Ngôn ngữ
Tuy nhiên, công tác bảo tồn chỉ là một trong số nhiều đóng góp quan trọng của EFEO đối với ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam trong hành trình phát triển xuyên thế kỷ XX. Để có một góc nhìn toàn diện về các đóng góp của EFEO, xin được điểm lại vài nét về quá trình hình thành và nội dung hoạt động của tổ chức này. Ngày 20/1/1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định thành lập “Học viện Viễn Đông Bác Cổ” (École francaise d’Extrême-Orient) trên cơ sở “Phái đoàn Khảo cổ Thường trực tại Đông Dương” thành lập từ cuối năm 1898. Hơn một năm sau, ngày 26/2/1901, Tổng thống Pháp Émile Loubet ký sắc lệnh chính thức công nhận việc thành lập EFEO. Theo đó, Học viện trở thành một thiết chế của nhà nước Pháp, là cơ quan nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa lý nhân văn ở phương Đông, đảm bảo việc bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương.
Viện Viễn Đông Bác Cổ xưa, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Trong hành trình hơn một thể kỷ qua, EFEO đã trải qua không ít thăng trầm cùng với biến thiên của lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ khi được thành lập đến Cách mạng tháng Tám (1945), mặc dù chịu sự chi phối của chính quyền thuộc địa, EFEO luôn giữ vững mục tiêu khoa học độc lập để đạt được những thành tựu rực rỡ về nghiên cứu, xuất bản và bảo tồn di sản và văn hóa. Trong giai đoạn ngắn song hành cùng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945-12/1946), chính sách mềm dẻo của nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để EFEO được quyền tự trị về hành chính và quản lý các trụ sở. Trong khoảng 10 năm của nước Pháp, cùng với đó là việc thiếu hụt đội ngũ nghiên cứu (kể cả người Pháp và người Việt). Sau Hiệp định Geneva (1954), trụ sở chính của EFEO được chuyển vào Sài Gòn và đến năm 1960 chính thức đóng cửa, chấm dứt sáu thập kỷ hoạt động ở Việt Nam. Đến năm 1993, EFEO trở lại mở văn phòng đại diện ở Hà Nội. Hiện nay, ngoài trụ sở chính của EFEO ở Paris, còn có 18 trung tâm đóng tại 12 quốc gia, trong đó Việt Nam có văn phòng đại diện ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài và liên tục hơn một thế kỷ, EFEO có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của các ngành khoa học xã hội-nhân văn ở Việt Nam, thể hiện trên các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, EFEO góp phần chuẩn bị những tiền đề và cơ sở khoa học cho sự hình thành một số ngành khoa học xã hội – nhân văn hiện đại ở Việt Nam, trong đó có thể đến khảo cổ học, dân tộc học, văn bản học, bảo tàng học…Các học giả gạo cội của EFEO đã có nhiều phát hiện mang tính khai phá, để lại nhiều công trình có giá trị khoa học đến tận hôm nay như: Madeleine Colani, Olov Jansé, Loius Malleret, H.Parmentier, Henri Maspéro, Paul Lévy, Louis Finot, George Coedès, André-Georges Haudricourt, Georges Condiminas,…
Thứ hai, EFEO góp phần thúc đẩy, hiện đại hóa các ngành khoa học xã hội – nhân văn truyền thống song song với những ngành được xây dựng mới, tiêu biểu như Sử học, Hán-Nôm, văn hóa dân gian và phong tục tập quán, kiến trúc và điêu khắc cổ… Nhiều tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống về lịch sử Việt Nam đã được khảo cứu và xuất bản, góp phần mở rộng hiểu biết và quảng bá ra thế giới.
Viện Viễn Đông Bác Cổ, trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông Dương năm 1926, tại miền Nam Việt Nam.
Thứ ba, EFEO góp phần xây dựng một đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế (chủ yếu là học giả Pháp), đồng thời tạo điều kiện đào tạo một thế hệ các nhà khoa học xã hội Việt Nam hiện đại trong thế kỷ XX. Quá trình triển khai các chương trình nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là trong nửa đầu thế kỷ trước đã thu hút và tạo dựng một đội ngũ các nhà nghiên cứu lừng danh từ Loius Finot, George Coedés, Madeliene Colani, Olov Jansé, Loius Malleret, H.Parmentier, Henri Maspéro, Paul Lévy đến André-Georges Haudricourt, Georges Condominas, v.v…Bên cạnh đó, mọt thế hệ vàng các nhà nghiên cứu người Việt trưởng thành nhờ sự hợp tác và cộng tác với EFEO trong các hoạt động học thuật, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Trần Hàm Tấn, Nguyễn Văn Huyên…Không khí học thuật của EFEO góp phần trực tiếp vào sự hình thành một nền giáo dục Âu hóa và hiện đại ở Việt Nam, từ đó góp phần đào tạo những tri thức tiêu biểu của khoa học xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX từ thế hệ khai khoa như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, đến thế hệ những nhà khoc học đầu đàn được đào tạo và trưởng thành sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn…Đó là những thế hệ trí thức đã thu lượm và phát triển và phối kết hài hòa tinh hoa của nhiều nền khoa học và giáo dục lớn đương thời gồm Hán học, Pháp học và Nga…
Thứ tư, EFEO đã tổ chức nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn, góp phần soi sáng nhiều khía cạnh học thuật ở Việt Nam. Trong nửa đầu thế kỷ XX, những chương trình điền dã dân tộc học đã đưa đến những nhận thức toàn diện và sâu sắc về các khía cạnh tộc người và ngôn ngữ tộc người; những đợt thám sát và khai quật khảo cổ học đã cung cấp thêm nhiều luận cứ khoa học góp phần phát hiện và làm sáng tỏ nhiều vấn đề về các thời đại khảo cổ, các vương quốc và nền văn hóa cổ…với hàng ngàn tài liệu thác bản, văn khắc…Bên cạnh đó, EFEO cũng nỗ lực công bố hàng loạt công trình nhằm xã hội hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp và Việt Nam.
Sau khi tái lập văn phòng đại diện ở Hà Nội năm 1993, EFEO đã tích cực triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm có tiếng vang, tiêu biểu như: Đại lý hành chính Kinh Bắc (1996), Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (1997), Văn thơ Đông kinh nghĩa thục (1997), L’Univers des Truyện Nôm (1998), Những vấn đề văn bản học quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi (1999), Đặc danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (1999)…Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu liên ngành quy mô về Làng xã Việt Nam, cuốn chuyên khảo Làng ở vùng châu thổ Sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ được xuất bản năm 2002, tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam như Phan Huy Lê, Lê Bá Thảo, Phan Đại Doãn, Đào Thế Tuấn, Đặng Nghiêm Vạn, P.Papin, Nelly Krowolski, Oliver Tessier…Trong vài năm gần đây, EFEO đã đầu tư nhiều tâm sức và kinh phí vào dự án nghiên cứu Trường Lũy ở Quảng Ngãi và đã có những xuất bản bước đầu.
Thứ năm, EFEO góp phần thiết thực trong việc sưu tầm và bảo tồn cổ vật và xây dựng các bảo tàng hiện đại, đóng góp thiết thực vào lĩnh vực quản lý di sản ở Việt Nam. Một loạt các bảo tàng quy mô đã được xây dựng từ đầu thế kỷ XX: Bảo tàng Loius Finot (1901, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Henri Parmentier (1918, nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (1929, nay là Bảo tàng Lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh)…Bên cạnh đó, EFEO đã nỗ lưc thống kê di tích trên toàn cõi Đông Dương, ra mắt nhiều bộ danh mục di sản. Nhiều chương trình trùng tu di tích cũng được đầu tư thực hiện (di tích Chămpa những năm 1901-1903, Văn Miếu – Quốc tử giám năm 1918-1920, Chủa Một Cột năm 1922, chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích ở Bắc Ninh năm 1930…).
Có thể nói, trong hơn một thế kỷ hiện diện ở Việt Nam, mặc dù có lúc thăng lúc trầm nhưng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) vẫ luôn luôn là nhịp cầu vững chắc trong nhiều nhịp cầu tri thức kết nối nền học thuật của Việt Nam với thế giới, đặc biệt là với nền học thuật Pháp và Châu Âu. Thông qua các hoạt động khoa học của mình, EFEO đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc giới thiệu các khuynh hướng nghiên cứu mới, các quan điểm và trường phái khoa học mới, các phương pháp tiếp cận liên ngành hiện đại, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của nền khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam.
Tác giả: GS. TS Nguyễn Văn Khánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn