Toàn cảnh phiên Khai mạc hội thảo KH quốc tế: "Vấn đề giới trong triết học và văn hoá: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh"
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ: “Trên thế giới và Việt Nam hiện nay đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hướng tới bình đẳng giới trên nhiều phương diện về lí thuyết cũng như thực tiễn. Tỉ lệ phụ nữ tham gia trong các cơ quan bộ máy nhà nước cấp cao, làm chủ doanh nghiệp, đạt thành tựu cao trong khoa học,… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ mang tính truyền thống vẫn còn ảnh hưởng đến khá nhiều lĩnh vực của đời sống hiện đại. Bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt phổ biến khu vực điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; định kiến giới cũng ảnh hướng lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến chuyên môn của thế hệ trẻ hôm nay. Vì vậy, việc nghiên cứu về vấn đề giới, bình đẳng giới, nữ quyền thu hút sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo chuyên gia trên rất nhiều lĩnh vực: lịch sử, triết học, luật học, xã hội học, tâm lí học,… Trong bối cảnh đó, một hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu giới trong triết học và văn hoá từ cách tiếp cận so sánh thực sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, cung cấp cái nhìn đa chiều, có thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề giới trên nhiều khía cạnh của đời sống Việt Nam và khu vực".
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (Khoa Triết học, VNU-USSH) với chủ đề: “Vấn đề giới và nữ quyền: một vài cảm nhận” đã cung cấp cái nhìn tổng thể về vấn đề giới được đề cập trong các học thuyết triết học, tôn giáo, cũng như trong thực tiễn xã hội hiện đại tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo PGS Nguyễn Quang Hưng: “Vấn đề giới, bình đẳng giới xét theo cả chiều cạnh cá nhân cũng như xã hội, không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là của cả nhân loại. Việc thực hiện bình đẳng giới và nữ quyền trong xã hội đương đại không thể giải quyết một sớm một chiều, càng không thể giải quyết vấn đề riêng phạm vi một quốc gia và chắc chắn cần những giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện”.
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Hội thảo được chia thành 3 tiểu ban để các nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự có điều kiện trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận, trao đổi xoay quanh chủ đề của hội thảo.
Tiểu ban 1: Vấn đề giới trong văn hoá: Lý luận và thực tiễn.
Tiểu ban 2: Vấn đề giới trong triết học
Tiểu ban 3: Bình đẳng giới: Một số vấn đề lí luận và thực tiễn
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, GS.TS Trần Văn Đoàn (Đại học Phụ Nhân, Đài Loan (Trung Quốc), TS Ngô Đăng Toàn chủ trì phiên thảo luận của Tiểu ban 1
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS Xie Li Li (ĐH Sư phạm Nam Ninh, Trung Quốc), TS Phạm Thanh Hà chủ trì phiên tọa đàm Tiểu ban 2
Các đại biểu tham dự tại Tiểu ban 2 "Vấn đề giới trong triết học" của Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, PGS.TS Trần Thị Hạnh, TS Ngô Đăng Toàn chủ trì phiên tọa đàm của Tiểu ban 3
Tại Hội thảo, các học giả trong và ngoài nước đã trình bày trực tiếp những kết quả nghiên cứu vấn đề giới trong triết học (thông qua các học thuyết của các nhà triết học tiêu biểu trong lịch sử) trong văn hoá, tôn giáo (qua giáo lí và thực hành của các tôn giáo, tín ngưỡng), cũng như trong đời sống thực tiễn hiện nay ở các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.
Trong nghiên cứu của mình GS Trần Văn Đoàn (Đại học Phụ Nhân) đặt ra luận đề về lối suy tư Việt dựa trên nguyên lí mẫu tính. Lối suy tư mẫu tính tư duy theo một quy luận quyết định trong cuộc sống như các yếu tố tạo nên sự sống (sinh), nuôi dưỡng (dưỡng), giáo dục (dục) và thăng hoa trong cuộc sống (lạc). Để khẳng định cho luận đề của mình, GS Trần Văn Đoàn viện dẫn nhiều quan niệm, biểu tượng, hiện tượng văn hoá, liên quan đến hình tượng “mẫu”, “người mẹ”, coi trọng và tôn vinh vai trò của phụ nữ trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, trong gia đình và xã hội. Vấn đề giới, đề cao nữ quyền không phải là vấn đề của xã hội hiện đại, mà tư tưởng đề cao vai trò của phụ nữ đã có cội nguồn trong văn hoá truyền thống của Việt Nam”.
Một số báo cáo trình bày tại Hội thảo đã phân tích những nội dung về giới, nữ quyền, giải phóng phụ nữ cũng được đề cập trong các tác phẩm của một số triết gia, nhà hoạt động xã hội, nhà tư tưởng: Hegel; John Stuart Mill, Simone de Beauvoir, Amartya Sen,… Các báo cáo chỉ ra, dù ở mức độ khác nhau, nhưng vấn đề giới được các nhà triết học xem xét từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, trên cơ sở đó lí giải căn nguyên sâu xa của bất bình đẳng giới và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tình trạng đó, khẳng định và đề cao vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong một cái nhìn so sánh, các học giả chia sẻ những kết quả nghiên cứu về tư tưởng đề cao nữ giới qua một số trường hợp cụ thể như: GS.TS Tsai Wei-Min (Đại học Atheilia) với báo cáo: “Thông diễn về hiện tượng Tín ngưỡng Ma Tổ ở Đài Loan từ góc nhìn toàn cầu”; GS.TS. Wang Shang-Wen (Đại học Krirk): “Nữ thần hay Nam thần: Sự biến hình của Quán Thế Âm Bồ Tát”; GS. TS. Jean-Francois Duypeyron (Đại học Bordeaux Montaigne): "Tôi quan trọng ngang thế: Những đề nghị về một nền giáo dục nữ quyền toàn diện”.
Những kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo, đã thu hút sự tham gia trao đổi thảo luận rất sôi nổi từ phía các đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường cũng như online trên nền tảng Zoom.
GS.TS Tsai Wei-Min trình bày báo cáo tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Hội thảo đề cập đến một vấn đề khoa học hết sức thú vị, thể hiện qua khoảng 70 báo cáo đã được gửi tới, trong đó có khoảng hơn 20 báo cáo được trình bày trực tiếp, khoảng 50 ý kiến trao đổi sôi nổi, bình luận, chia sẻ thêm của rất nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học trong và ngoài nước. Hiếm khi vấn đề giới được bàn luận một cách kỹ lưỡng trên diễn đàn triết học chính thức. Qua hội thảo, các học giả cơ bản thống nhất cho rằng: Quan niệm về giới đã tồn tại từ lâu trong lịch sử, ở cả Việt Nam và trên thế giới. Ở Việt Nam, đấu tranh cho bình đẳng giới đã đạt được những kết quả đáng kể, vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội đã được công nhận bằng pháp luật, hệ thống tư tưởng cũng như trong đời sống thực tiễn. Trên cơ sở phân tích vấn đề giới trong triết học, văn hoá và tôn giáo, các báo cáo đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội, trong đó tập trung một số nhóm giải pháp: hoàn thiện các thể chế, chính sách về bình đẳng giới; tăng cường các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ có thể được học tập, đào tạo về chuyên môn, tham gia vào tất cả các mặt đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, sáng tạo nghệ thuật). Đồng thời, chính bản thân người phụ nữ cũng cần nhận thức đúng, đủ về vai trò của mình từ đó hình thành nhu cầu tự thân khẳng định giá trị và vai trò của mình, vươn lên để tự chiếm lĩnh cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn gửi lời cảm ơn sự tham gia hiệu quả, có chất lượng từ các học giả trong và ngoài nước đã gửi những nghiên cứu công phu, cẩn trọng, đồng thời dành thời gian quý báu tham dự Hội thảo và trao đổi cởi mở, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích. Ban tổ chức Hội thảo dự kiến sẽ tổ chức phản biện và biên tập chỉnh sửa để xuất bản kỷ yếu hội thảo trong thời gian sắp tới.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phát biểu kết luận hội thảo
Một số hình ảnh các đại biểu trình bày báo cáo và trao đổi bình luận tại Hội thảo