Ngôn ngữ
Trong không khí rất thân tình, ấm cúng, các đại biểu tham dự Tọa đàm “Điện ảnh châu Âu nhìn từ trường Đại học” đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, lời chúc mừng nồng nhiệt đến PGS.TS Phạm Gia Lâm về kết quả nghiên cứu mới nhất của ông.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, giảng viên đang giảng dạy trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, điện ảnh cũng chia sẻ nhiều thông tin cập nhật, mang tới góc nhìn tổng quan về lịch sử điện ảnh châu Âu, khẳng định giá trị, đóng góp của nền điện ảnh này với tư cách là một bộ phận quan trọng trong tiến trình nghiên cứu điện ảnh thế giới. Trong suốt hơn 100 năm lịch sử điện ảnh, điện ảnh châu Âu so với các khu vực khác trên thế giới là nền điện ảnh quan trọng và có lịch sử lâu đời nhất. Khác với điện ảnh Mỹ, điện ảnh châu Âu dù không có mức độ phổ biến tương đương, song, lại được đánh giá cao bởi tính hàn lâm của nó. Tọa đàm sẽ khai mở những bước đi quan trọng cho việc nghiên cứu, giảng dạy điện ảnh tại Việt Nam trong bối cảnh đương đại toàn cầu hóa.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học chúc mừng tác giả Phạm Gia Lâm đồng thời khẳng định: “Giá trị của cuốn sách trước hết nó thực hiện đúng vai trò của một cuốn giáo trình cung cấp một cái nhìn cấu trúc, cách phân kì lịch sử điện ảnh châu Âu dựa vào sự xuất hiện của những trường phái điện ảnh mới đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lịch sử điện ảnh thế giới. Cách phân kì đó sẽ tạo nên một cách tổng quan nhất, không bỏ sót bất kì nền điện ảnh của quốc gia châu Âu nào. Cuốn sách “Lịch sử điện ảnh châu Âu” còn có sự kết hợp độc đáo giữa hai cách tiếp cận: tiếp cận lịch sử (xem xét tiến trình điện ảnh theo từng giai đoạn) và tiếp cận loại hình (nghiên cứu điện ảnh thông qua các trào lưu, các sáng tạo tiêu biểu), để thấy được diện mạo của điện ảnh châu Âu không chỉ là những sáng tạo của đạo diễn, mà còn là những khuynh hướng cơ bản của điện ảnh trong suốt chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ tồn tại.
Trưởng khoa Văn học Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh: Không chỉ đem đến cho người học những kiến thức giá trị, sau mỗi chương sách, tác giả còn đưa ra một lời mời gọi người đọc tự nghiên cứu, tìm kiếm để tiếp tục bổ sung những tri thức mới
NNC văn học Trần Hinh đánh giá (Khoa Văn học, VNU-USSH): Cuốn sách là một công trình nghiên cứu bài bản, liên ngành, đưa ra những lí thuyết mới trong nghiên cứu lịch sử điện ảnh châu Âu, góp phần khẳng định vai trò, giá trị của của nó trong lịch sử phát triển của điện ảnh thế giới.
Với PGS.TS Phạm Thành Hưng (Khoa Văn học, VNU-USSH): Cuốn sách không chỉ là liệt kê những mốc thời gian mà thông qua những phân tích sâu sắc về một số tác phẩm kinh điển, mà còn cung cấp một cái nhìn nhận mới về giá trị của điện ảnh châu Âu trong thế đối trọng với điện ảnh Hollywood.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Văn học, VNU-USSH) chia sẻ rằng, cuốn sách giống như một chỉ dẫn để người đọc có thể tìm thấy vị trí của các nền điện ảnh khác nhau trong dòng chảy chung của lịch sử điện ảnh châu Âu, đồng thời, cô cũng chia sẻ thêm về điện ảnh Liên Xô thời kỳ “tan băng” được đề cập trong cuốn sách
PGS.TS Phùng Ngọc Kiên bày tỏ: Cuốn sách của tác giả Phạm Gia Lâm đã lựa chọn phân tích những tác giả kinh điển, có giá trị như bước ngoặt của nền điện ảnh châu Âu và thế giới. Được đọc cuốn sách và trực tiếp xem bộ phim kinh điển “Cuộc khổ nạn của Jeanne d'Arc” tại không gian phòng chiếu phim ngay tại khuôn viên Nhà trường là một trải nghiệm rất thú vị không chí đối với sinh viên, học viên mà ngay cả các giảng viên, vừa mang đến xúc cảm nghệ thuật vừa gợi mở, kích thích khao khát được đọc, được xem và được sáng tạo những tri thức mới.
ThS Hoàng Dạ Vũ (Viện phó Viện Sân khấu điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh): Đây là tài liệu rất quý hiếm, bởi từ trước tới nay các sinh viên, giảng viên trong các trường đại học có giảng dạy về chuyên ngành điện ảnh chủ yếu sử dụng các tài liệu dịch từ tác giả nước ngoài. Cuốn sách của PGS.TS Phạm Gia Lâm đem đến cách tiếp cận gần gũi hơn, phân tích chi tiết về những giai đoạn phát triển của điện ảnh châu Âu thông qua các tác phẩm kinh điển, chắc chắn sẽ là giáo trình, tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ đối với sinh viên, học viên Trường ĐHKHXH&NV mà còn nhiều trường đại học khác tại Việt Nam.
