Ngôn ngữ
Mở đầu buổi giao lưu, ngài Neelakantan Ravi chia sẻ rằng buổi giao lưu là cơ hội tốt để kết nối sinh viên Ấn Độ và Việt Nam lại gần nhau. Theo Nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là ví dụ của một mối quan hệ lâu dài và bền bỉ giữa hai đất nước nhiều đặc điểm chung về lịch sử và văn hóa, khi cả hai nước đều trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Quan hệ giữa hai nước bắt đầu từ rất lâu trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và kéo dài cho tới ngày nay. Theo ngài Neelakantan Ravi, quan hệ Việt-Ấn trong quá khứ là nền tảng vững chắc để thế hệ ngày nay tiếp tục thúc đẩy và phát triển. Đặc biệt, khi ngày nay thế hệ trẻ được sống trong môi trường hòa bình và được tiếp cận nhiều công nghệ mới, thì việc giao lưu, kết nối với nhau sẽ trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Nguyên Đại sứ Ấn Độ cũng cho hay chính phủ Ấn Độ rất khuyến khích các cuộc giao lưu, trao đổi để sinh viên hai nước có thể học hỏi lẫn nhau và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và xã hội của Ấn Độ và Việt Nam.
Ngài Neelakantan Ravi khuyến khích sự giao lưu và học hỏi giữa sinh viên Việt Nam và Ấn Độ
Đáp lại, PGS. TS Phạm Quang Minh đã bày tỏ lời cảm ơn tới ngài Neelakantan Ravi đã dành thời gian tới thăm Trường ĐHKHXH&NV và đặc biệt là Khoa Đông phương học. Phó Hiệu trưởng cho hay trong vòng 10 năm thành lập, Bộ môn Ấn độ học của Khoa Đông phương học đã gặt hái nhiều thành tựu với sự giúp đỡ của đại sứ quán Ấn Độ, cũng như triển khai nhiều chương trình hợp tác với đại sứ quán Ấn Độ như các chương trình trao đổi học giả và sinh viên, đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ, các chương trình nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ Ấn Độ. Qua những hoạt động này, Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học cũng như Trường ĐHKHXH&NV nói chung có cơ hội mở rộng hiểu biết và tầm nhìn về Ấn Độ trong mọi lĩnh vực. Do vậy, việc đón tiếp Nguyên đại sứ Ấn Độ hôm nay là biểu hiện của tình hữu nghị phát triển cao giữa ĐHKHXH&NV và các đối tác Ấn Độ nói riêng, cũng như giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung.
PGS. TS Phạm Quang Minh giới thiệu về đất nước Việt Nam tới các bạn sinh viên Ấn Độ
Tiếp đó, PGS. TS Phạm Quang Minh đã có bài thuyết trình về “Sự phát triển kinh tế và chính trị tại Việt Nam”. Qua bài thuyết trình, Phó Hiệu trưởng đã giới thiệu sơ lược về đặc điểm địa lý, lịch sử kinh tế, hệ thống chính trị và các đặc điểm văn hóa của Việt Nam tới các sinh viên thuộc Viện Quản lý Bangalore. Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn bị chia cắt do sự xâm lược của các thế lực bên ngoài và phải tới năm 1975 mới thực sự giành được sự thống nhất. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có những đặc điểm chung như nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, văn hóa làng xã, ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa-xã hội cũng như truyền thống đánh giặc ngoại xâm. Do vậy, có thể nói Việt Nam là một đất nước thống nhất và đoàn kết. Kể từ sau năm 1986, khi chính sách Đổi mới ra đời, Việt Nam đã thay đổi toàn diện qua việc cải cách kinh tế, đổi mới chính trị, khôi phục văn hóa và theo đuổi chính sách đa phương hóa và đa dạng hóa. Tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài và công cuộc xóa đói giảm nghèo có nhiều điểm tiến bộ. Trong quan hệ với các quốc gia Châu Á khác như Ấn Độ, Việt Nam mong muốn chia sẻ những điểm tương đồng cũng như học hỏi từ những điểm khác biệt từ nước bạn.
PGS. TS Đỗ Thu Hà thuyết trình về các đặc điểm văn hóa Việt Nam
Nối tiếp bài thuyết trình của PGS. TS Phạm Quang Minh, PGS. TS Đỗ Thu Hà (Chủ nhiệm Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học) đã thuyết trình về "Tình hình văn hóa-xã hội" tại Việt Nam. Bài thuyết trình đã làm rõ những vấn đề như các đặc điểm cơ bản trong giá trị sống của người Việt Nam, các phong tục tập quán của người Việt Nam, và những điều nên làm và không nên làm ở Việt Nam. PGS.TS Đỗ Thu Hà đã phác hoạ những nét cơ bản về văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đa dạng và phong phú với 54 danh tộc anh em và rất nhiều đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Bằng lối thuyết trình cởi mở và dí dỏm, PGS.TS đã tạo được ấn tượng cởi mở và thiên thiện với các bạn sinh viên Ấn Độ. Đặc biệt, qua bài thuyết trình, các bạn sinh viên Ấn Độ đã hiểu hơn về đặc điểm văn hóa-xã hội-con người Việt Nam cũng như những nét tương đồng và khác biệt về văn hóa-xã hội giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Cuối buổi giao lưu, các bạn sinh viên Ấn Độ đã đặt nhiều câu hỏi cho hai diễn giả về các vấn đề như sự hài hòa giữa các giá trị tập thể truyền thống và giá trị cá nhân hiện đại trong văn hóa Việt Nam, cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc và các tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông gần đây. Các câu hỏi đã được giải đáp ngắn gọn, súc tích cho các bạn sinh viên.
Tác giả: Bài: Trần Minh, Ảnh: Hiếu Lương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn