Toàn cảnh Hội thảo KH quốc tế “Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại”.
Tham dự Hội thảo về phía Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn có PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo, đông đảo cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh khoa Triết học.
Đại biểu quốc tế có Giáo sư, Tiến sĩ Detlef Briesen - Trường Đại học Justus Liebig Giessen, Đức; Giáo sư, Tiến sĩ Jean Francois Dupeyron - Trường Đại học Bordeaux, Pháp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn, góp phần tổng kết lại kết quả đã đạt được trong nghiên cứu về lí thuyết mô hình triết lý giáo dục, về lịch sử hình thành triết lý giáo dục Việt Nam cũng như những kinh nghiệm, bài học rút ra từ các quốc gia, góp phần làm sâu sắc, hoàn thiện thêm khía cạnh, nội dung của triết lý giáo dục; đồng thời chỉ ra những vấn đề mới, đang nảy sinh trong thực tiễn giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận".
PGS.TS Lại Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các học giả trong và ngoài nước từ Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN); Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHCM; Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; Trường ĐH Thủ Dầu Một; Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Viện Triết học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính Quốc gia; Đại học Công nghệ giao thông vận tải; Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng; Thiền viện Chơn Không; TP Vũng Tàu; Học viện An ninh nhân dân; Trường Đại học Thương mại; Trường Chính trị Tỉnh Kiên Giang; Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế, Trường ĐH Xây dựng, Học viện An ninh nhân dân; Trường ĐH Mỏ - Địa chất.
Các học giả trong và ngoài nước đã gửi tới hội thảo tổng cộng 72 bài tham luận, tập trung vào 4 vấn đề chính:
1. Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng một triết lí giáo dục của cơ sở đào tạo và của quốc gia.
2. Vai trò của KHXH&NV trong việc định hình, triển khai triết lí giáo dục trong thực tiễn.
3. Một số triết lí giáo dục trong lịch sử Việt Nam và những giá trị cốt lõi cần phát huy.
4. Triết lí giáo dục của một số quốc gia trên thế giới – kinh nghiệm cho Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích rất công phu, kĩ lưỡng các triết lý Phật giáo, Nho giáo sơ kỳ về giáo dục, quan điểm giáo dục của các nhà tư tưởng Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, triết lý giáo dục của UNESCO; quan điểm của một số nhà tư tưởng trên thế giới: Rudolf Steiner, Maria Montessori, Jean Jacques Rousseau, Mahatma Gandhi,… cũng như từ thực tiễn sinh động của bức tranh giáo dục hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra khẳng định: cần nhanh chóng ban hành Triết lý giáo dục Việt Nam với những giá trị cốt lõi, khái quát mang tính định hướng.
Một số nhà nghiên cứu đã đi sâu phân tích những khía cạnh, biểu hiện cụ thể của triết lí giáo dục trong thực tiễn: triết lí về người thầy, giáo dục khai phóng, tư tưởng dân chủ trong giáo dục, cũng như tham khảo thành tựu trong công cuộc đổi mới của các quốc gia trên thế giới (Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore,…).
Nhiều nghiên cứu đi sâu phân tích những thành tựu trong công cuộc đổi mới giáo dục của các quốc gia trên thế giới đã đề xuất những giải pháp, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, triển khai triết lí giáo dục trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Trong báo cáo đề dẫn PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (Khoa Triết học, VNU-USSH) đã khơi gợi nhiều hứng thú tranh luận đối với một số vấn đề cốt yếu của hội thảo như: Liệu có cần thiết phải xây dựng một triết lí giáo dục của Việt Nam hay không? Nội hàm và những giá trị cốt lõi của triết lí giáo dục Việt Nam là gì? Và giải pháp nào để đảm bảo hiện thực hóa thành công triết lí đó trong thực tiễn sinh động của nền giáo dục hiện nay.
Những vấn đề đó đã phần bào tìm thấy câu trả lời qua một số kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo và sự thảo luận sôi nổi, chia sẻ cởi mở của các đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến qua phần mềm zoom.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường ĐHKHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh) với Báo cáo: "Con đường xây dựng triết lý giáo dục và triết lý giáo dục Việt Nam" đã đưa ra mô hình cấu trúc 3 tầng 6 thành tố của triết lí giáo dục Việt Nam bao gồm. Tầng I là cấu trúc tối thiểu gồm 2 thành tố là Sứ mệnh và Mục tiêu giáo dục. Tầng II là cấu trúc cơ bản, có 2 thành tố là Nguyên lý giáo dục và Giá trị cốt lõi của Văn hóa giáo dục. Tầng III là cấu trúc mở rộng, có thêm 2 thành tố là Yêu cầu về nội dung và Yêu cầu về phương pháp giáo dục
PGS. TS. Trần Ngọc Liêu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) trình bày báo cáo về Triết lý giáo dục ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhấn mạnh: Các trường đặc biệt quan tâm, đầu tư cho việc triển khai xây dựng triết lí giáo dục theo “cấu trúc tối thiểu và cấu trúc cơ bản”; tuy nhiên cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện triết lý giáo dục theo “cấu trúc mở rộng” và tổ chức đánh giá tổng kết việc thực hiện triết lý giáo dục từ góc độ văn hóa tổ chức.
GS.TS Jean-François Dupeyron (Đại học Bordeaux (Pháp) với báo cáo Giải phóng thời gian giáo dục
Trong báo cáo tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Nguyên trưởng khoa Triết học) đã nêu ra một số điểm được đa số đại biểu thống nhất: Việc xây dựng một triết lí giáo dục phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay không những là cần mà còn là cấp thiết; Triết lý giáo dục đó phải mang tính đại chúng và tính ổn định, bền vững và phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và văn hóa truyền thống của Việt Nam, vừa kế thừa được những truyền thống quý báu của nền giáo dục truyền thống vừa phải lĩnh hội được hơi thở, tinh thần của thời đại. Hội thảo “Triết lý giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại” đã đáp ứng được kỳ vọng của Ban tổ chức.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo khó có thể giải quyết được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng hội thảo đã cho thấy sự quan tâm, lòng nhiệt huyết đối của các nhà khoa học và nhà giáo dục đối với công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam. Từ những gợi mở từ hội thảo này, cần có những cuộc hội thảo chuyên đề để tiếp tục nghiêu cứu bàn luận sâu hơn về khía cạnh cụ thể góp phần xây dựng một triết lý giáo dục Việt Nam minh triết, thực tiễn, hiệu quả.
Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại” tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
>>>> Báo chí đưa tin về sự kiện:
-