Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận và đánh giá việc thực thi Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu (EU) kể từ sau khi Chiến lược chính thức được công bố vào tháng 09 năm 2021. Trên cơ sở đó, hội thảo cũng hướng tới việc đánh giá những triển vọng của việc thực thi chiến lược này của EU trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Bùi Thành Nam Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐHKHXH&NV, ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam; ban lãnh đạo khoa Quốc tế học, các chuyên gia cũng như đông đảo giảng viên, sinh viên từ nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu về Quốc tế học/Quan hệ Quốc tế trên cả nước.
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Bùi Thành Nam nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo cũng như đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam và Nhà trường: “Tầm nhìn và sự hỗ trợ vững chắc của KAS là nền tảng giúp mối quan hệ hợp tác học thuật này không chỉ khả thi mà còn đầy hứa hẹn. Sự kiện được tổ chức bởi hai đơn vị chúng ta hôm nay tiếp tục chứng minh cho mối quan hệ hiệu quả và bền vững này”.
Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, PGS.TS. Trần Thiện Thanh, Trưởng Khoa Quốc tế học, cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa những đóng góp chủ động và tích cực của Khoa Quốc tế học trong sự hợp tác giữa hai bên trong tương lai.
Bắt đầu phiên thảo luận, TS. Detlef Briesen đến từ Đại học Justus-Liebig Giessen (CHLB Đức) – một thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu – đã trình bày tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính trong giai đoạn ba của dự án. Cụ thể, các báo cáo đã chỉ ra sự vận động mạnh mẽ hướng đến một trật tự thế giới đa cực mới và Liên minh Châu Âu cần một chiến lược để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu (TS. Detlef).
Trong bối cảnh đó, EU cần xây dựng một định hướng chính sách riêng dựa trên sự tự chủ chiến lược cũng như cần ưu tiên cho việc thiết lập sự cân bằng cốt yếu trong việc can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (GS. Margit Bussmann, ĐH Griefswald, CHLB Đức).
Về các lĩnh vực cụ thể trong quan hệ song phương giữa EU với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các báo cáo tập trung vào một số chủ đề: chiến lược kết nối có trọng điểm của EU với khu vực nhằm đạt được hiệu quả tối đa (PGS. TS. Bùi Hồng Hạnh, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), những tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác kinh tế của EU với khu vực (TS. Nguyễn Văn Đáp, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) và sự phức hợp trong cách tiếp cận tập trung vào giá trị của EU khi can dự vào những vấn đề trong khu vực (TS. Nguyễn Thị Thùy Trang và TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).
Bên cạnh bình luận về các kết quả nghiên cứu chính mà đại diện nhóm nghiên cứu đã chia sẻ, hội thảo sau đó cũng mở rộng thêm phần thảo luận về quan điểm của các chủ thể quan trọng trong khu vực về việc triển khai chiến lược của EU trong bối cảnh mới. Giáo sư Go Ito, Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực phức tạp về an ninh và Nhật Bản có thể giữ vai trò quan trọng, trong khi đó, sự can dự của EU vào khu vực chỉ hiệu quả khi có thể giải quyết được sự khác biệt giữa các nước thành viên để thực thi chính sách chung. Bình luận về quan điểm của Hàn Quốc, TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cho rằng “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU là cơ hội để Hàn Quốc tìm kiếm đối tác quốc tế mới, ngoài những đối tác truyền thống như Mỹ và các nước châu Á. Dựa trên nền tảng mối quan hệ thiết lập từ trước đó, chắc chắn Hàn Quốc sẽ hướng tới củng cố mối quan hệ hiện tại với EU nhưng phải đối diện với các thách thức mới, từ việc cân nhắc giữa quan hệ với các đối tác đến việc đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế.” GS.TS. Kumaresan Raja, Đại học Pondicherry, Ấn Độ, khi bình luận về quan điểm của Ấn Độ, cho rằng: “Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung vào vai trò trung tâm của ASEAN. Cách tiếp cận này bổ trợ cho cách tiếp cận của EU đối với khu vực, nhằm mục đích duy trì sự ổn định chính trị và xã hội, mục tiêu cơ bản của EU là Châu Á. EU cũng ủng hộ các biện pháp hỗ trợ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực. Lợi ích của Ấn Độ và EU hội tụ khi cả hai bên đồng ý xây dựng quan hệ đối tác để củng cố trật tự thế giới dựa trên luật lệ.”
Kết luận buổi Hội thảo, ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện Konrad-Adenauer-Stiftung tại Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm địa chính trị hấp dẫn của thế kỉ 21. Đây là một khu vực cách xa về mặt địa lý với Liên minh Châu Âu nhưng là một khu vực có tầm quan trọng về cả sự thịnh vượng và an ninh của Liên minh Châu Âu. Chiến lược của Liên minh Châu Âu thừa nhận tầm quan trọng địa chiến lược và địa chính trị của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng”.
Dự án nghiên cứu ”Cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn” do bet365 football
(Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) tại Việt Nam triển khai, gồm ba giai đoạn: Giai đoạn đầu thực hiện năm 2021 phân tích Chiến lược của EU và một số thành viên đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và quan điểm ban đầu của Việt Nam; Giai đoạn 2 năm 2022 xem xét những quan điểm và phản ứng của các quốc gia quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Chiến lược của EU; Giai đoạn 3 tiến hành năm 2023 nghiên cứu tác động của những thay đổi của tình hình quốc tế đến việc triển khai Chiến lược của EU và triển vọng hợp tác của EU ở khu vực trong tương lai./. |