Thưa ông, có quan điểm cho rằng chúng ta xứng đáng có được những điều khoản có lợi hơn những gì đã thỏa thuận ở Hội nghị Geneva 1954, ông có thể phân tích rõ hơn điều này?
Đúng là có quan điểm cho rằng Việt Nam có thể đạt được nhiều điều khoản có lợi hơn tại Hội nghị Geneva 1954. Họ cho rằng, với thắng lợi chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ, Việt Nam có thể tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Tuy nhiên, cần phải nhìn rộng ra bối cảnh quốc tế lúc đó để thấy được từ Điện Biên Phủ tới Geneva là thắng lợi quan trọng của chúng ta.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng kể cả giữa ta và Pháp, cũng như giữa đồng minh của Việt Nam và đồng minh của Pháp đều không có lợi cho Việt Nam. Cụ thể, tại chiến trường Đông Dương quân đội Pháp vẫn còn hơn 300.000 quân, lực lượng của họ vẫn còn mạnh hơn ta nhiều lần. Thứ hai, khả năng Mỹ can thiệp vào Đông Dương vẫn còn bỏ ngỏ. Thứ ba, đồng minh của Việt Nam bao gồm Liên Xô và Trung Quốc đến bàn đàm phán ở Geneva cùng với lợi ích riêng của họ.
Các nước tham gia Hội nghị Geneva đều muốn chấm dứt xung đột ở bán đảo Đông Dương và đạt được mục đích riêng của mình. Nếu như chúng ta không chấp nhận thỏa thuận đó, điều gì sẽ xảy ra? Có thể chiến tranh sẽ tiếp diễn, xung đột sẽ kéo dài và chúng ta không có hòa bình. Các nước đồng minh sẽ không ủng hộ chúng ta. Xét cho cùng, tại Hội nghị Geneva 1954, chúng ta chưa thắng lợi toàn vẹn, nhưng chúng ta giành thắng lợi từng phần trong công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước.
Có bình luận cho rằng, các nước lớn lợi dụng Geneva để chia cắt Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào, Việt Nam đã vượt qua những toan tính của các nước lớn ra sao?
Trong bất kỳ trật tự thế giới nào, các nước lớn đều đóng vai trò quan trọng. Từ Hội nghị Tứ cường tháng 1 năm 1954 tại Berlin (Đức), các nước Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô đã đồng ý triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Sau đó, với lời mời của Liên Xô, Trung Quốc cũng tham dự Hội nghị dù ban đầu vấp phải sự phản đối của Mỹ. Có thể nói, xu thế mới của quốc tế lúc đó là xu thế hòa hoãn để phát triển, vì vậy Liên Xô và Mỹ đều muốn chấm dứt các xung đột tại Đức, Triều Tiên và Đông Dương. Xu thế hòa hoãn đó đã tác động rất lớn tới cục diện thế giới, và các nước nhỏ đều không nằm ngoài trật tự này.
Tới Hội nghị Geneva, mỗi nước đều có một lợi ích riêng. Mục tiêu của Liên Xô là sự cân bằng và tồn tại hòa bình với Mỹ. Hơn nữa địa bàn chiến lược của Liên Xô là châu Âu, vì thế Liên Xô muốn có sự ủng hộ của Pháp để tạo ra thế cân bằng về mặt chiến lược ở châu Âu trong quan hệ với Mỹ. Pháp cũng muốn rời cuộc chiến tại Đông Dương mà không muốn bị bẽ mặt khi người dân Pháp đã quá ngao ngán với những tổn thất tại đây. Còn Mỹ đang muốn thế chân Pháp tại Đông Dương.
Như vậy có thể thấy lợi ích của các nước nhỏ bị chi phối bởi các nước lớn, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã khôn khéo để giảm thiểu những toan tính của các nước lớn. Ngay từ ngày đầu tham gia Hội nghị Geneva, đoàn ngoại giao Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đưa ra lập trường 8 điểm. Trong đó chúng ta nêu rõ và kiên định trong mục tiêu của mình, mong muốn tất cả các nước thừa nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Và cuối cùng các nước tham dự Hội nghị Geneva đều cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, cho sự thống nhất của Việt Nam sau này. Những kết quả tại Hội nghị Geneva là thắng lợi quan trọng của Việt Nam cũng như của ngành ngoại giao non trẻ của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to!”.
Lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất
Tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi sau 60 năm, đất nước đang phải đối mặt nhiều vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đặc biệt, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang có những diễn biến phức tạp. Theo ông, chúng ta có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm gì tại Hội nghị Geneva vào thực tiễn hiện nay?
Bài học đầu tiên trong đấu tranh ngoại giao chính là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mục tiêu độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là yếu tố bất biến trong mọi cuộc đàm phán, đấu tranh ngoại giao.
Chúng ta không được phép mơ hồ về mục tiêu và lợi ích chiến lược của các nước lớn. Ngay cả đối với các nước có cùng chung ý thức hệ, họ cũng có lợi ích riêng của họ. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu, xem xét xem các nước lớn có chiến lược như thế nào để có chính sách, đối sách phù hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Thực lực như cái chuông, ngoại giao như tiếng chuông. Chuông có to, tiếng mới lớn”. Vì vậy điều chúng ta luôn cần làm là tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Thắng lợi của Hội nghị Geneva 1954 đã biến Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới trở thành một biểu tượng sáng ngời của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong bối cảnh hiện tại, đối với vấn đề biển Đông, có một thực tế nhân dân thế giới còn hiểu biết hạn chế đối với vấn đề biển Đông. Vì thế, ngoại giao Việt Nam phải làm cho thế giới hiểu được chủ quyền và chính nghĩa của Việt Nam tại biển Đông.
Những kết quả nào từ Hội nghị Geneva cho thấy những điều khoản thể hiện bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thưa ông?
Chúng ta biết rằng trước Hội nghị Geneva, ngày 7/9/1951, tại hội nghị có phái đoàn 51 quốc gia tham dự tổ chức ở San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Lời xác nhận này không gây ra phản ứng và yêu sách nào đối với tuyên bố này của Quốc gia Việt Nam.
Hội nghị Geneva là hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn. Một trong 13 điểm tại Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương nêu rõ: “Trong quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia, các nước tham gia Hội nghị Geneva tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia”. Là một quốc gia tham dự Hội nghị Geneva 1954, Trung Quốc cũng cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, điều đó cũng tái thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cảm ơn ông!
(Nguồn: )