Điểm đầu tiên đoàn đặt chân tới là Quảng trường Nguyễn Văn Linh – nơi đặt tượng vị Tổng Bí thư mà tên tuổi gắn liền với cách mạng miền Nam Việt Nam, gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tiếp đến đoàn tới dâng hương tại Văn miếu Xích Đằng hay còn gọi Văn miếu Hưng Yên, một di tích quan trọng trong Quần thể di tích Phố Hiến. Đây là nơi tôn vinh nền học vấn, trở thành một biểu tượng của văn hóa, văn hiến Hưng Yên. Khuôn viên Văn miếu trải rộng gần 6ha, phía trước là đầm Vạc, bên cạnh phía tây là hồ Văn. Toàn cảnh các hạng mục công trình được bố trí đồng bộ và liền mạch. Hiện vật quý giá nhất là 9 tấm bia văn miếu Xích Đằng, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Trên các bia đá ghi danh các vị đỗ Đại khoa (của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê, Nguyễn. Ngoài ra, hai chiếc chuông và khánh đá của văn miếu Xích Đằng cũng là di vật cổ được đúc từ thế kỷ 18.
Rời Văn miếu Xích Đằng, đoàn tới dâng hương tại chùa Chùa Chuông ngự toạ tại Đường Văn Miếu, thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa Chuông Hưng Yên là một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, thuộc Quần thể di tích Phố Hiến nổi danh. Với bề dày lịch sử, kiến trúc đẹp cùng hệ thống các pho tượng cổ độc đáo, chùa Chuông đã trở thành điểm tham quan và du lịch tâm linh hấp dẫn.
Đoàn cũng đã dâng hương tại Đền Trần - ngôi đền tôn thờ Trần Hưng Đạo - vị anh hùng nổi tiếng của dân tộc, thông qua đó thể hiện đạo lý bất hủ ” Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân ta từ xưa đến nay. Sau đó, đoàn tới dâng hương tại Đền Mẫu nằm ven hồ Bán Nguyệt phong cảnh hữu tình, mặt nước trong xanh phẳng lặng, bốn bề cây xanh râm mát, di tích Đền Mẫu (phường Quang Trung – Thành phố Hưng Yên), một công trình kiến trúc thuần Việt, một di tích lịch sử văn hoá gần gũi với nhân dân.
Điểm cuối cùng đoàn dừng chân ghé thăm là Cây Nhãn Tổ - cây nhãn tổ có tuổi thọ hơn 400 năm, tọa lạc tại chùa Hiến (Phố Hiến, Hưng Yên) chính là minh chứng chứng hùng hồn cho nguồn gốc của giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên ngày nay.
Các hội viên Hội cựu giáo chức Trường đã có một ngày trải nghiệm, khám phá thú vị về các di tịch văn hoá lịch sử của Hưng Yên. “Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì Phố Hiến” thật chẳng sai mỗi khi người ta nhắc về Phố Hiến, Hưng Yên – nơi một thời vô cùng sầm uất và náo nhiệt của các thương nhân buôn bán nước ngoài. Ngày nay, Phố Hiến không còn vẻ náo nhiệt tấp nập như trước, thay vào đó là một vẻ tĩnh lặng mang không khí hoài cổ, gợi cảm giác bình an cho ai đến thăm. Buổi giao lưu, tham quan thực tế tìm hiểu văn hoá lịch sử tại Hưng Yên đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đẹp trong mỗi hội viên. Các hội viên bày tỏ nguyện vọng mong muốn Hội Cựu giáo chức Nhà trường, Công đoàn Trường sẽ tiếp tục hỗ trợ để Hội cựu giáo chức duy trì và có thêm những buổi tham quan, giao lưu ý nghĩa.
Dưới đây là một số hình ảnh từ chuyển tham quan