Cần thay đổi tâm thế xã hội đối với giáo dục
admin
2012-07-24T09:14:22-04:00
2012-07-24T09:14:22-04:00
//oddbark.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/can-thay-doi-tam-the-xa-hoi-doi-voi-giao-duc-8522.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
bet365 football
- ĐHQGHN
//oddbark.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ ba - 24/07/2012 09:14
Bên lề kì thi tuyển sinh đại học 2012, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Tuyển sinh đại học 2012 Trường ĐHKHXH&NV - đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về kì thi đại học và một số vấn đề nóng của giáo dục hiện nay. Ban biên tập website xin lược trích nội dung cuộc phỏng vấn trên.
Bên lề kì thi tuyển sinh đại học 2012, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Tuyển sinh đại học 2012 Trường ĐHKHXH&NV - đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về kì thi đại học và một số vấn đề nóng của giáo dục hiện nay. Ban biên tập website xin lược trích nội dung cuộc phỏng vấn trên.
- Năm nay là năm thứ 11 chúng ta thực hiện thi đại học theo phương thức 3 chung, tới đây khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành, tính tự chủ của các trường được đề cao, theo PGS việc thi 3 chung có ảnh hưởng gì đến tính tự chủ của các trường?
Tôi nghĩ là không ảnh hưởng gì. Bởi vì khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền tự chủ cho từng trường thì trường nào có khả năng và nhu cầu thì có thể tự tổ chức riêng kì thi đại học vào trường mình dưới sự tổ chức quản lí chung về mặt Nhà nước của Bộ. Còn nếu trường nào chưa có điều kiện hoặc chưa muốn tổ chức thi riêng thì vẫn có thể tiếp tục thi 3 chung.
- Giải pháp 3 chung liệu có còn hiệu quả không trong bối cảnh hiện nay, thưa PGS?
Tôi nghĩ là vẫn còn có những tác dụng nhất định. Bởi vì có những trường có đủ điều kiện tự mình tổ chức thi một cách độc lập ở tất cả các khâu thì cũng có những trường không dễ dàng khi tự làm việc đó. Kì thi 3 chung có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị dưới sự chỉ đạo thống nhất chung. Tất nhiên, quyết định nào cũng có tính hai mặt của nó, được mặt này thì mất mặt kia. Ví dụ, tổ chức thi chung trên toàn quốc thì hơi cồng kềnh nhưng nếu tổ chức thi hoàn toàn độc lập giữa các trường thì sẽ có những trường gặp khó khăn.
- Vậy giải pháp nào là tốt nhất hiện nay thưa PGS?
Đây là một câu hỏi khó. Vấn đề này tuỳ thuộc điều kiện mỗi trường, căn cứ vào năng lực, tiềm lực và kinh nghiệm của mình mà quyết định có tổ chức thi riêng hay không. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường thi riêng thôi chứ không bắt buộc gì cả. Mỗi trường sẽ phải lựa chọn để quyết định xem thực hiện cách làm nào cho có lợi nhất cho đơn vị mình vào thời điểm hiện tại mà thôi. Tôi nghĩ chỉ đạo hiện nay của Bộ là hợp lí, ai muốn nhập vào cuộc 3 chung thì Bộ lo, còn ai muốn độc lập hoàn toàn thì phải tự lo liệu và Bộ chỉ quản lí về mặt Nhà nước thôi.
- Công tác chỉ đạo xét tuyển năm nay linh hoạt hơn, mở rộng thời gian hơn và không hạn chế số đợt xét tuyển, PGS. đánh giá thế nào về điều này?
Việc tổ chức xét tuyển kéo dài thời gian, không bó buộc về mặt thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và cho chính bản thân các trường. Tuy nhiên, đối với những trường phải tổ chức gọi thí sinh làm nhiều đợt như vậy sẽ dẫn đến những vất vả mới về phương diện thời gian, tổ chức. Vì cùng là sinh viên năm thứ nhất vào nhập học nhưng nhập học với nhiều đợt khác nhau thì các trường phải lo liệu rất nhiều chuyện, nếu chỉ một hai đợt thôi thì sẽ gọn gàng hơn. Dù sao thì cũng phải nói rằng việc linh hoạt hơn trong xét tuyển như vậy sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc lựa chọn xin thi tuyển vào các trường.
- Có băn khoăn rằng chúng ta đã tuyển sinh đầu vào đại học khá chặt chẽ, có độ tin cậy cao về năng lực thí sinh, song đầu ra hiện nay lại bị thả lỏng, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, PGS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đó cũng là một thực tế bởi vì triết lí giáo dục và cách thức tổ chức giáo dục của chúng ta còn có những vấn đề chưa được tốt. Hiện nay các trường đại học đều phải đang tìm mọi cách để nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều cách: chuyển đổi chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá… Tuy nhiên, cũng phải nói thế này, việc nâng cao chất lượng đào tạo của một ngành, một đất nước không thể chỉ dăm ba năm hoặc cứ đổ tiền vào là làm được ngay. Đây là một việc cực kì khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm trước hết từ phía từng nhà trường. Nhưng bên cạnh đó cũng cần sự cố gắng của toàn xã hội. Chúng ta phải thay đổi tâm lí, tâm thế của cả xã hội cho đến của từng cá nhân đối với giáo dục, thay đổi triết lí giáo dục, cách thức dạy dỗ, học hành, thay đổi chương trình đào tạo… Phải có những biến đổi toàn diện như vậy thì chúng ta mới mong thay đổi chất lượng đào tạo.
- Vậy trong tất cả những yếu tố mà PGS nhắc đến ở trên thì đâu là khó khăn thách thức lớn nhất mà các trường đang phải đối mặt?
Có rất nhiều cái khó. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, thay đổi tâm thế của người đi học là rất quan trọng, đó là người học phải xác định mình học gì và để làm gì. Đó là điều rất quan trọng. Câu chuyện này nghe thì có vẻ lí thuyết nhưng thực ra có ý nghĩa thực tế rất quan trọng đối với mỗi cá nhân. Tất nhiên về phía cơ sở đào tạo thì có rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh: năng lực của người thầy, chương trình và phương thức đào tạo, … Đây là câu chuyện thay đổi trong suy nghĩ và hành động của từng con người và cần nỗ lực của tất cả từng đấy con người ấy trong xã hội cộng lại mới mong có sự chuyển biến căn bản, còn nếu chỉ thay đổi ở từng bộ phận hay cá nhân riêng lẻ thì không giải quyết được vấn đề.
- Có những việc mà ngành giáo dục có thể làm ngay là xây dựng nền giáo dục trung thực, học thực sự, thi thật sự để ra đời làm việc thực sự. Hiện nay, việc sàng lọc trong các trường đại học không cao, gần như “vào” bao nhiêu thì “ra” bấy nhiêu, trong đó có ẩn chứa những yếu tố thiếu trung thực, PGS nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Cũng phải nhìn thấy rằng tâm lí phổ biến của một bộ phận người đi học hiện nay là đi học để kiếm một tấm bằng, được ngồi văn phòng, kiếm một việc làm nào đó để đỡ “chân lấm tay bùn”. Tâm thế phổ biến là muốn được nhàn nhã, học để đỗ đạt, có danh vị chứ không phải học để có một nghề nghiệp tử tế trong tay để đóng góp cho cuộc đời và kiếm điểm tựa cho cuộc sống của mình. Tâm lí như vậy dẫn đến nhiều điều như chị vừa đặt ra ở trên. Xã hội có những vấn đề như vậy nên dẫn đến trường học – một bộ phận của xã hội - cũng còn những vấn đề chưa được tốt. Thậm chí là một bộ phận cá nhân làm những vấn đề xấu. Vấn đề là phải loại trừ dần. Nếu một xã hội có tâm thế, triết lí lành mạnh đối với giáo dục thì sẽ có xu hướng muốn tất cả những yếu kém đó bị xoá nhanh. Vậy mỗi trường học phải như một “pháo đài” về lĩnh vực đào tạo, dưới một triết lí chung về mặt quản lí của Nhà nước, phải tự nhận ra đâu là điểm yếu của mình mà khắc phục, cố gắng tìm tòi cách thay đổi chất lượng đào tạo trong phạm vi quyền tự chủ của mình. Mỗi trường phải cố gắng mà đẩy mạnh chất lượng của cả hai mặt nghiên cứu và đào tạo lên.
- Để xây dựng một nền giáo dục trung thực, đòi hỏi gì từ phía thầy và trò thưa PGS?
Muốn có nền giáo dục trung thực thì phải đòi hỏi ở cả hai phía thầy và trò, một mình thầy hay một mình trò đều không làm được. Nhưng trong môi trường đai học thầy phải đi trước một bước, phải nghiêm túc vì “cây không ngay thì bóng không thẳng”. Thầy nghiêm túc với chính bản thân mình thì sẽ dạy dỗ trò nghiêm túc và trung thực, nên nhớ nghiêm túc và trung thực chứ không phải hà khắc. Câu chuyện trung thực hay không trung thực trước hết là câu chuyện của từng cá nhân, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của kẽ hở hoặc sự bất cập về quy định, luật pháp mà mỗi cá nhân nếu không nghiêm túc với cá nhân mình thì dễ vin vào đó để làm những việc không nghiêm túc.