ThS Hoàng Dạ Vũ tặng hoa chúc mừng Thầy Phạm Gia Lâm - tác giả của cuốn sách
Khép lại buổi Tọa đàm “Điện ảnh châu Âu nhìn từ trường Đại học” và ra mắt cuốn sách “Lịch sử điện ảnh châu Âu” của tác giả Phạm Gia Lâm, thay mặt đơn vị tổ chức, PGS.TS Hoàng Cẩm Giang (Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học) nhấn mạnh: Toạ đàm đã mở ra nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh nền điện ảnh châu Âu và vai trò của lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy điện ảnh trong môi trường học thuật. Đây là một sinh hoạt khoa học giá trị, dịp kết nối giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia với các em sinh viên, thế hệ trẻ có niềm đam mê ham thích khám phá tri thức về lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Cuốn sách “Lịch sử điện ảnh châu Âu” được chính thức xuất bản không chỉ là niềm vui của riêng PGS.TS Phạm Gia Lâm mà là thành tựu chung của Bộ môn, của ngành. Cuốn sách sẽ là một tài liệu học thuật có giá trị, cung cấp cách tiếp cận liên ngành, từ lý thuyết đến thực hành, và làm rõ những trào lưu, khuynh hướng cũng như phong cách điện ảnh độc đáo của châu Âu.
Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới PGS.TS. Phạm Gia Lâm vì những đóng góp to lớn của Thầy trong việc xây dựng nền tảng cho Bộ môn Nghệ thuật học. Chính nhờ vào sự dẫn dắt và truyền cảm hứng của Thầy mà nhiều thế hệ giảng viên và học viên đã có được cơ hội phát triển và gặt hái thành tựu trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật. PGS.TS. Hoàng Cẩm Giang cũng bày tỏ niềm tự hào và niềm tin với sự ra đời của cuốn giáo trình do PGS.TS. Phạm Gia Lâm biên soạn, cùng với đóng góp của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chắc chắn Bộ môn Nghệ thuật học, cũng như ngành học mới mẻ Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng tại VNU-USSH sẽ phát triển lớn mạnh trong lương lai.
Nhân dịp sự kiện cuốn sách ra mắt, Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học tổ chức buổi chiếu phim “The Passion of Joan of Arc (tiếng Pháp La Passion de Jeanne d'Arc)”. Đây là một bộ phim câm của Pháp, được công chiếu đầu tiên vào năm 1928, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một nhân vật lịch sử Jeanne d'Arc. Bà được coi là nữ anh hùng của nước Pháp, khi mới 17 tuổi đã theo đoàn quân giải phóng Orléans, trở thành một thủ lĩnh quân sự và tinh thần quan trọng cho binh sĩ Pháp, đóng góp lớn vào chiến thắng của quân Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm năm. Nhưng sau đó Jeanne d'Arc bị quân Anh bắt, giam cầm và Toà án tôn giáo ở Anh đã xét xử bà chịu án hành hình trên giàn thiêu.
Sau khi chết Jeanne d'Arc trở thành một nhân vật huyền thoại trong suốt bốn thế kỷ tiếp theo. Gần 500 năm sau, Tòa thánh Vatican cuối cùng mới xóa bỏ bản án kết tội dị giáo của cô. Jeanne d’Arc được phong tước Thánh vào năm 1920 và sau này được nền Cộng hòa Pháp lấy làm biểu tượng "Mẹ Tổ quốc".
Bộ phim La Passion de Jeanne d'Arc (Cuộc khổ nạn của Jeanne d'Arc) mô tả phiên tòa xét xử và hành quyết Jeanne d'Arc. Bộ phim do Carl Theodor Dreyer đạo diễn và Renée Jeanne Falconetti vào vai Jeanne, được xem là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của điện ảnh châu Âu. Diễn xuất của Falconetti cũng đánh giá là một trong những diễn xuất xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Buổi công chiếu tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới ngay tại không gian của trường ĐHKHXH&NV là hoạt động rất có ý nghĩa, đem đến cho sinh viên VNU-USSH, đặc biệt những sinh viên khoá đầu tiên của ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng những hiểu biết rất sinh động, trực quan về thể loại phim câm từ những thập niên đầu thế kỉ XX, đồng thời tạo nên xúc cảm nghệ thuật sâu sắc khi các em được trực tiếp thưởng thức một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh châu Âu.
Sự đau đớn tột cùng của Jeanne d'Arc khi bà bị Toà án tôn giáo khép tội dị giáo và kết án hành hình trên giàn thiêu
Một số hình ảnh tại buổi Toạ đàm, ra mắt cuốn sách "Lịch sử điện ảnh châu Âu" của PGS.TS Phạm Gia Lâm do Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, VNU-USSH tổ chức
Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn