bet365 football - Nền tảng chính thức

   
Tin tức

Hà Nội đã có đường mang tên Giáo sư Trần Quốc Vượng

Thứ ba - 01/11/2016 06:46
Ngày 3/8/2016, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 07/NQ-HĐND và UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4659/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 về việc đặt tên các tuyến đường mới trên địa bàn Thủ đô, trong đó, có tuyến đường mang tên Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Hà Nội đã có đường mang tên Giáo sư Trần Quốc Vượng
Hà Nội đã có đường mang tên Giáo sư Trần Quốc Vượng

Cố Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Trần Quốc Vượng

Ông là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá nổi tiếng của Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học và Bộ môn Văn hoá học và Lịch sử văn hoá Việt Nam (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). Đây là một tin vui lớn đối với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ học trò của cố GS. Trần Quốc Vượng. Hà Nội từ giờ đã có con đường mang tên Trần Quốc Vượng - như một sự ghi nhớ, tri ân và tôn vinh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đối với Giáo sư với tư cách là một danh nhân có công lớn đối với đất nước, với dân tộc.

Phố Trần Quốc Vượng dài 750m-rộng 13,5m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Xuân Thủy (tại số nhà 165) đến ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng (đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền).

Sáng 28/10/2016 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức gắn biển tên cho con đường mang tên GS Trần Quốc Vượng. Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP Hà Nội, quận Cầu Giấy, đại diện gia đình cố GS. Trần Quốc Vượng cùng các đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ học trò.

Phố Trần Quốc Vượng thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đại diện gia đình cố GS Trần Quốc Vượng cùng đại diện lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN tại buổi lễ gắn biển tên phố Trần Quốc Vượng

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ Trường ĐHKHXH&NV), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) tham gia vào nghi thức gắn tên biển

Các thế hệ đồng nghiệp, học trò của cố GS Trần Quốc Vượng trong ngày vui

Giáo sư Trần Quốc Vượng: sinh ngày 12 tháng 12 năm 1934 tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, mất năm 2005. Quê gốc của ông ở xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là con út trong một gia đình có nhiều người sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng, theo Đảng. Niềm đam mê văn sử của ông, lòng tâm thành với lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng khởi nguồn từ truyền thống yêu nước, ham học, hiệu học của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa năm 1956, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu, Giáo sư Trần Quốc Vượng là người đã góp phần xây dựng Bộ môn Khảo cổ học, có công gây dựng Trung tâm Nghiên cứu Liên Văn hóa – Lịch sử, Bộ môn Văn hóa Du lịch, Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam và môn Địa lý Nhân văn…

Trong nhiều năm tháng của cuộc đời, Giáo sư Trần Quốc Vượng luôn miệt mài nghiên cứu về Hà Nội và có những công trình khoa học uyên bác, đặc sắc về Hà Nội. Ông cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học. Sinh thời, ông từ giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa – Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch hội Sử học Hà Nội khóa 2.

Ông đã viết trên 400 bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên môn và được xuất bản trên 40 cuốn sách ở trong và ngoài nước. Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1980, nhà giáo ưu tú năm 1990, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997. Năm 2012, ông được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về Khoa học – Công nghệ...

Tác giả: Thanh Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây