Ngôn ngữ
Toạ đàm Pháp - Việt: “Giáo dục đặc biệt: kinh nghiệm của Pháp và khả năng lồng ghép vào công tác xã hội” do Trường ĐHKHXH&NV và AUF phối hợp tổ chức ngày 14/4/2009.
Toạ đàm Pháp - Việt: “Giáo dục đặc biệt: kinh nghiệm của Pháp và khả năng lồng ghép vào công tác xã hội” do Trường ĐHKHXH&NV và AUF phối hợp tổ chức ngày 14/4/2009.
Các đại biểu dự hội thảo là các chuyên gia về tâm lí, công tác xã hội, giáo dục đặc biệt đến từ Viện CTXH Erasme Toulouse, Viện CTXH Pierre Bourdieu, Viện giáo dục y học Les Hirondelles Auch, Viện CTXH Pau, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và một số trung tâm giáo dục đặc biệt tại Việt Nam...
Chương trình giáo dục đặc biệt (GDĐB) là một chương trình giáo dục mang tính chất chuyên môn sâu, tập trung vào nhóm đối tượng có những hoàn cảnh đặc biệt, được can thiệp, chăm sóc, chữa trị trực tiếp bởi đội ngũ những cán bộ, nhân viên xã hội được đào tạo chuyên nghiệp từ các ngành nghề như y học, tâm lí học, sư phạm học, xã hội học, luật, công tác xã hội... Đối tượng của chương trình GDĐB là những cá nhân, nhóm đang gặp phải những vấn đề không bình thường vê cấu tạo cơ thể, bị suy giảm hoặc mất những chức năng trong hoạt động sống của con người, do đó giảm các khả năng hoà nhập vào xã hội. Về phương pháp, chương trình GDĐB đưa ra những cách thức chữa trị, các phương pháp giáo dục, cách chăm sóc, hướng dẫn đặc biệt, thích ứng với từng trường hợp đặc biệt của các cá nhân, các nhóm yếu thế.
[img class="caption" src="images/stories/2009/04/14/img_4794.jpg" border="0" alt="ThS. Lê Văn Phú (Chủ nhiệm Bộ môn CTXH - Khoa XHH) thay mặt nhóm tác giả trình bày báo cáo đầu tiên tại toạ đàm" title="ThS. Lê Văn Phú (Chủ nhiệm Bộ môn CTXH - Khoa XHH) thay mặt nhóm tác giả trình bày báo cáo đầu tiên tại toạ đàm" width="240" height="160" align="right" ]Một trong những nhóm đối tượng của chương trình GDĐB đã và đang được quan tâm tại Việt Nam là trẻ em khuyết tật. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Trung tâm giáo dục chuyên biệt thuộc Vụ Chiến lược và chương trình giáo dục Việt Nam, cả nước có gần 100 cơ sở chuyên biệt chăm sóc và giáo dục trên 7000 trẻ em khuyết tật. Hiện Việt Nam có 1,4 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có 800.000 trẻ em khuyết tật chưa được đến trường, có 1.500 giảng viên được đào tạo chính quy và không chính quy trình độ đại học và cao đẳng về giáo dục học sinh khuyết tật, có 7 cơ sở đào tạo có đơn vị khoa hoặc tổ chức cơ sở đảm trách nhiệm vụ GDĐB.
Từ năm 1975, Bộ Giáo dục đã thành lập tổ nghiên cứu về giáo dục trẻ khuyết tật. Đến năm 1980 đã có 30 cơ sở chuyên biệt, đến năm 1990 đã có trên 50 trường học và cơ sở làm nhiệm vụ giáo dục chuyên biệt. Từ năm 1990, với sự giúp đỡ có hiệu quả của nhiều tổ chức quốc tế, nhà nước Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo thuộc lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Ngày 22/5/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về giáo dục hoà nhập cho người tàn tật, khuyết tật, thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc ứng dụng, phát triển các phương pháp, mô hình tích cực vào chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.
Tại hội thảo, có nhiều ý kiến tham luận bàn về triển vọng lồng ghép chương trình GDĐB vào chương trình Công tác xã hội. Các ý kiến cho rằng chương trình GDĐB là một bộ phận không thể tách rời của chương trình giáo dục CTXH nói chung, là một lĩnh vực chuyên sâu của tri thức CTXH. Hình thức và nội dung giáo dục đặc biệt có thể được thiết kế như các môn học chuyên ngành trong chương trình đào tạo cử nhân CTXH. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của hoạt động lồng ghép này là ở khả năng vận dụng và thực hành các kĩ năng chuyên biệt đối với từng nhóm đối tượng đực biệt khi mà nhân viên CTXH chưa có đủ thời gian can thiệp, giúp đỡ thân chủ và thiếu các căn cứ khoa học để lượng giá kết quả sau quá trình thực hành CTXH.
Cũng có ý kiến đề xuất về việc xây dựng mô hình trung tâm giáo dục đặc biệt bên cạnh các đơn vị đào tạo (khoa, bộ môn) tại các cơ sở đào tạo như một giải pháp vừa kết hợp được các loại hình đào tạo, vừa tổ chức nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và thực hành kĩ năng nghề nghiệp. Chương trình khung về CTXH và chương trình GDĐB có thể được điều chỉnh để không bị trùng lặp, lại tận dụng được các kết quả nghiên cứu từ trung tâm GDĐB để bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo trong CTXH.
Ngoài chủ đề chính trên, một số báo cáo tập trung làm rõ vai trò của tâm lí học lâm sàng trong GDĐB, đề xuất xây dựng mô hình can thiệp nhóm các nhà chuyên môn hỗn hợp trong điều trị nhóm trẻ đặc biệt, đề xuất phương pháp xây dựng và sử dụng khu vực hoạt náo trong GDĐB, vai trò của việc chăm sóc thường ngày đối với việc hoà nhập của người khuyết tật, kinh nghiệm thực tiễn ở Pháp, Mĩ về GDĐB....
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn