Ngôn ngữ
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngoại ngữ chỉ là môn điều kiện
- Quy chế mới về đào tạo đại học và sau đại học của ĐHQGHN (Quy chế) vừa ban hành được biên soạn trên cơ sở những văn bản pháp lý nào và dựa trên những tiêu chí cụ thể gì của ĐHQGHN thưa GS. ?
Căn cứ để xây dựng quy chế đào tạo ĐH và SĐH này là: Nghị định 186/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ĐHQG; Quy chế 26/2014/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của ĐHQG; Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Quy chế mới ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo cho phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của ĐHQGHN theo hướng tăng cường sự uỷ quyền của ĐHQGHN cho các đơn vị trong hoạt động đào tạo; tăng cường trách nhiệm của giảng viên và người học; đề cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các bộ phận quản lý đào tạo và quan trọng nhất là tạo nền tảng pháp lý tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của ĐHQGHN trong việc phát triển những ngành, chuyên ngành đào tạo mới, những mô hình đào tạo mới, theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập và đạt chuẩn quốc tế.
- GS. có thể cho biết những điểm mới nổi bật trong quy chế đào tạo đại học này?
Có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất là thay đổi ở một số khái niệm. Ví dụ trước kia, trong quy chế cũ, các môn học của bậc ĐH được gọi là môn học. Các môn học của bậc SĐH gọi là học phần. Thì nay, các môn học bậc ĐH và SĐH được thống nhất cách gọi là học phần. Các môn học kỹ năng mềm được gọi là Kỹ năng bổ trợ… Những cách gọi này chính xác và khoa học hơn, phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ.
Thứ hai là ngoại ngữ chỉ là môn điều kiện. Nếu theo Quy chế cũ, điểm của môn ngoại ngữ được tính vào điểm TB chung tích lũy của cả học kỳ, cả quá trình học tập thì nay, theo Quy chế mới, ngoại ngữ sẽ chỉ là môn điều kiện, chỉ tính đạt hay không đạt và số tín chỉ ngoại ngữ không tính vào tổng số tín chỉ phải tích lũy để tính điểm TB chung.
Việc đào tạo môn ngoại ngữ chuyên ngành (nếu có trong chương trình đào tạo) và các môn thuộc nhóm kỹ năng bổ trợ nay được giao cho các đơn vị đào tạo nghiên cứu, lựa chọn nội dung và tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu và đặc điểm, thực tế của đơn vị mình.
Thứ ba là những thay đổi trong đăng ký cải thiện điểm. Quy chế trước đây cho phép sinh viên có thể thi lại để cải thiện điểm, được lấy điểm thi ở lần thi cải thiện điểm gần nhất và như vậy sinh viên có thể học lại, thi lại để có thể đạt thành tích học tập tốt hơn. Quy chế mới chỉ cho phép sinh viên đạt điểm đạt điểm D,D+ (dưới trung bình) mới được thi để cải thiện điểm. Như vậy, sinh viên nắm vững điểm thay đổi này để nghiêm túc và có ý thức đầu tư hơn trong học tập ngay từ những năm đầu.
Thứ tư, sinh viên chỉ được đăng ký không quá 18 tín chỉ trong một học kỳ. Trước đây, quy chế cũ không quy định điều này nên sinh viên đăng ký quá nhiều tín chỉ trong một học kỳ mà không có khống chế nên dễ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Do vậy Quy chế mới cũng đòi hỏi sinh viên cần cân nhắc kỹ và có ý thức trách nhiệm khi đăng ký học ngành kép.
Thứ năm, sinh viên có thể đăng ký học văn bằng 2 (trước đây gọi là bằng kép) từ học kỳ 3 (năm thứ hai) nếu điểm trung bình học kỳ đạt từ 2.0 trở lên (trước đây quy định là 2.5). Đây là điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, theo hướng tạo điều kiện hơn cho sinh viên trong việc tham gia học hai ngành học cùng lúc.
Tuy nhiên, sinh viên sẽ phải dừng học ngành thứ hai nếu kết quả học tập đạt loại yếu ở một trong hai ngành học. Đơn vị đào tạo phải cập nhật điểm ở cả hai ngành học của sinh viên sau từng học kỳ. Điều này được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn so với trước đây, để căn cứ vào đó, sinh viên cũng cần cân nhắc kỹ mục tiêu học tập của mình.
Thứ sáu, về sang lọc, chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo chuẩn với chương trình chất lượng cao, tài năng, chuẩn quốc tế: quy định cụ thể hơn về điểm số và các yêu cầu cần đạt để chuyển đổi và sàng lọc các sinh viên theo học các chương trình này.
Thứ bảy, quy định về việc chuyển từ các trường đại học ngoài vào ĐHQGHN cũng rõ ràng và chặt chẽ hơn: sinh viên trường khác muốn chuyển về học tại các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN phải không là sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm cuối, có kết quả học tập TBC đạt từ 2.5 trở lên và vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị đào tạo của ĐHQGHN tổ chức.
Lần đầu tiên đào tạo chất lượng cao bậc Thạc sỹ
- Vậy đối với đào tạo sau đại học, Quy chế có những điểm mới gì thưa GS. ?
Điểm mới đặc biệt lưu ý trong quy chế đào tạo thạc sỹ là ĐHQGHN sẽ lần đầu tiên đào tạo chất lượng cao bậc thạc sỹ. Điều này xuất phát từ thực tiễn của ĐHQGHN, từ năm 1997, ĐHQGHN đã tiên phong trong đào tạo cử nhân khoa học tài năng và sau đó là CLC bậc ĐH. Sau đó mô hình này đã được nhân rộng trong toàn ngành (năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về đào tạo CLC bậc ĐH). Nay là thời điểm chín muồi để ĐHQGHN tiên phong đào tạo CLC bậc thạc sỹ.
Chuyển đổi công nhận tín chỉ tích lũy trước cho bậc SĐH cũng là một điểm mới. Sinh viên chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã học ít nhất 4 học kỳ được đăng ký học tích lũy trước một số tín chỉ thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ ngành, chuyên ngành đúng hoặc phù hợp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định (phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị đào tạo mà sinh viên đang theo học; điểm trung bình chung tích lũy từ 2,5 trở lên; các đơn vị đào tạo thạc sĩ tổ chức cho sinh viên đủ điều kiện học tích lũy trước tín chỉ được tham gia học tập theo hình thức tập trung cùng với lớp của các học viên và trong một học kỳ, sinh viên CLC, TN, chuẩn QT chỉ được đăng ký học tối đa 3 học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ). Điều này khuyến khích sinh viên các hệ tài năng, CLC, chuẩn quốc tế có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn học tiếp bậc sau đại học ở ĐHQGHN ngay từ khi còn là sinh viên.
Với quy chế mới, cấu trúc các CTĐT bậc thạc sỹ sẽ phải được xây dựng và bổ sung. Quy chế mới quy định 45 tín chỉ đối với chương đào tạo một năm rưỡi (định hướng ứng dụng) và 60 tín chỉ đối với chương trình đào tạo hai năm học (định hướng nghiên cứu). Đây là công việc rất quan trọng, ĐHQGHN đã ban hành hướng dẫn và đòi hỏi các đơn vị đào tạo sau đại học phải tập trung công sức hoàn thành trong năm 2015 trước khi khai giảng khóa sau đại học mới.
Quy chế mới cũng cho phép các đơn vị đào tạo lựa chọn một trong các môn thi đầu vào SĐH sẽ có thể được thay bằng bài thi đánh giá năng lực.
Quy chế mới cho phép được miễn ngoại ngữ đầu vào nếu ứng viên dự thi thạc sỹ đã có chứng chỉ, văn bằng ngoại ngữ phù hợp, đáp ứng các tiêu chí được quy định cụ thể trong Quy chế.
Cũng như bậc đại học, ở bậc thạc sỹ, ngoại ngữ cơ bản cũng chỉ là học phần điều kiên trong CTĐT và khi xét tốt nghiệp người học cần có minh chứng đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra của chương trình đào tạo. Các học phần ngoại ngữ chuyên ngành (nếu có trong chương trình đào tạo sau đại học) do cơ sở đào tạo tổ chức triển khai đào tạo.
Về quy định ngành đúng, ngành gần và ngành khác có thay đổi mới, đó là ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi chương trình đào tạo của hai ngành này ở trình độ đại học khác nhau dưới 10% cả về nội dung và thời lượng học tập của khối kiến thức ngành. Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành gần với ngành, chuyên ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi chương trình đào tạo của hai ngành này ở trình độ đại học khác nhau từ 10% đến 40% cả về nội dung và thời lượng học tập của khối kiến thức ngành (tổng số tiết học hoặc đơn vị học trình hoặc tín chỉ của khối kiến thức ngành). Ngành tốt nghiệp đại học được xác định là ngành khác với ngành, chuyên ngành dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ khi không cùng nhóm ngành hoặc hai chương trình đào tạo bậc đại học khác nhau trên 40% cả về nội dung và thời lượng. Như vậy tỷ lệ mới này đã được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Quy chế mới có thêm một số quy định chặt chẽ hơn như: không được chuyển chuyên ngành đào tạo trong quá trình học tập thạc sỹ; giảng viên phải thực hiện chấm điểm các học phần chỉ trong tối đa 15 ngày làm việc; để được bảo vệ luận văn thạc sỹ thì yêu cầu điểm TBC tích luỹ của học viên chỉ là 2.0 trở lên (thay vì 2.5 như Quy chế cũ trước đây); điểm chấm luận văn chỉ tối đa được 9 điểm, được cộng thêm tối đa 1 điểm cho những luận văn mà học viên đã có bài báo khoa học liên quan công bố trên danh mục tạp chí khoa học chuyên ngành do thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định hoặc có kết quả ứng dụng đã được nơi ứng dụng đồng ý bằng văn bản về việc chuyển giao, triển khai kết quả nghiên cứu; Quy chế mới cũng quy định rất rõ ràng hình thức xử lý và kỷ luật nếu xảy ra hiện tượng đạo văn trong quá trình làm luận văn thạc sỹ. Như vậy, có thể thấy là các quy định mới trong hoạt động quản lý đào tạo đều chặt chẽ và cụ thể hơn. Học viên SĐH được yêu cầu tham gia tích cực hơn vào hoạt động nghiên cứu và phải có ý thức chịu trách nhiệm rất cao về các kết quả nghiên cứu trong luận văn của mình.
- Quy chế này sẽ áp dụng như thế nào trong thời gian tới ? Các đơn vị đào tạo cần chú ý những gì trong quá trình thực hiện thưa GS. ?
Quy chế này áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2015 trở đi. Các nội dung liên quan đến quy trình đánh giá luận văn, công nhận học vị và cấp bằng thạc sỹ được áp dụng ngay đối với các học viên cao học bảo vệ luận văn sau ngày 01/01/2015.
Hai quy chế có rất nhiều điểm mới. Các đơn vị đào tạo cần tổ chức quán triệt kịp thời và đầy đủ 2 Quy chế đào tạo mới tới cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên cao học; tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia vào quá trình quản lý đào tạo ở cấp trường, cấp khoa, bộ môn và các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo ở các đơn vị.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn