Ngôn ngữ
Các nội dung thảo luận tại hội thảo gồm: tình hình dịch thuật văn học nói chung và dịch thuật văn học Hàn Quốc nói riêng ở Việt Nam; vai trò của dịch giả với tư cách là cầu nối văn hoá Hàn Quốc; dịch thuật văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt - một số phát sinh từ yếu tố ngôn ngữ; khảo sát về sách dịch văn học Hàn Quốc tại Việt Nam những năm gần đây…
Quang cảnh hội thảo/Ảnh: Thành Long
Bàn về sự phát triển của văn học dịch Hàn Quốc tại Việt Nam, các báo cáo đều đánh giá: quan hệ giao lưu trong lĩnh vực văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc có từ thế kỷ 14, nhưng hoạt động dịch văn học của hai bên bắt đầu từ giữa thế kỷ 20. Đặc biệt, việc dịch thuật và giới thiệu văn học Hàn Quốc ở Việt Nam chỉ được tiến hành từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Trong vòng 22 năm qua, đã có 48 tên sách văn học Hàn Quốc được dịch và phát hành ở Việt Nam. Nội dung các sách ấy khá phong phú, từ tác phẩm dân gian Hàn Quốc, tiểu thuyết lịch sử cho đến truyện ngắn về cuộc sống hiện đại, sách văn học cho thiếu nhi, sách nghiên cứu giới thiệu lịch sử văn học Hàn Quốc.
Dịch giả Thuý Toàn trình bày tham luận "Dịch thuật và dịch văn học Hàn Quốc ở Việt Nam những năm gần đây"/Ảnh: Thành Long
Vượt qua thời kỳ trầm lắng suốt nhiều chục năm vì những nguyên nhân khách quan, đến nay văn học Hàn Quốc được dịch, xuất bản và giới thiệu tại Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển này là do chính phủ Hàn Quốc quyết tâm lớn thúc đẩy sự hiện diện của văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc trên phạm vi châu Á và thế giới, trong đó có sự đầu tư lớn cho dịch thuật văn học và hỗ trợ xuất bản văn học Hàn Quốc tại nước ngoài, mà Việt Nam là một điểm đến được lưu tâm. Những năm đầu thế kỷ 21 là đỉnh cao của làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam, với sự hỗ trợ thường xuyên trong dịch thuật và xuất bản từ các tổ chức văn hoá Hàn Quốc như Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, Quỹ văn hoá Daesan, Trung tâm văn hoá Hàn Quốc…
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, sách dịch văn học Hàn Quốc tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt. Nguyên nhân là do đã có sự linh hoạt cơ cấu lại danh mục tài trợ dịch và xuất bản theo hướng ưu tiên các tác giả, tác phẩm đương đại đang gây chú ý trên văn đàn Hàn Quốc. Các nhà xuất bản đã chú ý quảng bá rộng rãi và tổ chức giới thiệu sách với sự có mặt của tác giả, giao lưu với nhà văn, nhà thơ, độc giả Việt Nam. Nhờ đó, các sự kiện này gây được hiệu ứng tốt, thu hút được độc giả cũng như giới làm sách Việt Nam. Xuất hiện lớp dịch giả mới sung sức và yêu văn học. Các tác phẩm được chuyển ngữ khá thuần thục và công phu. Nhờ đó, sách dịch văn học Hàn Quốc đã mở ra giai đoạn mới: thâm nhập thực sự bình đẳng vào thị trường sách Việt Nam. Văn học Hàn Quốc đã thực sự hiện diện và thể hiện sức lan toả trong thị trường Việt Nam.
Để phát triển hơn nữa dòng văn học dịch thuật tiếng Hàn tại Việt Nam, các nhà khoa học đề xuất: cần có đào tạo cơ bản trong lĩnh vực dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam; tăng cường công tác nghiên cứu giới thiệu văn học Hàn Quốc tại các trường đại học; tổ chức những hội thảo để trao đổi về dịch thuật; đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành đội ngũ người dịch gắn bó với từng mảng sách riêng; linh hoạt và cập nhật trong lựa chọn tác phẩm dịch theo hướng duy trì cân đối giữa các sách khó đọc, mang tính hàn lâm với văn học giải trí; giới thiệu đa dạng các thể loại và các xu hướng để tạo cái nhìn đầy đủ hơn về diện mạo văn học Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, các tổ chức văn hoá Hàn Quốc cần duy trì và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ dịch thuật, xuất bản, quảng bá văn học Hàn Quốc tại Việt Nam; hướng tới xây dựng những dự án dịch thuật, xuất bản lớn, mang tính hệ thống, có sự hợp tác giữa tổ chức tài trợ với các đơn vị thụ hưởng; xây dựng trang web riêng cập nhật các sách văn học dịch Hàn Quốc đã xuất bản từ trước tới nay…
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn