Tham dự Hội thảo, về phía trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng), lãnh đạo các phòng ban; đông đảo chuyên gia Việt Nam học, giảng viên đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Địa lý Việt Nam, Đại học California (Hoa Kì), Đại học Cologne (CHLB Đức), Thái Lan,…; cùng toàn thể các giảng viên, sinh viên, học viên cao học Khoa VNH&TV. Hội thảo tiến hành trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua phần mềm zoom.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: đến nay ngành Việt Nam học nói riêng, các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung đã có những bước tiến lớn. Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐHKHXH&NV tiền thân là Khoa Tiếng Việt có lịch sử hơn nửa thế kỉ, ngày càng khẳng định là một đơn vị nghiên cứu liên ngành, đào tạo về Việt Nam học hàng đầu ở Việt Nam. Trong hai năm vừa qua, mặc dù khó khăn dịch bệnh, chuyển đổi giáo dục đại học nói chung, nhưng Khoa VNH&TV đã thực hiện những nhiệm vụ rất lớn nhà nước giao: hoàn thiện khung năng lực 6 bậc về tiếng Việt cho người nước ngoài, cơ sở dữ liệu dạy trưc tuyến, tổ chức giảng dạy cho đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Hội thảo hôm này có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn, là dịp để tổng kết, đánh giá những thành tựu mới trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy Việt Nam học trong các trường đại học, đồng thời hướng đến những vấn đề cốt lõi và xu hướng nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành trong các trường đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đánh giá rất cao ý nghĩa của Hội thảo
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Lê Thị Thanh Tâm (Trưởng Khoa VNH&TV) chia sẻ: với lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm, hiện nay Khoa VNH&TV đã có quan hệ hợp tác với 30 quốc gia và cùng lãnh thổ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam học là ngành học được đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐHKHXH&NV đang khẳng định một lối đi riêng, vị thế đích đáng. Hội thảo là hoạt động khoa học tiếp nối chuỗi quan niệm học thuật, giá trị khoa học của nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên sâu về Việt Nam, đồng thời cũng xây dựng cơ sở để tạo ra mạng lưới kết nối các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước; hướng đến một nền Việt Nam học phát triển hiện đại, không biên giới, trong đó vai trò trung tâm và chủ động của Việt Nam.
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Lê Thị Thanh Tâm nêu bật những thành tựu đạt được trong nghiên cứu Việt Nam học và giảng dạy VNH, tiếng Việt trong các trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng chỉ ra những thách thức trong bối cảnh hiện nay
PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc; TS. Lê Thị Thanh Tâm chủ trì phiên toàn thể
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế, với hơn 40 báo cáo về những chủ đề chính: những vấn đề lí thuyết, cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu Việt Nam học; một số vấn kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường Việt Nam trong nghiên cứu VIệt Nam học; giảng dạy Việt Nam học trong các trường đại học; dạy tiếng Việt cho người nước ngoài: thực tế và triển vọng. Các báo cáo đã cho thấy một cái nhìn rất tổng thể, khẳng định cách tiếp cận liên ngành, đa chiều, đa khía cảnh, hiện đại của một ngành khoa học về Việt Nam; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt
Trong phiên Toàn thể và 02 Tiểu ban chuyên môn, đã có 25 báo cáo viên trình bày tham luận và nhiều ý kiến bình luận, tranh luận, đặt câu hỏi hết sức cởi mở, sôi nổi tinh thần học thuật cao. Các tham luận, ý kiến trao đổi đã tổng kết, đánh giá một số thành tựu nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành trong gần hai thập niên qua cũng như xu hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, đồng thời khẳng định vai trò, triển vọng cũng như đề xuất các giải pháp góp phần phát triển ngành Việt Nam học trong nước và quốc tế.
Đồng thời hội thảo cũng đặt ra những vấn đề khoa học về kinh tế, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu theo định hướng liên ngành, khu vực học.
Một số hình ảnh từ Phiên Toàn thể và hai phiên Tiểu ban trong sáng và chiều ngày 25/11.