa đặng bảo tồn, phát huy hệ giá trị Việt trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập, giao lưu thời mở cửa.
Về nghệ thuật tự sự và đặc điểm thi pháp, Phạm Quang Long có sự kết hợp hài hòa giữa lối viết truyền thống và tìm tòi cách tân. Hình tượng không/ thời gian qua hai tác phẩm tuy vận động theo mô hình trật tự tuyến tính nhưng không hề cứng nhắc, đơn điệu mà vẫn linh hoạt, đa dạng. Ở đó có thời gian cốt truyện tuần tự đan cài thời gian đồng hiện, thời gian hoài niệm, thời gian ngoái lại… Và không gian hiện thực song tồn cùng không gian tâm tưởng, không gian thiên nhiên hiện diện bên cạnh không gian bối cảnh xã hội … Thêm vào đó, bút pháp miêu tả tâm lý cũng là một trong những ưu thế nổi bật làm nên phong cách Phạm Quang Long. Không bị cuốn vào lối viết làm “xoắn não”, rối trí người đọc bởi kết cấu mê cung, thủ pháp dòng ý thức miên man, chìm đắm, tiểu thuyết của ông lôi cuốn người đọc ở những diễn giải, mô tả tâm lý sâu sắc, thấu hiểu nhân tình thế thái. Vì vậy, các nhân vật của ông (chủ yếu là nhân vật chính) luôn có đời sống nội tâm đầy đặn với những diễn biến phức tạp, nhiều chiều. Điều cuối cùng không thể bỏ qua ở phương diện kết cấu văn bản là sự hòa trộn, đan xen những tình thái, cung bậc để tạo tính đa thanh về giọng điệu: trang nghiêm và hài hước, thương cảm và giễu nhại, thỏa hiệp và tranh biện… Đặc biệt, trong chuỗi “lời ăn tiếng nói” của các nhân vật (kể cả tích cực và tiêu cực), Phạm Quang Long đã không ngại ngần khi để họ thoải mái “văng tục”, nhưng những phát ngôn ấy của nhân vật không hề gợi sự tục tĩu, phản cảm. Trái lại, nó như một thứ gia vị tạo nên độ mặn mòi cho các trang viết, đem lại tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái, nhằm giải tỏa nỗi bức xúc; như một liều thuốc “xả tress” hiệu nghiệm khi con người cảm thấy quá mệt mỏi, căng thẳng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thái Bình) đã chia sẻ những cảm tưởng, suy nghĩ sâu sắc, thân ái của mình về người bạn đồng hương tri âm: “Trong hầu hết các tiểu thuyết của mình, ông Long đều muốn gửi gắm những ưu tư, trăn trở về thế sự và cũng tranh thủ cổ vũ cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước sao cho tình người, lẽ đời sẽ chấn hưng để cao đẹp, cao thượng như ông đã từng được dạy dỗ, được cảm nhận từ thời còn thơ ấu, còn trai trẻ” (Mùa rươi – tr 9). Bao trùm lên tác phẩm của Phạm Quang Long là tình thương yêu những người dân quê tứ thời lam lũ, và viết đối với ông có thể coi là nghĩa cử, là hành động để trả món nợ quê nhà, “nợ non sông”,…
Tuy nhiên, bên cạnh sự giàu có về vốn sống nông thôn, Phạm Quang Long cần chọn lọc và tiết chế hơn, gạt bỏ sự rậm rạp, rườm rà để cốt truyện gọn và “thoáng” hơn. Ngoài ra, kiểu tư duy thiên về tính luận đề, ham tranh luận, “lý sự” của ông đôi khi hơi “quá đà” khiến người đọc cảm thấy “mệt” và “nặng đầu”… Nhưng phần thiếu khuyết khó tránh khỏi đó chưa phải là một lực cản giảm thiểu sức lan tỏa và nguồn sinh lực lành mạnh của một cây bút đầy nhiệt tâm, giàu năng lượng.
Từ hình ảnh một ngôi làng/ mẫu gốc “bé như cái khoảm bò”, thông qua những câu chuyện kể mãi không vơi về số phận thăng trầm của một vùng đất, những vui buồn của thân phận con người, niềm tin vào sự hướng thiện và phẩm hạnh cao đẹp của nhân tính; Phạm Quang Long đã tái tạo nên một tổng thể hiện thực vừa thân thuộc, vừa khác lạ. Những sinh thể tiểu thuyết của ông, do vậy, luôn chứa đựng nguồn cảm hứng nhân văn sâu sắc và mở ra những đối thoại phức hợp về diễn ngôn văn hóa dân tộc./.
(*) Chuyện làng - Nxb Công an nhân dân. H, 2020
(**) Mùa rươi – Nxb Văn học – H, 2022
Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2023

Tác giả: PGS.TS Lý Hà Thu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây