"Kết quả này vượt kỳ vọng của em", Minh Anh, lớp 9D, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nói.
Nữ sinh đánh giá đề thi Địa không quá khó, kiến thức tập trung ở lớp 8, 9, nhưng có một câu đánh đố.
Với một bảng số liệu về sản lượng khai thác dầu thô, khí tự nhiên giai đoạn 2010-2021, đề bài yêu cầu thí sinh chọn dạng biểu đồ để vẽ. Dạng bài này phải dùng biểu đồ cột ghép kết hợp đường nhưng phần lớn bạn bè của em nhầm dạng cột chồng kết hợp đường.
Điều khiến em tiếc nuối là phân chia thời gian chưa hợp lý. Ở hai câu đầu, Minh Anh đều bị quá 5-10 phút so với dự kiến nên bị vội ở các câu sau.
"Ba câu 2 điểm cuối cùng chỉ còn 75 phút, em viết vội nên chưa hết ý đã hết giờ", nữ sinh nhớ lại.
Đây là năm đầu tiên trường chuyên Nhân văn tuyển sinh lớp 10 với duy nhất bài thi môn chuyên, thay vì có thêm ba môn chung Toán, Văn và Tiếng Anh như các năm trước. Điểm của Minh Anh là mức cao nhất trong số hơn 1.500 thí sinh.
Phạm Minh Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nữ sinh nói yêu thích môn Địa lý từ năm lớp 6, khi mới vào khối THCS của trường Ams. Học về Địa lý đại cương, Minh Anh biết về các hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, tự lý giải được tại sao vào mùa hè, ngày dài hơn đêm. Lên các lớp cao hơn, em được mở rộng thêm kiến thức về các vùng, ngành kinh tế..., phát triển tư duy tổng hợp.
"Em thấy môn này hay, có thể học mấy tiếng mà không chán", Minh Anh cho biết.
Niềm yêu thích cùng sự ngưỡng mộ các anh, chị chuyên Địa ở khối THPT của trường khiến Minh Anh thêm có động lực học tốt. Năm lớp 8, Minh Anh thi học sinh giỏi Địa lý cùng các anh chị lớp 9 và giành giải khuyến khích của quận.
Đặt mục tiêu thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi thành phố vào năm sau nên nữ sinh quyết tâm ôn luyện. Minh Anh nhìn nhận với các môn chuyên, ngoài tập trung nghe giảng trên lớp, phải tự học nhiều. Em chia thời gian biểu từng hôm, quyết tâm không đụng đến điện thoại trong thời gian học ở nhà.
Ngoài ra, nữ sinh xin sách, tài liệu, đề thi các năm từ anh, chị khóa trên để luyện tập. Những hôm học cả ngày ở trường, em tranh thủ buổi trưa "cày" thêm.
"Mỗi ngày em dành 5-6 tiếng để học Địa", Minh Anh nói. "Em muốn học kỹ, hiểu sâu để làm được những câu hỏi khó, yêu cầu vận dụng cao".
Những nội dung nào chưa hiểu, Minh Anh lên mạng xem video và bài giảng. Thay vì học thuộc lòng, em tìm dẫn chứng, viết câu trả lời theo ý hiểu của mình và so sánh với đáp án. Khoảng vài hôm sau, nữ sinh quay lại một lượt để chắc chắn nhớ được kiến thức.
"Tự suy luận, lấy ví dụ và viết ra sẽ nhớ dễ hơn", nữ sinh nói.
Sự chăm chỉ và nỗ lực của Minh Anh giúp em giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, rồi cấp thành phố năm học vừa qua.
Là giáo viên Địa lý của Minh Anh từ năm lớp 8, cô Tạ Quỳnh Trang cảm nhận rõ sự quyết tâm của học trò. Cô đánh giá nữ sinh có tư duy Địa lý tốt, lại chăm chỉ, có mục tiêu, nên tiến bộ nhanh. Em luôn chủ động nhờ cô ra thêm đề và chữa sau giờ học.
"Em ấy phải yêu thích môn học lắm mới có đủ kiên nhẫn để làm như vậy trong suốt một năm học vừa qua", cô Trang nói.
Minh Anh hiện chờ thêm kết quả của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm và Hà Nội - Amsterdam. Em đặt mục tiêu thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và giành học bổng du học khi vào cấp ba.