Ngôn ngữ
Bảng xếp hạng đại học trẻ năm 2021 của THE (Young University Rankings) là bảng xếp hạng riêng các đại học thế giới tốt nhất được thành lập dưới 50 năm. Trên thực tế, bảng xếp hạng này được sử dụng phương pháp đánh giá tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới của THE (World University Rankings) nhưng trọng số của các tiêu chí trên được điều chỉnh lại để phản ánh sứ mệnh và vai trò của các đại học trẻ, trong bối cảnh toàn của cầu hóa giáo dục, các đại học là mở rộng quy mô và tập trung đầu tư vào nghiên cứu.
Hình 1: Các trường đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Young University Rankings 2021
Nguồn: timeshigereducation.com
Bảng xếp hạng Young University Rankings 2021 xếp hạng đại học dựa trên bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 tiêu chí lớn: Giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn khoa học (30%), Triển vọng quốc tế (7,5%), Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).
Hình 2: Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng của Bảng xếp hạng Young University Ranking 2021
Nguồn: timeshigereducation.com
Trong kỳ xếp hạng năm 2021, Bảng xếp hạng Young University Rankings có 475 cơ sở giáo dục đại học đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 61 cơ sở giáo dục so với năm 2020). Việt Nam có 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng. ĐHQGHN lần đầu tham dự bảng xếp hạng và có thứ hạng trong nhóm 251-300 thế giới, tiếp theo là ĐHQG TP.HCM với thứ hạng trong nhóm 401+.
Với chiến lược không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hướng đến triết lý phát triển bền vững, ĐHQGHN luôn có những chuyển biến tích cực về nâng cao tầm ảnh hưởng và vị thế xếp hạng. Trong lần đầu tham gia xếp hạng tại Young University Rankings 2021, ĐHQGHN đã có được sự đánh giá cao nhất ở tiêu chí Giảng dạy (Môi trường học tập) khi điểm xếp hạng ở tiêu chí này cao hơn 2,3% so với điểm trung bình của 50 cơ sở giáo dục xếp hạng trong nhóm 251 – 300; thậm chí còn cao hơn 6,3% so với điểm trung bình của 52 cơ sở giáo dục trong nhóm 201-250 thế giới. Ngoài ra, đối sánh với kết quả xếp hạng, ĐHQGHN còn có 2 tiêu chí khác là Triển vọng quốc tế và Trích dẫn có điểm cao hơn so với mặt bằng chung trong của nhóm xếp hạng 251-300 lần lượt là 12.9% và 11.3%. Điểm xếp hạng của chỉ số Thu nhập từ chuyển giao tri thức của ĐHQGHN tiệm cận với điểm trung bình chung của nhóm 201-250 và 251-300 khi chỉ kém 0.5% so với nhóm 201-250 và kém 1% so với nhóm 251-300.
Dưới đây là bảng đối sánh điểm đánh giá của ĐHQGHN và điểm trung bình chung của nhóm cơ sở giáo dục xếp hạng 201 – 250 và nhóm 251 – 300 thế giới:
Theo xếp hạng mới nhất của Times Higher Education trong Bảng xếp hạng Young University Rankings 2021, Hàn Quốc là nước có số lượng các trường đại học trẻ có vị trí xếp hạng hàng đầu thế giới nhiều nhất so trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng. Quốc gia Đông Á này giành ba vị trí trong top 10 của Bảng xếp hạng các trường đại học trẻ, nhiều hơn nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Viện Khoa học và Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) đứng thứ tư, tăng so với vị trí thứ 5 năm ngoái; Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) vẫn đứng thứ tám; và Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (UNIST) đứng thứ 10, tăng từ vị trí 17 trong bảng xếp hạng năm 2020. Ngoài ra, Hàn Quốc còn 4 cơ sở giáo dục khác có mặt trong Bảng xếp hạng.
Đây là năm đầu tiên trong top 10 có sự góp mặt đông đảo của các trường đại học trẻ châu Á. Thành tích nổi bật của các đại học trẻ ở Hàn Quốc là một phần của xu hướng phát triển và nâng cao chất lượng, phản ánh sự tăng trưởng ổn định của giáo dục đại học ở châu Á. Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng (năm ngoái đứng thứ hai), trong khi Hồng Kông có hai đại diện trong top 10 là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (thứ ba, giảm so với vị trí số 1 năm 2020) và Đại học Thành phố Hong Kong (thứ năm, so với vị trí thứ bảy năm 2020).
Trong 61 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tham gia xếp hạng Young University Rankings 2021, Đại học Paris-Saclay của Pháp có kết quả xếp hạng cao nhất ở vị trí 22 trong bảng xếp hạng.
Vương quốc Anh vẫn là lãnh thổ có nhiều đại diện nhất trong bảng xếp hạng, với 37 cơ sở giáo dục, Ấn Độ hiện đứng thứ hai (tăng từ vị trí thứ ba năm 2020) với 34 cơ sở giáo dục, Tây Ban Nha với 33 cơ sở giáo dục.
Trong 3-4 năm gần đây, ĐHQGHN luôn giữ vị trí trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất thế giới ở cả hai Bảng xếp hạng của QS và THE; góp mặt ở Bảng xếp hạng đại học Châu Á của THE và QS; thuộc nhóm top 101-150 các đại học trẻ tốt nhất thế giới của QS.
Ngoài ra, ngày 21/04/2021 THE công bố kết quả xếp hạng của Bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2021 (Bảng xếp hạng đánh giá tầm ảnh hưởng của các đại học trên thế giới với cộng đồng theo tiêu chí đánh giá của 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc), ĐHQGHN có thứ hạng 401-600 thế giới. Đặc biệt, về Mục tiêu phát triển bền vững SDG 4: Giáo dục có chất lượng, đây là mục tiêu có thứ hạng cao nhất và ĐHQGHN đã đạt vào nhóm 100 thế giới ở mục tiêu này, khi kết quả xếp hạng ở vị trí 92/966 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng ở tiêu chí này.
Về xếp hạng theo lĩnh vực, ĐHQGHN hiện có 5 lĩnh vực được QS xếp hạng, đó là Khoa học máy tính và hệ thống thông tin (đứng thứ 601 – 650 thế giới), Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo (451 – 500), Toán học (401 – 450), Vật lý và thiên văn học (501 – 550), Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý (501 – 550). Trong Bảng xếp hạng THE, 3 lĩnh vực của ĐHQGHN được xếp hạng bao gồm: Khoa học máy tính (501-600 thế giới), Khoa học Vật lý (601-800), Kỹ thuật & Công nghệ (401-500).
Tác giả: Phòng Quản trị đại học và Đánh giá chất lượng, Viện ĐBCLGD - VNU Media
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn