Tham dự buổi gặp gỡ về phía Malaysia còn có Tiến sĩ Azriey Bin Mazlan, Lãnh sự Giáo dục thuộc Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Megat Mohd Samsul Bin Megat Ismail Giám đốc khu vực, bộ phận tiếp thị của EMGS.
Về phía trường ĐHKHXH&NV, có PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo, Hợp tác và phát triển, Khoa Đông phương học.
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường vui mừng chào đón đoàn công tác của Văn phòng Dịch vụ Toàn cầu Giáo dục Malaysia và Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Trường, đồng thời giới thiệu với Đoàn những thông tin khái quát nhất về bè dày truyền thống, vị thế, thành tựu của Nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó, Phó Hiệu trưởng mong muốn phía đối tác trao đổi cụ thể những cơ hội hợp tác giữa hai bên và chương trình, hoạt động cụ thể hỗ trợ sinh viên, giảng viên.
Ông Novie Bin Tajuddin chia sẻ: Là cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy Malaysia trở thành trung tâm giáo dục quốc tế được lựa chọn, mục tiêu của EMGS tăng cường kết nối để đưa sinh viên quốc tế tới học tập tại Malaysia. Vì vậy, chuyến thăm của chúng tôi tới VNU-USSH lần này mong muốn hỗ trợ USSH có cơ hội được học tập, tham gia các chuyến thực tập, thực tế tại các trường Đại học hàng đầu Malaysia. Đồng thời EMGS sẽ là cầu nối thúc đẩy đào tạo chương trình bằng kép giữa VNU-USSH và các đại học công lập tại Malaysia, cũng như với các trường đại học nước ngoài có chi nhánh tại Malaysia. Theo thống kê hiện nay ở Malaysia có chi nhánh 10 trường ĐH nước ngoài, tiêu biểu: ĐH Monash (Australia), chi nhánh Melangor; ĐH Nottingham (Vương quốc Anh), chi nhánh Selangor; ĐH Southhampton (Vương quốc Anh), chi nhánh Johor; …
Đại diện cho Tổng Lãnh sự quán Malaysia, TS Azriey Bin Mazlan khẳng định sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, mở rộng giao lưu văn hóa, tạo cơ hội học tập trong môi trường quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Cũng theo Ngài Lãnh sự, nền giáo dục Malaysia đang rất phát triển, thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học, trong đó có Việt Nam vì chất lượng đào tạo tốt, trường có kiểm định và thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng như QS Ranking, Times Higher Education (THE)… cùng chi phí sinh hoạt, học phí khá thấp so với các nước tại châu Á nên rất phù hợp với sinh viên Việt Nam.
Đáp lại những đề xuất của phía Malaysia, PGS.TS Đào Thanh Trường và đại diện phòng Đào tạo chia sẻ thông tin về các chương trình hợp tác thành công giữa VNU-USSH với đối tác châu Âu (Chương trình trao đổi tín chỉ quốc tế Erasmus+), với các trường ĐH Trung Quốc (triển khai chương trình liên kết đào tạo mô hình 3+1, 2+2 về CTĐT ngành Du lịch học, Văn hoá học); trao đổi ngắn hạn. Bên cạnh đó, hàng năm có hàng trăm sinh viên quốc tế đến VNU-USSH học tập, nghiên cứu và tham gia summer courses tìm hiểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam,… Năm 2024 Nhà trường có kế hoạch dự kiến sẽ đưa 500 sinh viên đi trao đổi học thuật, thực tập, thực tế tại các quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Vì vậy những đề xuất trên đây của đại diện lãnh đạo EMGS cũng như Lãnh sự quán Malaysia là thiết thực, khả thi, cung cấp thêm cơ hội cho sinh viên VNU-USSH trải nghiệm môi trường học tập quốc tế.
TS Phạm Văn Huệ, Phó phòng Đào tạo, chia sẻ: Với quy định của ĐHQGHN hiện nay, sinh viên của VNU-USSH có thể học tập tại nước ngoài và được Nhà trường công nhận (số tín chỉ không quá 25% CTĐT)
Kết luận buổi làm việc, hai bên thống nhất: Văn phòng Dịch vụ Toàn cầu Giáo dục Malaysia (EMGS) và VNU-USSH sẽ kí kết văn bản hợp tác làm khung pháp lí cho những hoạt động cụ thể. EMGS cam kết tăng cường kết nối, chia sẻ những thông tin về chương trình học bổng dành cho sinh viên, giảng viên quốc tế của các trường đại học tại Malaysia cho đông đảo sinh viên VNU-USSH.